ThienNhien.Net – Để tránh sự phân tán, chồng chéo khi quá nhiều bộ, ngành tham gia quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, nên đưa vấn đề đa dạng sinh học về quản lý trong một bộ thay vì 2 bộ như hiện nay.
Luật có như không!
Việt Nam đã có pháp luật về bảo tồn, quản lý đa dạng sinh học từ rất sớm. Đến năm 2008, Luật ĐDSH ra đời, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐDSH Việt Nam.
Mặc dù Luật ĐDSH của Việt Nam có hiệu lực từ năm 2009, tuy nhiên, trong thời gian gần đây ĐDSH tại Việt Nam vẫn đang suy giảm một cách nghiêm trọng, nguy cơ gây mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng.
Theo báo cáo của Tổng cục Đa dạng sinh học, thời gian qua, nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động thực vật hoang dã gia tăng với quy mô lớn và xuyên quốc gia. Số lượng các cá thể của loài quan trọng ,quý hiếm, đặc hữu đã giảm tới mức báo động, đặc biệt là các loài thú lớn và một số loài linh trưởng.
Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Kiểm Lâm, từ năm 20010 đến hết tháng 10/2014, lực lượng này đã phát hiện và xử lý 14.716 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (bình quân 28.143 vụ/năm). Trong đó, vi phạm về khai thác gỗ trái pháp luật 12.425 vụ, vi phạm quản lý động vật hoang dã 3.823 vụ, vi phạm về mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật 71.654 vụ.
Theo báo cáo từ Bộ Công an thì từ năm 2001 tới tháng 6/2014, lực lượng cảnh sát môi trường đã xử lý 884 vụ, khởi tố 163 vụ, xử lý hành chính 213 vụ với tổng số tiền phạt gần 31 tỉ đồng.
Chồng chéo và phân tán
Luật thì đã có, vậy lý do vì đâu tình trạng suy giảm ĐDSH tại Việt Nam không những không được cải thiện mà còn trở nên trầm trọng hơn?
Lý giải nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này, bên cạnh những nguyên nhân về nhận thức và nguồn lực tài chính cho bảo tồn ĐDSH còn hạn chế, một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia đề cập tới chính là sự chồng chéo về chức năng và thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến tình trạng Luật đã có nhưng khó triển khai trong thực tế.
Tại Hội thảo Đa dạng sinh học Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp được tổ chức ngày 24/11, Tiến sĩ Fernando Potess, một chuyên gia trong lĩnh vực chính sách môi trường cho rằng quản lý ĐDSH tại Việt Nam còn riêng biệt, chồng chéo và yếu kém.
Trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý ĐDSH thì toàn bộ lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).
Việc quản lý các khu bảo tồn, một công cụ quan trọng để quản lý và bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam cũng có nhiều chồng chéo khi có sự tham gia của 2 Bộ và UBND các tỉnh. Hiện tại, bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý 6 khu bảo tồn là các rừng quốc gia. Trong khi đó, Bộ TNMT quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước. Tất cả các khu bảo tồn khác lại thuộc về trách nhiệm quản lý của UBNN.
Theo TS Potess, sự chồng chéo này đã dẫn tới việc phân chia trách nhiệm cũng như phối hợp giữa hại Bộ TNMT và NN&PTNT chưa rõ ràng và không hiệu quả.
Quy về một mối?
Phân tích kinh nghiệm quốc tế, ông Potess cho biết, trên thế giới, 63% các quốc gia quản lý lĩnh vực lâm nghiệp và các khu bảo tồn trong cùng một bộ. TS Potess cũng đưa ra kinh nghiệm của Thái Lan, Ấn Độ và mới đây nhất là Indonesia trong việc tái cơ cấu, thành lập Bộ Môi trường Lâm nghiệp nhằm đưa lĩnh vực lâm nghiệp, các khu bảo tồn về cùng một bộ chịu trách nhiệm quản lý về đa dạng sinh học khi các quốc gia này gặp phải sự chồng chéo nhiệm vụ các bộ và sự nhầm lẫn trong việc thực thi chính sách.
Chia sẻ nhiều quan điểm với TS Potess, ông Huỳnh Minh Hoàng, Đại biểu quốc hội tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng nên đưa lĩnh vực lâm nghiệp và các khu bảo tồn về Bộ TNMT quản lý để tránh chồng chéo như hiện nay. Ông Hoàng lập luận cho rằng, rừng là tài nguyên tái tạo trong tự nhiên và cần phải bảo tồn, do vậy đặt lĩnh vực lâm nghiệp trong một bộ sản xuất như Bộ NN&PTNT là không hợp lý.
Bày tỏ quan điểm của mình, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường VN cũng cho rằng, sự thiếu hụt, thiếu tập trung, phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước trong những năm qua về bảo tồn ĐDSH đang là một bất cập rất lớn, gây ra những hệ lụy ngày càng nghiêm ttrọng.
“Chừng nào công tác quản lý ĐDSH còn bị xé nhỏ, còn chưa quy về một mối thì ĐDSH còn bị suy giảm, các chủ trương, các luật pháp về bảo tồn ĐDSH dù có đúng đắn đến đâu cũng không đạt được kết quả và hiệu quả như mong đợi”, GS Huỳnh nói.
Do vậy, theo GS Huỳnh, một trong những ưu tiên cao trong chính sách bảo tồn ĐDSH trong thời gian tới là tập trung công tác quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH vào một bộ.
Thận trọng hơn, bà Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội cho rằng, việc học tập kinh nghiệm của quốc tế là cần thiết, song cũng cần có sự cân nhắc và lựa chọn. Bởi lẽ, mỗi nước có một điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội khác nhau. Tuy nhiên, bà An cũng đề nghị nên đánh giá lại Luật ĐDSH 2008 để xem bất cập chỗ nào, từ đó lấy cơ sở để điều chỉnh.