ThienNhien.Net – Năm 1992, độ độ che phủ rừng là 28%. Sau khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ra đời, diện tích rừng trồng đã tăng nhanh chóng đạt tỷ lệ 41% vào đầu năm 2014.
Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những đổi thay cũng như thách thức của ngành Lâm nghiệp trước yêu cầu tái cơ cấu, phát triển bền vững hiện nay.
Thưa Thứ trưởng, đến nay, ngành lâm nghiệp đã trải qua 55 năm xây dựng và phát triển. Trong quá trình đó, ngành lâm nghiệp đã có những đóng góp cũng như gặp khó khăn như thế nào?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: 55 qua, ngành Lâm nghiệp đã có chặng đường phát triển gắn liền với lịch sử dân tộc. Cách đây 55 năm, độ che phủ rừng của Việt Nam vào khoảng 40% và hầu hết là rừng tự nhiên. Lâm nghiệp chủ yếu là khai thác tài nguyên, phục vụ quốc kế dân sinh. Lực lượng sản xuất trong lâm nghiệp chủ yếu là quốc doanh với phương thức quản lý chủ yếu là mệnh lệnh, chỉ tiêu, kế hoạch. Cho nên đến năm 1992, độ che phủ rừng chỉ còn 28%.
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được coi là luật chuyên ngành ra đời sớm nhất. Nhờ vậy, diện tích rừng trồng đã tăng nhanh chóng, đạt 41% vào đầu năm 2014. Thành tựu này của Việt Nam được FAO đánh giá tuy là một nước nghèo nhưng có độ che phủ rừng cao.
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh. Hơn nữa, lâm sản hàng hóa ngày càng thích ứng với yêu cầu của thị trường thế giới và đời sống người làm nghề rừng được nâng cao. Năm 2014, rừng trồng cung cấp khoảng 10 triệu m3 gỗ và cây trồng phân tán cung cấp trên 2 triệu m3, nếu tính cả cao su có thể đạt 16 triệu m3.
Có được kết quả như vậy, bên cạnh phong trào trồng rừng, chúng ta còn có những mô hình quản lý rừng bền vững như ở Quảng trị, Quảng Ninh… Tại những địa phương này, người dân có thể làm giàu được từ rừng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh. Đặc biệt, công tác xã hội hóa nghề rừng phát triển mạnh. Hầu hết khâu chế biến trong lâm nghiệp được đảm nhận bởi tư nhân (95%) với diện tích rừng trồng 90% là ngoài quốc doanh.
Tuy nhiên, thưa Thứ trưởng, thực tế câu chuyện về bảo vệ và phát triển rừng vẫn là vấn đề còn nhiều bức xức hiện nay…
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đúng vậy, tuy chúng ta vui mừng vì diện tích rừng trồng và độ che phủ rừng tăng, nhưng rừng tự nhiên có chất lượng cao giảm. Trong đó, 80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo. Rừng trồng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nên chuỗi giá trị còn thấp.
Hiện rừng trồng đạt sản lượng khoảng hơn 90 m3/ha/chu kỳ và hơn 70% sản lượng này được sử dụng cho sản phẩm dăm gỗ với giá trị thấp.
Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật để lấy đất; khai thác trái phép rừng để lấy lâm sản, nhất là gỗ quý hiếm; sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích còn phổ biến. Trong khi đó, tình trạng một bộ phận người dân thiếu đất sản xuất diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều điểm nóng về phá rừng tự nhiên nghiêm trọng, kéo dài nhưng chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong xã hội.
Về quản lý rừng bền vững, hiện nay mới có khoảng trên 40.000 ha được chứng nhận là rừng bền vững. So với tổng diện tích rừng sản xuất trên 8 triệu ha thì còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi xác định, dân phải làm giàu được từ rừng thì việc bảo vệ và phát triển rừng mới có thể bền vững.
Để khắc phục tồn tại đó, ngành đã triển khai đề án Tái cơ cấu lâm nghiệp. Tuy thời gian thực hiện mới được hơn 1 năm, nhưng xin Thứ trưởng cho biết đến nay, ngành đã đạt được kết quả bước đầu như thế nào?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Tái cơ cấu nông nghiệp nói chung cũng như ngành lâm nghiệp nói riêng là đều phải xác định, chọn khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng.
Trong lâm nghiệp, ngành tập trung vào rừng sản xuất, chú trọng từ việc trồng rừng tới khâu tiêu thụ. Do vậy, ngành lâm nghiệp xác định khâu giống là khâu đầu tiên phải có sự đột phá. Đối với khâu giống, quan trọng là kiểm soát được giống.
Năm 2013, giống trong trồng rừng chỉ có 39% được tạo bằng mô và hom, trong đó giống bằng mô chỉ chiếm 1,3%. Còn lại 61% là giống tự nhiên và việc sử dụng các giống này sẽ làm mất chu kỳ sản xuất.
Chẳng hạn như cây keo, nếu giống tạo bằng mô năng suất có thể tăng 20-25% so với bằng hom trong khi năng suất giống tạo bằng hom có thể tăng vô vàn so với giống tự nhiên bằng hạt. Với sự vào cuộc quyết tâm mạnh mẽ, đến nay ngành lâm nghiệp đã có khoảng 70% giống có kiểm soát.
Đồng thời, ngành đã có hệ thống quản lý giống, từ giống đầu dòng cho đến các cơ sở sản xuất giống, để làm sao giống đến tay người trồng rừng có chất lượng cao. Với quan điểm của tôi, nếu giống kém chất lượng thì thà không sử dụng, không hoàn thành kế hoạch còn hơn là trồng.
Thứ hai là việc kéo dài chu kỳ khai thác đã có những tín hiệu tốt. Hiện đã có khoảng 15-17% trong 3 triệu ha rừng trồng được người trồng đồng ý kéo dài chu kỳ khai thác. Mục tiêu của ngành lâm nghiệp là 25% diện tích rừng được kéo dài chu kỳ khai thác.
Cùng với việc thực hiện đề án tái cơ cấu, tình hình mới cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải thích ứng, tăng cường hợp tác và cạnh tranh. Vậy ngành sẽ có những giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Để tăng chu kỳ khai thác rừng, nhằm giảm thiểu lượng gỗ nhỏ cần phải có chính sách tín dụng hỗ trợ người trồng rừng. Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm phải có các các cơ sở chế biến sản phẩm sau dăm gỗ như giấy…
Cùng với đó, ngành lâm nghiệp đang bàn với các bộ ngành về những chính sách thuế nhằm giảm thiểu sản phẩm dăm gỗ; xây dựng đề án ngừng mở các cơ sở chế biến dăm gỗ, thậm chí có những quy định hơi “nặng nề” như phải thỏa thuận với Bộ khi muốn mở mới cơ sở dăm.
Bên cạnh đó, cần phát triển những mô hình hợp tác kinh tế trong lâm nghiệp. Hiện có mô hình ở Quảng Trị, các hộ trồng rừng hợp tác, liên kết cùng tạo vùng nguyên liệu, cùng kéo dài chu kỳ trồng rừng.
Như thế sẽ tạo ra thế mạnh, được nhà nước hỗ trợ, được cấp chứng chỉ quản lý quản lý rừng bền vững để có lợi thế về giá cao, liên kết với doanh nghiệp chế biến. Ví dụ 1 ha rừng, không nằm trong diện đó chỉ bán được tối đa 50-70 triệu đồng, nhưng trong mô hình ở Quảng trị có thể bán được 210 triệu. Tất cả những điều này sẽ làm tăng giá trị gia tăng của ngành.
Tuy nhiên, bất kể ngành sản xuất nào nếu không nhìn được đầu ra, không giải quyết được thị trường thì đừng nói đến phát triển.
Trong 10 năm qua, thị trường lâm sản của Việt Nam năm nào cũng tăng khoảng 15%. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam đều là những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Các thị trường này ngày càng có nhiều rào cản, đòi hỏi chúng ta phải thích ứng tốt.
Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động ứng phó với yêu cầu như chứng minh nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp theo Luật Lacey của Mỹ; thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản của EU là FLEGT… Trong thời gian tới sẽ cố gắng kết thúc đàm phán với EU về FLEGT.
Ngoài ra, Bộ đang trình Chính phủ chính sách phát triển rừng gắn với đồng bào dân tộc, tiếp tục mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, phát triển thị trường tín chỉ carbon để tạo nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Cảm ơn Thứ trưởng!