Sắp xếp, đổi mới nông lâm trường: Đôi điều cần bàn

ThienNhien.Net – Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, các nông, lâm trường đã bước đầu xác định được chức năng, nhiệm vụ và dần chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn nông, lâm nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đáng ghi nhận, nhiều mục tiêu Nghị quyết đề ra vẫn chưa đạt được.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp chỉ mới thực hiện được việc đổi tên chứ chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; việc quản lý, sử dụng đất đai cũng chưa tạo được sự chuyển biến căn bản, phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, diện tích đất được cấp sổ đỏ chiếm tỷ lệ thấp; các công ty quản lý rừng tự nhiên còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi chuyển sang hạch toán kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp… Nhằm gỡ vướng cho thực trạng này, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hối thúc tiến độ chuyển đổi, đồng thời định hướng công cuộc sắp xếp. Đặc biệt, ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, song việc thực thi chính sách, pháp luật về sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường trên thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt chưa thực sự tạo ra cơ hội tiếp cận đất đai cho các công ty nông, lâm nghiệp cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc thực thi pháp luật về đất đai và rừng tại các công ty nông, lâm nghiệp còn nhiều bất cập là do nhiều địa phương chậm triển khai các dự án giao, cho thuê đất; quy hoạch các dự án cải tạo rừng tràn lan, thiếu hợp lý. Điều này tạo tâm lý chống đối cho người dân, khiến họ phát sinh các hành vi bao chiếm đất và phá rừng trái phép. Bên cạnh đó, do diện tích đất nông, lâm nghiệp bình quân giao cho một hộ gia đình quá thấp (diện tích đất trồng lúa bình quân chỉ 0,44 ha/hộ, tỷ lệ hộ sử dụng đất trồng cây lâu năm dưới 0,5 ha chiếm 77%, 84,29% số hộ sử dụng diện tích đất lâm nghiệp nhỏ hơn 3 ha*) trong khi nhu cầu về đất sản xuất của các hộ tương đối lớn, bởi vậy người dân không ngừng lấn chiếm rừng để lấy đất canh tác nông, lâm nghiệp, đặc biệt để trồng cây công nghiệp có thu nhập cao như cao su, cà phê, tiêu, sắn…

Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, Nghị quyết 30-NQ/TW đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó có những nội dung liên quan trực tiếp tới chính sách giao, cho thuê đất; giao khoán rừng và đất lâm nghiệp… áp dụng đối với các công ty nông lâm nghiệp và đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhìn chung, các chính sách thể hiện chủ chương đúng đắn của nhà nước, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đáng lưu ý.

Đối với các công ty nông lâm nghiệp

Việc quy định công ty nông, lâm nghiệp chuyển sang công ty cổ phần thực hiện thuê đất là hướng đi đúng đắn, song quy định “công ty thực hiện thuê đất phải tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất của địa phương” là chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường và Luật Doanh nghiệp. Trên thực tế, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh các ngành nghề mà nhà nước không cấm, và điều quan trọng là thu được lợi nhuận. Đó là chưa kể đến chất lượng quy hoạch, lập kế hoạch ở nhiều địa phương hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, do hạn chế về mặt kinh phí và do bản thân công tác này đôi khi còn mang tính hình thức, thiếu vắng sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội liên quan.

Liên quan đến chính sách cho các công ty nông, lâm nghiệp thuê đất, hiện vẫn tồn tại một số vướng mắc căn bản như: nhiều công ty nông lâm nghiệp có diện tích đất trên sổ sách và thực địa khác nhau nên việc xác định diện tích đất để tính tiền thuê đất gặp nhiều khó khăn, bất luận trên diện tích đất đó có rừng hay không. Điều đáng nói là diện tích đất trồng rừng sản xuất phần lớn là đất đã bị suy thoái, phân bố rải rác, nhiều nơi có địa hình hiểm trở, vì vậy, các công ty chỉ có khả năng đưa một phần diện tích vào trồng rừng, trong khi diện tích tính tiền thuê đất là tổng diện tích đất được nhà nước phân giao. Với khả năng tài chính hiện tại, chỉ một số công ty nông lâm nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ mới có đủ khả năng chi trả tiền thuê đất. Thiết nghĩ, các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết cần quy định diện tích tính tiền thuê đất là diện tích thực tế đưa vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

Riêng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, việc thu tiền thuê đất sẽ đặc biệt gây khó khăn cho các công ty nông lâm nghiệp không thuộc diện công ty nông lâm nghiệp công ích bởi hầu như họ không có thu nhập từ những khu rừng này trong khi vẫn phải bỏ chi phí để bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng cho đến khi rừng có khả năng khai thác (thời gian từ 20-30 năm) và sản phẩm khai thác rừng tự nhiên cũng phải nộp thuế tài nguyên rất cao.

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số

Nghị quyết 30 nêu mục tiêu giải quyết cơ bản các tồn tại, vướng mắc về đất đai, nhất là đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc – dựa trên việc sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu này khó có thể đạt được nếu không có các giải pháp đồng bộ, liên ngành, bởi Việt Nam hiện có 25 triệu dân sống ở vùng đồi núi, trong đó có 12 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng diện tích do các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý chỉ ở mức 2,4 triệu ha (0,5 triệu ha đất nông nghiệp và 1,9 triệu ha đất lâm nghiệp). Điều đáng nói là không thể giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào các dân tộc thiểu số nếu chỉ giải quyết riêng vấn đề đất đai của nông lâm trường, mà cần phải giải quyết đồng thời cả 4,6 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp do các ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ quản lý cùng 2,3 triệu ha đất do UBND cấp xã đang tạm thời nắm giữ cũng như 3,4 triệu ha đất lâm nghiệp do các hộ gia đình đang sử dụng.

Cùng đề cập tới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Luật Đất đai 2013 tại Điều 133 có nội dung về thu hồi đất của doanh nghiệp không sử dụng, sử dụng không hiệu quả hoặc có sai phạm pháp luật để ưu tiên giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, song bản thân Luật lại chưa công nhận quyền truyền thống đối với đất đai và rừng của các dân tộc thiểu số. Trong khi đó, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 cũng không có điều khoản nào nói về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và cũng chưa công nhận quyền truyền thống đối với rừng của họ trước đây. Luật chỉ quy định giao cho cộng đồng dân cư thôn “những khu rừng hiện cộng đồng dân cư thôn đang quản lý, sử dụng có hiệu quả; khu rừng giữ nguồn nước phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; và khu rừng giáp ranh giữa các thôn, xã, huyện không thể giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân” (Khoản 2 Điều 29), đồng thời hạn chế quyền của cộng đồng dân cư thôn với quy định “không được phân chia rừng cho các thành viên trong cộng đồng dân cư thôn, không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao (Khoản 2đ  Điều 30). Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây xung đột về đất đai giữa các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và công ty lâm nghiệp với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngoài một số đạo luật quan trọng, Chính phủ cũng ban hành nhiều quyết định liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn tồn tại ít nhiều bất cập khiến công tác giao đất giao rừng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đơn cử như Quyết định 178/2001/QĐ-TTg quy định khá đầy đủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, tuy nhiên, chính sách này chỉ phù hợp với những nơi có khả năng khai thác và tiêu thụ sản phẩm. Nơi rừng không có trữ lượng, không có sản phẩm phụ, nơi địa hình hiểm trở khó khai thác và vận chuyển lâm sản… thì quyền hưởng lợi hầu như không thực hiện được. Theo đó, có tới trên 90% diện tích rừng tự nhiên không thể áp dụng chính sách hưởng lợi. Đặc biệt, do không đánh giá được trữ lượng rừng khi giao rừng cũng như không đánh giá được lượng tăng trưởng hàng năm của rừng nên đến nay vẫn không có cơ sở để phân chia sản phẩm được hưởng cho mỗi bên.

Có thể nói, việc ban hành các chính sách về tiếp cận đất đai đối với các công ty nông, lâm nghiệp và đồng bào dân tộc thiểu số rất kịp thời và tương đối đầy đủ, song hầu hết lại chưa giúp người dân có thể thoát nghèo từ đất và rừng. Thực tế này đòi hỏi các nhà hoạch định cần có các quyết sách mạnh hơn như: giao rừng tự nhiên thuộc cả ba loại rừng cho cộng đồng dân cư quản lý hoặc đồng quản lý và hưởng lợi, ưu tiên giao các diện tích đất trồng rừng sản xuất cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số; giao khoán trồng rừng sản xuất của công ty nông lâm nghiệp cho các hộ gia đình và chia sẻ lợi ích theo đóng góp của mỗi bên… Song song với đó, cần lưu ý tới vấn đề về quyền và nghĩa vụ của các chủ rừng, đặc biệt cần đổi mới cơ chế quản lý sử dụng đất theo hướng tập trung đất vì người nghèo, trong đó chú trọng định hướng của Nghị quyết là “cần hoàn thiện các hình thức giao khoán rừng, đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quản lý bảo vệ theo nguyên tắc đồng quản lý”.

TS. Đoàn Diễm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam


(*) Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011 của Tổng cục Thống kê