ThienNhien.Net – Theo đánh giá của các chuyên gia bảo tồn, mặc dù Điều 190 của Bộ Luật hình sự đã quy định rất cụ thể về các tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và các loài động vật hoang dã, song việc xử lý bằng hình sự còn rất hạn chế, thậm chí ít hơn nhiều so với số lượng các vụ vi phạm được phát hiện và các đối tượng chủ mưu, cầm đầu khó bị phát hiện.
Điều này có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm và chưa kịp thời răn đe người phạm tội.
Vi phạm nhiều, xử phạt nhẹ
Tại hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” vừa được Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức tối 24/11, ông Đỗ Trọng Kim, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, từ năm 2010 đến hết tháng Mười năm 2014, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý 140.716 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (bình quân 28.143 vụ/năm).
Tính đến nay, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 115.165 vụ, khởi tố hình sự 1.431 vụ. Trong đó, vi phạm về khai thác gỗ trái pháp luật 12.425 vụ; vi phạm về quản lý động vật hoang dã 3.823 vụ; vi phạm về mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 71.654 vụ; tịch thu 58.869 cá thể động vật hoang dã (trong đó có 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm)…
Theo đánh giá của ông Kim, mặc dù số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, lâm sản được phát hiện là rất lớn, nhưng việc truy tố xét xử đối với các vụ án hình sự vẫn đạt tỷ lệ rất thấp và thường kéo dài, nên hạn chế tính giáo dục, răn đe tội phạm.
“Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2011-2013, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và quyết định khởi tố 1.028 vụ án hình sự với 1.233 bị can, nhưng chỉ có 153 vụ được xét xử, đạt 15%,” ông Kim dẫn chứng.
Có chung nhận định, Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, qua theo dõi công tác đấu tranh của lực lượng công an cho thấy, mặc dù số lượng vụ việc được phát hiện tuy có ít hơn so với trước, nhưng tình hình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm vẫn chưa được kiểm soát.
Theo tiết lộ của ông Kim, mặc dù Điều 190 của Bộ luật hình sự đã quy định việc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến các loài thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ không cần phải có căn cứ về định giá trị, khối lượng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, các cơ quan chức năng đã áp dụng Nghị định 157/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính.
“Việc vận dụng Nghị định 157/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính đối với các loài quý hiếm tuy không trái pháp luật, nhưng cần phải thống nhất tinh thần áp dụng pháp luật tại tại Khoản 2, Điều 83, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đòi hỏi áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn,” ông Bình phân tích.
Vị Cục phó cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cũng cảnh báo, việc vận dụng Nghị định 157/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính đối với các loài quý hiếm, có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm và chưa kịp thời răn đe người phạm tội.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Bình nêu ví dụ, ngày 12/12/3013, một vụ vận chuyển trái phép một cá thể Vọoc cà vá chân đỏ nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện và xử phạt hành chính 15 triệu đồng thay vì phải xử lý nặng hơn.
Cần thống nhất từ khái niệm đến mức án phạt
Để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống tội phạm, Đại tá Trần Trọng Bình cho rằng việc quan trong hiện nay là cần phải rà soát, nghiên cứu các văn bản pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động đấu tranh với các hành vi của tội phạm.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là công an, hải quan, cơ quan quản lý Cites Việt Nam… để các bên cùng trao đổi, phối hợp xử lý thông tin về các đối tượng cũng như tương trợ tư pháp về điều tra hình sự đối với các tội phạm.
“Ngoài ra, các bộ ngành cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật về bảo tồn giữa các cơ quan ngoại giao, cơ quan Cảnh sát các nước và các tổ chức chính phủ để triển khai các điều ước quốc tế, tham gia tích cực vào chiến dịch bảo vệ các loài quý hiếm,” ông Bình khuyến nghị.
Đồng tình quan điểm, ông Đỗ Trọng Kim, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 190 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), theo đó bổ sung tội phạm về bảo vệ động vật thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đảm bảo việc xử phạt phù hợp với thực tiễn khách quan.
Ngoài ra, ông Kim cũng đề nghị các cơ quan tư pháp phối hợp, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong việc điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự trong lĩnh vực quản lý-bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, động vật hoang dã quý, hiếm.
Nhìn nhận ở góc độ cơ quan bảo tồn, ông Phạm Văn Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho rằng, hiện nay việc thực thi bảo tồn đa dạng sinh học còn gặp một số thách thức, vướng mắc khi nhiều luật cùng tham gia vào công tác bảo tồn, nhưng khái niệm của mỗi luật lại khác nhau. Điều này đã dẫn đến việc thiếu sự thống nhất giữa các bộ ngành, địa phương.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, ông Cường kiến nghị cơ quan cơ quan chức năng cần phải thống nhất khái niệm giữa các Luật đồng thời từng bước thống nhấp cơ quan và phân cấp, quy định rõ ràng về nội dung, trách nhiệm quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học.
“Mặt khác, các đơn vị liên quan cũng cần phải tăng cường xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm cụ thể đồng thời công khai các thông tin về các vụ vi phạm; tăng cường giám sát thực thi pháp luật, bao gồm cả cộng đồng giám sát,” ông Cường nói.