ThienNhien.Net – Từ ngày 17/11/2014, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai chính thức đóng tuyến đường xuyên rừng, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Với những hộ gia đình sinh sống ở vùng lõi khu bảo tồn, thì việc đóng tuyến đường rừng và “xóa sổ” bến đò Mã Đà đã gần như cắt đứt việc mưu sinh của họ…
Cấm dân qua lại để bảo vệ rừng?
Tuyến đường rừng xuyên qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai trong suốt nhiều năm qua là cung đường ngắn nhất nối liền huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) và huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Thời gian qua, người dân 2 tỉnh vẫn qua lại để trao đổi hàng hóa, làm ăn sinh sống, bằng cách qua bến đò Mã Đà. Do không có cầu bắc qua sông Mã Đà (một nhánh của sông Đồng Nai) nên tại đây có một bến đò tự phát của người dân. Trong 4 ngày qua, việc chính quyền tỉnh Đồng Nai cho đóng tuyến đường này và dừng hoạt động của bến đò đã gây xôn xao trong vùng, làm xáo trộn cuộc sống của người dân huyện Đồng Phú và Vĩnh Cửu.
Sáng 20-11, tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, chúng tôi ghi nhận tại bến đò Mã Đà vẫn có rất đông người dân hai tỉnh vẫn qua lại bằng đò tại khu vực này. Ở đây, con đò của vợ chồng ông Võ Trung Thành, ở xã Tân Hòa (huyện Đồng Phú) chở khách qua sông đã hơn 20 năm nay. Tuy nhiên khi khách lên khỏi bến đò chừng vài chục mét, thì bị các kiểm lâm viên ở Trạm kiểm lâm Rang Rang (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai) chặn lại. Khi xe máy chúng tôi đến trước barie của trạm kiểm lâm, nơi vừa được đặt tấm biển “Cấm người và phương tiện tự ý qua lại”, một kiểm lâm viên đứng gác ở chốt bảo vệ tại đây yêu cầu dừng xe. Sau khi nghe trình bày nhà ở tỉnh Bình Phước muốn qua tỉnh Đồng Nai thăm bà con, kiểm lâm viên này đồng ý cho chúng tôi đi qua nhưng anh cũng nhắc nhở lúc trở về thì tìm đường khác, chứ không được quay lại con đường này, vì đã bị cấm. Trong khi đó, theo người dân đi từ hướng huyện Vĩnh Cửu vào, tại khu vực ngã ba Bà Hào (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) thì cũng có biển thông báo cấm, không cho đi qua khu bảo tồn, cũng như cấm việc đưa đò trên sông Mã Đà.
Ghi nhận tại bến đò Mã Đà, mặc dù đã có lệnh cấm nhưng do không nắm được thông tin nên nhiều người dân vẫn đi qua khu vực này và không khỏi ngỡ ngàng. Ông Lê Văn Lũy, người dân ấp Lý Lịch, xã Phú Lý (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) nói: “Tôi có rẫy ở tỉnh Đắc Nông, hàng ngày vẫn qua lại con đường này băng qua Bình Phước lên Đắc Nông làm rẫy, vừa rút ngắn thời gian, lại tiết kiệm chi phí xăng dầu. Nay con đường này bị cấm thì tôi sẽ phải đi các đường vòng khác rất xa, gấp 2-3 lần. Mà họ cấm đột ngột quá, tôi cũng chưa biết để đi đường khác”. Người dân sinh sống tại khu vực bến đò Mã Đà cho biết, trong ngày 17-11, khi các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai xuống cấm hoạt động của bến đò, nhiều người dân đã bị dồn cục hai bên bờ sông. Có người quá nóng ruột và bức xúc đã đu theo sợi dây thừng mà người chủ đò thường dùng để kéo đò để vượt sông.
Ông Thái Ngô Đức, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Rang Rang, cho hay, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai hiện đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới; trong khu bảo tồn còn nhiều loài động, thực vật quí hiếm, trong đó có các loài như voi, bò tót… Cũng theo ông Đức, trong khu bảo tồn hiện còn khoảng 10 đàn bò tót với số lượng khoảng 100 con. Do đó việc cấm người dân qua lại trong khu bảo tồn là để bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã cũng như môi trường sinh thái khu bảo tồn.
Được biết, trước khi đóng tuyến đường băng qua khu bảo tồn, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn số 9606/UBND-CNN (ban hành ngày 13-10-2014) chỉ đạo: “Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đóng tuyến đường tự phát xuyên qua khu bảo tồn đi qua tỉnh Bình Phước, đồng thời thực hiện cấm việc đi lại tại vị trí có bến đò tự phát tại khu vực này”.
Hàng trăm hộ dân gặp khó khăn
Trên chiếc đò của vợ chồng ông Võ Trung Thành để qua sông Mã Đà, chúng tôi bắt gặp hai anh Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Quốc Anh cùng ngụ ấp Cây Cầy, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đi buôn bán cá sang Bình Phước trên đường trở về nhà. Anh Lâm buồn bã cho hay, từ hơn 20 năm qua, anh chuyên đi mua cá ở hồ Trị An, huyện Định Quán (Đồng Nai) mang sang Bình Phước bỏ mối kiếm lời. Do làm ăn lâu năm nên việc bỏ mối thường theo phương thức “gối đầu”, vì vậy bạn hàng nợ vốn rất nhiều. Từ 4 ngày nay, việc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cấm không cho qua lại trên tuyến đường này đã khiến những người buôn bán như anh hết sức vất vả và lo lắng. “Từ hôm bến đò bị cấm, anh em chúng tôi phải lén chở cá sang Bình Phước từ 2 giờ khuya để không bị kiểm lâm bắt. Đi đêm hôm như vậy nguy hiểm quá, mà nếu bây giờ nghỉ ngang thì coi như mất vốn” – anh Nguyễn Văn Lâm nói.
Ông Võ Trung Thành, chủ bến đò tự phát ở xã Mã Đà cho biết: “Trong ngày 17-11, khi bến đò Mã Đà bị cấm hoạt động, người dân quanh vùng đã liều mình đu dây thừng băng qua sông. Cầm lòng không được nên tôi mang đò ra đưa rước khách, dù lệnh đã cấm. Tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo cấm hoạt động tại bến đò này, tôi cũng muốn dẹp con đò cho yên chuyện nhưng thấy dân qua sông nguy hiểm như vậy nên tôi cứ nấn ná, để lại rước khách tới giờ”. |
Chị Lê Thị Tâm (45 tuổi), ngụ ấp 5, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) bức xúc nói: “Người dân ấp 5 ở trong rừng của khu bảo tồn, đa phần không đất canh tác, hàng ngày chủ yếu đi làm thuê, làm mướn bên phía Bình Phước để kiếm sống. Nay tỉnh Đồng Nai cấm đò, không cho người dân sang sông, thử hỏi người dân lấy gì mà sinh sống”. Bà Huỳnh Thị Thu Hà (51 tuổi), cũng ngụ ở ấp 5 (xã Mã Đà) bật khóc, kể: “Từ năm 2000, người dân chúng tôi đã nghe tỉnh Đồng Nai có dự tính đưa dân ra khỏi vùng lõi của khu bảo tồn, cấp đất tái định cư nhưng đến nay 14 năm trôi qua, chúng tôi vẫn giậm chân tại chỗ, con cái không được học hành đến nơi đến chốn. Toàn ấp này, số học sinh học đến cấp ba chỉ chưa đầy 10 em. Tôi tuổi đã cao không đi làm mướn được nên bán nồi bún ở bến đò này kiếm sống, giờ cấm đò, hết khách qua lại, nên mấy ngày nay buôn bán ế, lỗ hết vốn”. Theo bà Hà, trước đây, nhiều người dân trong ấp cũng từng mơ ước được đi làm công nhân ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), dù cách xa nhà đến 60km, nhưng do không có bằng cấp và tuổi tác cao nên phải chịu đi làm thuê mướn sống qua ngày.
Ông Phạm Ngọc Hải, trưởng ấp 5, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) tính toán: chỉ tính riêng ấp 5 đã có 408 hộ, với 1.722 người thường xuyên đi lại, làm ăn, mua bán với các địa phương của tỉnh Bình Phước, bằng cách qua sông Mã Đà. Trong khi đó, khu bảo tồn hiện chứa đến 3 xã là Phú Lý, Mã Đà và Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), người dân sinh sống ở cả trong vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn từ nhiều năm qua. Như vậy, việc cấm người dân đi lại trên con đường đi qua khu bảo tồn đã ảnh hưởng đến người dân của cả 3 xã này, chứ không riêng các hộ dân ở ấp 5 xã Mã Đà.
Trao đổi với PV, người dân cho rằng, việc đóng tuyến đường này để bảo vệ khu bảo tồn thì họ hết sức đồng tình. Tuy nhiên, trước khi cấm đò và đóng tuyến đường rừng xuyên qua khu bảo tồn, chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai cần giải quyết để những người sống trong vùng lõi của khu bảo tồn ra các khu tái định cư, để họ không bị “cách ly” với bên ngoài. Như lời chị Nguyễn Kim Diệu, ở ấp 5 (xã Mã Đà) kiến nghị: “Chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm giải quyết cuộc sống cho bà con. Trước khi cấm đò, thì phải di dời chúng tôi ra khu tái định cư để bảo đảm cuộc sống, chứ chưa di dời ra mà cấm như vậy chúng tôi không đi làm được, thì lấy gì sinh sống. Người dân nơi đây sống giữa bốn bề là rừng cấm, nếu không đi làm thuê được, có ai dám chắc là sẽ không vào rừng để kiếm cái sinh sống, tức là phá rừng. Nếu xảy ra tình trạng như vậy thì lúc đó liệu cái mục đích cấm không cho qua lại khu bảo tồn có đạt được hay lại có tác dụng ngược?”.