ThienNhien.Net – Vượt ra ngoài một dự án bảo vệ môi trường, các chuyến đi của Dự án “Hành trình Việt Nam xanh” đã tạm khép lại nhưng thế giới của các câu chuyện đáng suy ngẫm, nhiều trăn trở vẫn tiếp tục được mở ra, trong dự án cá nhân của những quan chức, cả trăm nghệ sỹ, hoa hậu, diễn viên, nhà văn, nhà báo, họa sỹ, sinh viên… là thành viên đeo đẳng với “Hành trình Việt Nam xanh” suốt mấy năm qua.
Chúng tôi đã ngồi trước tấm bản đồ Việt Nam khổ lớn, rồi kỹ càng vạch ra các hành trình dọc ngang Đất Mẹ: xuyên Tây Bắc, dọc miền Trung và Tây Nguyên, ven biển Bắc Bộ, thị sát miền sông nước Tây Nam Bộ, điều tra về các thảm nạn tại những khu công nghiệp ô nhiễm ở TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận… Phương châm của dự án là mời những người có uy tín xã hội cùng chung tay đi thị sát, điều tra, ghi nhận; để rồi khi trở về, mỗi người lại có các dự án cá nhân để biến mình thành “cánh tay nối dài” của khát vọng bảo vệ môi trường.
Môi trường Việt Nam đang gặp thảm họa gì? Bà Mẹ Thiên Nhiên Xứ Sở đang sống ra sao trước lối ứng xử “ăn xổi ở thì” của chúng ta? 6 cuộc hành trình, đi qua mấy chục tỉnh thành, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến rất nhiều. Có thể kể ra đây các câu chuyện ám ảnh nhất: dọc 100km sông Đà vùng thượng du, giáp biên giới Trung Quốc (nơi sông Đà nhập vào Việt Nam), rừng bị phá trụi, lòng sông bị đào bới thành hang hốc, hàng chục chiếc tàu khổng lồ khai thác vàng sa khoáng hoạt động ngày đêm trong sự “bất lực khó hiểu” của cơ quan hữu trách. Một lượng rất lớn thủy ngân và xyanua cứ ngày đêm đầu độc sông Đà, nước có chất độc giết người đó lại chảy về Hà Nội, theo “nước sạch Sông Đà”. Sông Đà ở khúc trung lưu nhập vào sông Hồng, tức là gần chục tỉnh thành bị đầu độc trước khi nước sông Đà ra đến Biển Đông.
Ở đồng bằng sông Hồng, chúng tôi chứng kiến sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm sông hồ và bờ biển, các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo công ước Ramsa (Vườn Quốc gia Xuân Thủy) cũng bị xâm hại. Dọc biển miền Trung, cuộc sống của cư dân ngập trong rác rưởi, bão lũ phá tan nhà cửa và các công trình công cộng. Hắt lên Tây Nguyên, hệ thống thủy điện ồ ạt ra đời, việc xả lũ xóa sổ diện tích canh tác khổng lồ của bà con vùng Gia Lai; người thi công thủy điện phá rừng, bà con bị mất đất sinh sống và đất sản xuất cũng leo lên phá rừng, rồi mâu thuẫn bức xúc gây nên những điểm nóng chưa dễ gì giải quyết; đặc biệt đáng sợ là các cảnh buồn mà đoàn thị sát “Hành trình Việt Nam xanh” đã mục sở thị tại Vườn Quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắc Lắc) – “lá phổi xanh” của toàn cõi Tây Nguyên! Những cây gỗ hương đường kính cả mét, nó là báu vật mà thiên nhiên đã hun đúc nên từ nhiều trăm năm nay. Vậy mà người ta mang cưa máy vào cưa ào ào, cũng chỉ bởi nó có giá chợ đen đến mấy trăm triệu đồng. Chúng tôi đi xe hơi vào tận gần gốc cây, lâm tặc bỏ chạy, để lại những chiếc xe đạp thồ và các bọc cơm còn nóng rẫy. Lâm tặc ở gần lắm. Dễ bắt lắm. Nhưng có ai có ý định bắt chúng thật sự không? Cây gỗ ấy bị chặt, rồi hàng trăm hàng nghìn cây khác bị chặt trong vùng lõi khu rừng quốc gia, cán bộ kiểm lâm đi kiểm đếm… gốc cây, viết lên đó 3 chữ cái “ĐKT” (đã kiểm tra) rồi phủ cỏ khô lên che kín cho đỡ “ngứa mắt buốt lòng” người vào rừng. Mọi chuyện lại chìm vào quên lãng, không ai chịu trách nhiệm. Cán bộ lãnh đạo vườn thì bao năm qua vẫn kiện cáo nhau, thỉnh thoảng lại có kiểm lâm bị công an bắt vì dùng điện thoại di động nhắn tin cho lâm tặc trước lúc… đi tuần rừng.
Tiếp đến, ám ảnh không kém, thao thức không kém là những ngày đi điều tra về ô nhiễm các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Khói bụi mù trời. Người dân thống khổ. Khu công nghiệp được quy hoạch lôm nhôm, quản lý được chăng hay chớ. Một khu phố ngắn mà có đến 4 công ty sản xuất, đóng gói, đóng chai… thuốc trừ sâu. Khói bụi, bụi hóa chất phủ kín các tán cây, phủ kín, đen kịt các con kênh, các khu hồ ao, không một loài thủy sản nào sống sót. Ở Bạc Liêu, chúng tôi rớt nước mắt khi phỏng vấn một cụ bà cuốn khăn rằn đứng trong lòng con thuyền rách đi bắt cua cáy sống qua ngày. Bà bảo, khu công nghiệp lấy hết đất, nhà bà làm bằng lá dừa. Chồng bà chết, nước ô nhiễm, đất ô nhiễm đến mức bà không dám chôn chồng ở vùng đất đầy hóa chất, sợ ông tủi vì mùi thối (xung quanh là các doanh nghiệp bóc vỏ tôm xuất khẩu). Nước và đất thối đến mức, ô nhiễm hóa chất đến mức, nhiều người mai táng rất lâu mà không phân hủy được để cải táng. Khi chúng tôi quay phim các dòng sông bị nhà máy thải hóa chất trộm, đường ống luồn dưới lòng đất, trồi nước thải thẳng ra giữa sông đen ngòm, thì các đối tượng lớn tiếng đe dọa. Con người tàn sát môi trường một cách bất nhẫn. Cơ quan quản lý đứng ở đâu? Đó là một câu hỏi lớn.
Tuy nhiên, không chỉ tự cư dân sở tại làm hại môi trường sống của mình, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng là một vấn đề kinh hoàng không kém. Hành trình về với Cà Mau, với các con đê biển oằn mình gãy gục vì sóng dữ, các xóm mạc tan hoang lùi dần; nước sông, nước đồng bị nhiễm mặn, không thể canh tác được; đặc biệt là khu vực Mũi Cà Mau, nước biển dâng, sóng biển ngày càng dữ dằn. Nó đã phá vỡ mọi bờ kè, nó “ăn mòn” cả mũi đất thiêng khiến nhiều chuyên gia phải đau đầu. Có ít nhất 3 lần, 3 dự án, 3 quy cách làm đê chắn sóng để bảo vệ Mũi Cà Mau trước thảm họa nước biển dâng và sóng biển ngày càng quái ác. Nhiều con tàu chở đá ra xây bờ kè cũng lại bị sóng đánh đắm. Chúng ta chỉ dám hy vọng bờ kè hiện nay đang ốp quanh Mũi Cà Mau có thể chống chọi an toàn.
Chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, chống lại những tác động xấu từ các hoạt động sống cũng như các dự án công nghiệp, xây dựng không bền vững. Tuy nhiên, từ các chuyến thị sát của chúng tôi, đã đủ cho thấy còn quá nhiều bất cập lớn, quá nhiều lỗ hổng trong chính sách, trong quản lý và thực thi các quyết sách bảo vệ Lá Phổi Xanh, Tay Nôi Của Sự Sống của chúng ta và con cháu chúng ta.
Trong tất cả các văn hóa ứng xử quan trọng của một con người, một cộng đồng, thì ứng xử với môi trường, luôn là một “thước đo phẩm cách” không thể không nhấn mạnh. Nó còn là lòng vị tha của mỗi người, và ở đó còn chứa đựng các lí lẽ nhân văn nhất. Hành trình nào, chuyến điều tra thị sát nào, cũng là để nhận thấy và kiến nghị tìm ra giải pháp cho vấn đề, đó cũng là mong muốn của những người tham gia dự án này. Và những thành viên của “Hành trình Việt Nam xanh” chúng tôi đã nắm tay nhau: Ta phải làm một cái gì đó cho cộng đồng.