ThienNhien.Net – Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, tỉnh Đắc Lắc đang bị chặt phá ở mức báo động.
Quanh khu vườn này, nhiều nhóm lâm tặc cũng đang âm thầm ngày đêm khai thác gỗ quí để bán và vận chuyển về xuôi. Thế nhưng, không hiểu lý do gì mà các đơn vị chủ rừng cùng với kiểm lâm và chính quyền địa phương ở đây lại “không hề hay biết”?
Trụ sở Vườn quốc gia Chư Yang Sin nằm sát Quốc lộ 27, thuộc địa bàn xã Yang Reh, huyện Krông Bông. Lô gô khu vườn này là một vòng tròn, dòng thác trắng chảy giữa hai dãy núi. Nhưng có lẽ điểm nhấn đầy ấn tượng hơn là dòng chữ nằm phía dưới: Lưu giữ giá trị Tây Nguyên. Cũng vì thế mà khi nói về mình, cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia Chư Yang Sin ai cũng thấy tự hào về điều đó.
Bởi vậy, khi được hỏi về dổi và ươi trong vườn bị người dân chặt phá nghiêm trọng chỉ để lấy hạt, ông Lộc Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc Vườn quốc gia chỉ coi đó là tin đồn!? Còn ông Tống Ngọc Chung, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Giang Sin thì thận trọng hơn; vì theo ông, trong vườn rừng quốc gia này không chỉ có nhiều cây dổi cổ thụ mà còn vô vàn loại cây khác hàng trăm tuổi luôn phải đối mặt với nguy cơ bị lâm tặc chặt phá. Chính vì vậy mà đơn vị luôn “đề cao cảnh giác” và “phối hợp chặt chẽ” với các xã trong vùng để bảo vệ kỹ lưỡng các loại cây này nên khả năng rừng bị phá là rất thấp.
Cũng theo ông, vùng dổi bị chặt phá rất có thể nằm trong những lâm phần đã được giao khoán cho các hộ dân xã Hoà Lễ, huyện Krông Bông, theo Quyết định 178: “Rừng của chúng tôi đương nhiên là có dổi, không ít, thậm chí nhiều nữa. Đây cũng là vấn đề phức tạp, nên chúng tôi đã ngăn chặn rất nhiều. Không riêng chúng tôi mà cả chính quyền các xã, các cơ quan trong huyện. Thế nên, tôi sợ có sự nhầm lẫn giữa rừng 178 và rừng quốc gia”- Ông Tống Ngọc Chung khẳng định.
Thế nhưng, khi làm việc với chính quyền xã Hòa Lễ thì câu hỏi: Liệu trên địa bàn có xảy ra việc chặt phá rừng lấy hạt dổi, hạt ươi hay không? đã được ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã trả lời chắc nịch: rừng bị phá không thể nằm trong phạm vi trách nhiệm của mình. Vì những tiểu khu rừng do xã quản lý đã được khai thác cách đây vài ba năm, gỗ dổi hầu như không còn nữa.
Ông Sơn thừa nhận: “Rừng của xã quản lý có một số dổi thì nó nằm ở tiểu khu 1158, nhưng những tiểu khu mà các anh phản ánh đó là tiểu khu 1159 và 1174. Có lẽ nó không có bao nhiêu trong phần rừng do các nhóm hộ giữ cả. Trước đây thì Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cũng có một văn bản đề nghị Ủy ban xã tổ chức phối hợp kiểm tra. Tuy nhiên, anh em trong trạm 1, trạm 2 báo là không có hiện tượng chặt dổi lấy hạt, nên Vườn đã không tiến hành tuần tra chung với chúng tôi nữa”.
Cùng với hơn 58.000 ha rừng của Vườn quốc gia Chư Yang Sin, gần 25.000 ha rừng sản xuất của huyện Krông Bông, hình như cũng không ai quản lý được. Chính vì vậy, khi đề cập về vấn đề này, ông Đoàn Văn Thành, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng, Công ty Lâm nghiệp Krông Bông đã một mực khẳng định, việc cưa dổi lấy hạt không xảy ra trong lâm phần do mình quản lý. Vì gỗ dổi ở đây đã được khai thác hết từ lâu.
Ông Thành cho biết: “Trong lâm phần của chúng tôi thì còn gì nữa đâu, chúng tôi khai thác hết rồi, khai thác mấy chục năm rồi mà. Nếu còn cây dổi thì chắc chắn là bị chặt chứ tránh sao khỏi được. Người dân bây giờ manh động lắm, không có trèo lên hái đâu. Bây giờ cưa lốc có triệu mốt, triệu hai một cái. Họ dứt một phát là cây to cỡ nào cũng đổ xuống để họ lượm thôi”.
Lưu giữ giá trị Tây Nguyên. Vâng! Việc tìm cách để lưu giữ cho đời sau những giá trị của Tây Nguyên như tiêu chí đặt ra của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin là vô cùng cần thiết. Không chỉ riêng về giá trị của thiên nhiên, chim muông, cây cỏ…mà các cấp chính quyền và đơn vị quản lý rừng ở đây cũng cần phải phối hợp chặt chẽ hơn để giữ được cả những giá trị tinh thần về bản sắc văn hóa đặc thù của các dân tộc bản địa. Tuy nhiên, muốn lưu giữ được những giá trị ấy, trước hết, với vườn rừng quốc gia phải bảo vệ được diện tích rừng.
Thế nhưng, rừng ở đây đang bị chặt phá dữ dội. Hàng chục, hàng trăm cây dổi bị đốn hạ trong vòng vài ba tháng mà dường như các nhà quản lý ở đây không ai dám nhận trách nhiệm về mình.
Vườn quốc gia Chư Yang Sin và các khu rừng đệm ở đây đang kêu cứu. Nếu chính quyền tỉnh Đắc Lắc không thành lập ngay một đoàn liên ngành đến thực địa kiểm tra và xác định đúng sai thì tình trạng chặt phá rừng không chỉ dừng lại là những cây dổi, cây ươi, mà nhiều loại gỗ quí hơn rất nhiều như: Giáng hương, Pơ mu, Kim giao, Bách xanh…và các loại lâm đặc sản quí hiếm khác ở rừng Chư Yang Sin sẽ sớm chịu chung số phận.