ThienNhien.Net – “Tạo cơ chế tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý hoạt động khoáng sản, nhất là ở cấp địa phương, sẽ nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên, giảm thiểu được các rủi ro đến môi trường và xã hội”.
Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Thành (nguyên Phó cục trưởng cục KSHĐ khoáng sản) tại hội thảo “Phân cấp và các sáng kiến quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Sở Công thương Bình Định phối hợp tổ chức vào ngày 24/11 tại Quy Nhơn, Bình Định.
Hiện nay việc quản lý tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam đã được phân cấp khá mạnh mẽ cho chính quyền cấp tỉnh, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp cũng như giấy phép hoạt động khoáng sản. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến hết năm 2013, cả nước còn 4.320 giấy phép khoáng sản đang còn hiệu lực (3.761 giấy phép do địa phương cấp).
Theo ông Lê Văn Thành, đây là xu hướng tất yếu vì các cơ quan quản lý cấp Trung ương chỉ nên tập trung làm chính sách, còn việc thực thi phải do các địa phương thực hiện tình hình thực tế. Tuy nhiên việc quản lý khoáng sản ở cấp địa phương đang đối mặt với khá nhiều thách thức, đặc biệt là ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng xuống cấp, hiệu quả kinh tế thấp, nguy cơ tài nguyên bị cạn kiệt, tỷ lệ thất thoát cao.
Ông Lê Ái Thụ (Phó chủ tịch Hội địa chất khoáng sản Việt Nam) chỉ ra thực trạng là các cơ quan quản lý khoáng sản ở cấp địa phương rất thiếu cán bộ chuyên trách, năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, trong khi phải trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề phức tạp liên quan như đền bù đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xung đột ở cộng đồng địa phương.
Đại diện một số cơ quan quản lý địa phương từ Indonesia và Phillipines, đại diện một số địa phương và doanh nghiệp chia sẻ với hội thảo kinh nghiệm và các sáng kiến trong quản lý hoạt động khoáng sản ở cấp tỉnh.
Để quản trị bền vững khoáng sản, các chuyên gia và đại biểu tham dự hội thảo rằng, cần xây dựng những quy định cụ thể về trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với địa phương; phát triển các chương trình hợp tác cung cấp dịch vụ giữa doanh nghiệp khai khoáng và cộng đồng địa phương; áp dụng quy trình tham vấn trong cấp phép nhằm hạn chế xung đột; công khai nguồn thu từ khai thác tài nguyên khoáng sản.