Hệ thống tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp: Nặng trên nhẹ dưới

ThienNhien.Net – Nghị quyết ngày 14/11/1945 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Bộ Canh Nông, trong đó có Nha Lâm chính, được xem là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của ngành lâm nghiệp trong chế độ mới. Trong gần 70 năm hình thành và phát triển, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu, đồng thời có sự thay đổi căn bản về hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Từ những năm đầu thành lập tới nay, bộ máy quản lý ngành lâm nghiệp đã trải qua nhiều lần đổi tên, chia tách, sáp nhập, tương ứng với nhiệm vụ, yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về lâm nghiệp vẫn tồn tại nhiều hạn chế khiến hiệu quả quản lý chưa cao, chưa thúc đẩy ngành phát triển mạnh mẽ.

Hệ thống tổ chức bộ máy về lâm nghiệp ở nước ta có sự thay đổi rất lớn qua những cột mốc quan trọng. Cột mốc đầu tiên được đánh dấu vào ngày 14/11/1945, khi Hội đồng Chính phủ ban hành nghị quyết thành lập Bộ Canh Nông, trong đó có Nha Lâm chính – đơn vị chuyên trách về bảo vệ rừng và trồng rừng. Khoảng 5 năm sau, Nha Lâm chính lần lượt được đổi tên thành Nha Thủy lâm rồi Vụ Thủy lâm, Cục Lâm nghiệp. Sau nhiều giai đoạn tiếp tục phân tách, sáp nhập, đến năm 1995, Bộ NN&PTNT chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thủy lợi. Từ năm 2007, theo nghị quyết của Quốc hội, Bộ NN&PTNT hợp nhất với Bộ Thủy sản, tiếp tục giữ tên gọi Bộ NN&PTNT và được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy, hải sản.

Có thể nói, sự thay đổi cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp cũng như các ngành nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, diêm nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp bộ, từ bộ quản lý đơn ngành sang quản lý đa ngành là sự thay đổi đúng đắn, hợp thời và tích cực. Trên thực tế, xu hướng thành lập các Bộ quản lý đa ngành vốn được xem là sự thay đổi tiến bộ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải củng cố tổ chức quản lý của Bộ NN&PTNT để nâng cao hiệu quả quản lý đa ngành, liên ngành. Muốn vậy, cần xác định cụ thể vấn đề quản lý liên ngành là như thế nào, đồng thời phải nắm vững các mối liên kết liên ngành, đơn cử như mối liên kết giữa thủy sản – rừng hay giữa sản xuất lương thực – rừng. Hiện nay, các mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo nên đôi khi dẫn tới tình trạng quy hoạch nọ chồng lấn quy hoạch kia, khiến hiệu quả quản lý chưa cao, chưa thúc đẩy phát triển ngành và liên ngành một cách thực sự.

Ảnh: Đặng Xuân Trường/PanNature
Ảnh: Đặng Xuân Trường/PanNature

Theo Nghị định số 86/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ, hệ thống tổ chức ngành lâm nghiệp được phân chia thành hai cấp: Trung ương và địa phương. Trong đó, cấp Trung ương bao gồm Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và một số cục, vụ khác. Ở cấp địa phương, hệ thống tổ chức được phân chia thành ba cấp nhỏ hơn: cấp tỉnh (Sở NN&PTNT, Chi cục phát triển lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm); cấp huyện (Phòng NN&PTNT với 1-2 cán bộ chuyên trách lâm nghiệp; Hạt Kiểm lâm); cấp xã (Ủy viên ủy ban xã; Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn). Nhìn chung, bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp được phân cấp tương đối hệ thống từ cấp Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, hoạt động giữa các đơn vị trong cùng một cấp và giữa các cấp với nhau chưa thực sự nhịp nhàng và hiệu quả.

Bộ máy quản lý ngành cấp Trung ương hoạt động tương đối ổn định, đặc biệt là sau khi thành lập Tổng cục Lâm nghiệp vào năm 1960, song do phải giải quyết nhiều việc có tính chất “sự vụ” nên hiệu quả quản lý chưa cao. Hệ thống quản lý cấp Trung ương chỉ nên tập trung vào hoạch định chính sách, chiến lược, đồng thời nghiên cứu và ban hành những chỉ tiêu áp dụng trên toàn quốc và quản lý ngành dựa trên những chỉ tiêu đó.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Lâm nghiệp theo Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1565/QĐ-BN-TCLN ngày 08/7/2013, thì cách tiếp cận quản lý ngành lâm nghiệp được thực hiện theo chuỗi giá trị, từ khâu tạo nguyên liệu cho tới khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cách tiếp cận này tương ứng với quan điểm, nhiệm vụ được đề cập tại Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020 và Nghị định 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiêm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp hiện nay lại khuyết lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản (hiện do Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề Muối đảm nhiệm). Do đó, nhiệm vụ quản lý ngành theo chuỗi giá trị của Tổng cục Lâm nghiệp vẫn chưa thể thực hiện được trên thực tế.

Đối với bộ máy quản lý ngành lâm nghiệp cấp tỉnh, tuy cùng là đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, nhưng việc phân tách Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm thành hai đơn vị khác nhau  cũng thể hiện sự thiếu hợp lý bởi sẽ làm cho bộ máy yếu đi chứ không mạnh lên. Thay vào đó, nhà nước nên sáp nhập hai tổ chức này lại vì chúng vốn có mối quan hệ mật thiết với nhau, một bên làm nhiệm vụ giữ rừng, còn một bên tập trung làm giàu rừng.

Với cơ cấu quản lý lâm nghiệp cấp huyện, mối quan hệ giữa Phòng NN&PTNT và Hạt kiểm lâm cũng không được xác định rõ ràng, quan hệ lỏng lẻo, khiến hiệu quả phối hợp chưa cao. Trong khi Phòng NN&PTNT (với 1-2 cán bộ chuyên trách về lâm nghiệp) là cơ quan tham mưu về quản lý nhà nước về lâm nghiệp cho UBND huyện thì Hạt kiểm lâm (trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, biên chế hàng chục người) lại không được giao nhiệm vụ tham mưu ở lĩnh vực này. Do đó, cần tập trung chức năng quản lý lâm nghiệp của các cơ cấu này để công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện được tốt hơn.

Tại cấp xã, cơ cấu quản lý lâm nghiệp còn bất cập, thậm chí gần như “bỏ trống trận địa”. Theo Thông tư số 07/LB-TT ngày 24/4/1996 của Liên bộ Bộ NN&PTNT và Ban tổ chức-Cán bộ Chính phủ, mỗi xã phải có một ủy viên UBND phụ trách kế hoạch sản xuất về nông lâm nghiệp, thủy lợi và ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, việc sắp xếp này chưa được các địa phương chú trọng dẫn tới tình trạng nơi có, nơi không. Theo Quyết định số 105/2000/QĐ-BNN&PTNT-KL, Hạt Kiểm lâm có trách nhiệm cử cán bộ xuống địa bàn cấp xã để nắm tình hình; phối hợp, kiểm tra việc sử dụng rừng, đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện làm việc và sinh hoạt của kiểm lâm địa bàn còn nhiều hạn chế nên không duy trì đều đặn hoạt động kiểm tra mà chỉ khi xảy ra sự vụ mới xuống xã xem xét, giải quyết. Ngược lại, ở một số địa phương có rừng đặc dụng, phòng hộ lại xảy ra tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quản lý lâm nghiệp giữa kiểm lâm địa bàn xã với kiểm lâm các khu rừng đặc dụng, phòng hộ.

Nhìn chung, bộ máy quản lý nhà nước ngành lâm nghiệp hiện nay đang được tổ chức theo kiểu “hình nón lộn ngược”, tức nặng trên, nhẹ dưới. Do đó, nhà nước cần định hướng lại để có một hệ thống được tổ chức mạnh hơn, tập trung hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần chú ý xác định rõ nhiệm vụ của chính quyền cấp xã đối với rừng, vì đây là cấp trực tiếp giám sát mọi tác động của người dân tới rừng.

Kỹ sư lâm nghiệp Tô Đình Mai