ThienNhien.Net – Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường trả lời phỏng vấn của Báo Tài nguyên và Môi trường trước thềm Diễn đàn – Giao lưu “Phát triển nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam” – Lần thứ I năm 2014, do Báo Tài nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT), Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) và Trung tâm Môi trường Hội Nông dân Việt Nam (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp tổ chức.
PV: Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về ý kiến cho rằng, chất thải trong nông nghiệp đang góp một phần không nhỏ vào ô nhiễm và suy thoái môi trường?
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Nhận định trên có thể nói cũng có phần khá đúng trong thời điểm hiện tại, khi môi trường nông thôn không còn trong lành như trước đây, cụ thể:
Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2012 và số liệu điều tra của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy: Lượng rác thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 18,21 tấn/ngày, tương đương với 6.6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, việc phân loại chất thải rắn nông thôn còn rất nhiều hạn chế. Hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vào khoảng 40 – 55%. Hầu hết các địa phương đều chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh theo đúng quy định, chủ yếu là đổ đống vào một khu vực. Tại đo, chất thải rắn nguy hại của nông nghiệp như vỏ, bao thuốc bảo vệ thực vật được đổ lẫn chất thải thông thường nên việc ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đo, các loại rơm rạ không được thu gom mà đốt ngay tại ruộng gây khói mù và ô nhiễm không khí; nhiều làng nghề xả nước thải không qua xử lý trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp nên việc sử dụng một lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật là điều tất yếu. Mỗi năm nước ta nhập khẩu từ 130.000 đến 150.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật phục vụ cho hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa kiểm soát tốt số lượng và chủng loại hóa chất bảo vệ thực vật được phun rải tại các cánh đồng làm cho chất lượng đất ngày càng suy giảm và thoái hóa. Đặc biệt hiện nay, chúng ta đang lưu giữ một lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật nhập lậu, hết hạn sử dụng; hơn 1.150 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước là một gánh nặng không nhỏ lên môi trường và sức khỏe cộng đồng.
PV: Theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân cơ bản của tình trạng này?
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Theo tôi, một trong những nguyên nhân cơ bản là nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân sinh sống ở nông thôn vẫn chưa được tăng cường; sự tham gia công tác BVMT của người dân và cộng đồng còn rất nhiều hạn chế. Chính quyền và người dân tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa thấy rõ được những nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động nông nghiệp, nông thôn sẽ có những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội và sức khỏe người dân như thế nào.
Thứ hai là, đội ngũ cán bộ quản lý môi trường tại các địa phương, đặc biệt tại các huyện, thị trấn vừa thiếu, vừa yếu. Nguồn ngân sách đầu tư cho sự nghiệp môi trường nói chung và hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; nhiều nơi còn đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả; cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương trong quản lý chất thải nông nghiệp, nông thôn còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm một cách rõ ràng.
PV: Thứ trưởng nhìn nhận vai trò của người nông dân có ý nghĩa như thế nào trong công tác bảo vệ môi trường, thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ vừa là quyền lợi. Đây cũng là một giải pháp cơ bản trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Trong đó, phải kể tới vai trò rất quan trọng của người nông dân. Hiện nay, để sản xuất ra thực phẩm, phải sử dụng rất nhiều tài nguyên đất, nước. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), việc sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất, tiêu tốn 70% lượng nước ngọt, góp 80% nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính… Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, nông dân phải sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… Nếu người nông dân sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên sẽ góp phần bảo vệ môi trường.
PV: Theo Thứ trưởng, Bộ TNMT và các Bộ, ngành quản lý liên quan cần có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn?
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Theo tôi, bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn bền vững là chiến lược quan trọng của đất nước.
Trước tiên, cần phải tuyên truyền, giáo dục người nông dân hiểu biết hơn về các vấn đề môi trường. Môi trường là sự sống còn của chính mình, của đất nước, của các thế hệ con cháu mai sau. Phát huy văn hóa, tri thức bản địa để xây dựng mô hình gia đình, làng xã phát triển bền vững. Mỗi người dân, mỗi làng xã cần nêu cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ cùng quản lý, bảo vệ, làm giàu thêm tài nguyên môi trường. Điều quan trọng cốt yếu nhất là nâng cao trình độ dân trí, nhận thức đầy đủ về hài hòa lợi ích kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sống.
Hai là, sản xuất hàng hóa phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ… đều phải tôn trọng môi trường sinh thái bền vững. Có nghĩa là, khai thác các nguồn tài nguyên phải có biện pháp hạn chế mức độ ảnh hưởng xấu đến môi trường, có giải pháp khôi phục làm giàu tài nguyên môi trường, hàng hóa phải hướng đến thân thiện với môi trường. Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội các vùng miền, địa phương phải xét đến lợi nhuận sản xuất kinh doanh với lợi ích môi trường sinh thái và tôn trọng các quy luật tự nhiên của hệ sinh thái.
Ba là, tăng cường tính pháp luật, kỷ cương Nhà nước về quản lý, bảo vệ, cải thiện môi trường; cá nhân, tổ chức phá hoại môi trường sinh thái phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Bốn là, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng gắn với thân thiện môi trường. Nhà nước đầu tư nguồn lực tài chính, quy hoạch, khắc phục, bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn trong từng giai đoạn, khu vực.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/1/2015 sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề rác tại Việt Nam hiện nay. Một trong những điều sửa đổi trong bộ luật này là phân rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT và chính quyền địa phương ở các tỉnh, xã, đặc biệt là người dân. Trong đó, Luật đã đưa ra những nguyên tắc như gây ô nhiễm phải trả tiền, quy định rõ những biện pháp mạnh mẽ hơn như phân loại rác tại nguồn thải, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác… Đây sẽ là một trong những hướng đi mới để giải quyết vấn nạn về rác thải nói chung, trong đó có vấn đề rác thải nông thôn nói riêng.
Đối với Việt Nam, nông nghiệp không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng, cung cấp lương thực thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho công nghiệp hóa, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng người nông dân xây dựng Nông thôn mới trong quá trình hội nhập là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò to lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào đối với sáng kiến tổ chức Diễn đàn – Giao lưu “Phát triển nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam” – Lần thứ I năm 2014?
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn – Giao lưu “Phát triển Nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường và Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam” – Lần thứ I – 2014 do Báo Tài nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT), Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) và Trung tâm Môi trường Hội Nông dân Việt Nam (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp tổ chức ngày 28/11 tới đây.
Đây một hoạt động thiết thực, nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp Việt Nam gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là dịp khẳng định vị thế cho những doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm uy tín và chất lượng được đông đảo nhân dân tin và dùng, đồng thời quảng bá thương hiệu sản phẩm ngành nông nghiệp nước ta đến với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, khuyến khích, vinh danh những tập thể, cá nhân có phát minh sáng tạo, đổi mới không ngừng để đạt năng suất, thành tích cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nông thôn mới.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!