ThienNhien.Net – Để đổi lấy được 1 tạ hạt dổi, với giá 50 triệu đồng, Vườn quốc gia Chư Yang Sin phải chịu mất đi cả trăm cây dổi cổ thụ.
Liên tục nhiều tháng gần đây, hàng trăm cư dân sống trong vùng đệm Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắc Lắc) đã đổ xô vào rừng tìm hạt dổi để bán. Chưa ai biết loại hạt này giá bán cuối cùng ở mức bao nhiêu, nhưng để đổi lấy được 1 tạ hạt dổi, với giá 50 triệu đồng, Vườn quốc gia Chư Yang Sin phải chịu mất đi cả trăm cây dổi cổ thụ.
Việc chặt phá rừng để lấy hạt, và tình trạng khai thác gỗ lậu quanh vườn quốc gia được coi là “cứ địa cuối cùng” của hệ sinh thái Tây Nguyên, với nhiều loại cây gỗ quý như Pơ mu, Giáng hương, Bách xanh… cùng nhiều dược liệu và chim thú quý hiếm đang ở mức báo động.
Vạt rừng phía sau dãy núi đầu tiên thuộc địa bàn thôn 12, xã Hoà Lễ, huyện Krông Bông từ lâu đã bị chặt phá. Những cây xanh còn sót lại không đủ để che cho các nhóm lâm tặc trốn tránh kiểm lâm. Tại đây, tiếng máy cưa ồn vang vọng giữa ban ngày, các bãi tập kết gỗ lậu nối nhau liên tiếp. Có bãi, gỗ đã được lấy đi, bãi khác gỗ vừa được xẻ, nhiều đống bìa gỗ tươi vứt ngổn ngang, chắn cả lối đi…
Đến địa giới Vườn Quốc gia Chư Yang Sin phải đi qua hàng chục bãi gỗ lậu và cả những khe núi sâu hút, lởm chởm đá. Tấm bảng sắt ghi dòng chữ “Địa giới vườn quốc gia Chư Yang Sin” đã bị ai đó đập bẹp. Cách tấm bảng này không xa là đường tuần tra của kiểm lâm và những lối mòn, mà theo ông Hoàng Thanh Cung , một người dân tộc H’Mông ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông- tự nguyện làm người dẫn đường cho chúng tôi- thì đây là lối mòn do lâm tặc mở để khai thác gỗ lậu. Cuối lối mòn, một cây cổ thụ đường kính gốc gần tới 2 m mới bị cưa hạ. Nửa cây phía gốc dài gần chục mét đã được xẻ mang đi.
Vào sâu vườn rừng quốc gia, dổi cổ thụ bị cưa để lấy hạt ngày càng nhiều. Mới đầu triền núi là 3 cây gỗ dỗi lớn, có cây đường kính xấp xỉ 1 m, dài hơn 30 m mới ngã xuống, nhiều lá còn tươi nguyên. Theo đó, cả khoảng rừng mấy trăm mét vuông cũng bị phá tan tành. Ông Hoàng Thanh Cung cho biết, bắt đầu từ đây đến gần thị trấn Krông Kmar, với quãng đường 2 ngày luồn rừng, lâm tặc khai thác lậu thường xuyên trong suốt vụ hạt dổi vừa qua. Chỉ tay về phía rừng xa, ông Cung nói: “Đi theo đường này tới dãy núi cao cao mà mình nhìn từ phía huyện lên ấy, chỗ nào cũng có gỗ bị chặt hết. Mình cứ đi, chỗ nào cũng cũng thấy”.
Quả thật như vậy, mới đi chưa được 1/4 quãng đường xuyên rừng, mà chúng tôi đã chứng kiến tới 6 bãi gỗ dổi, gồm hơn 2 chục cây bị đốn hạ, phần lớn đường kính trên dưới 1 mét, dài hơn 30 m. Theo tính toán của người dẫn đường thì chừng ấy gỗ phải hơn 200 m3. Chưa kể, mỗi cây dổi đổ xuống, người ta phải chặt phá cả những cây khác bên cạnh để dọn đường cho dổi đổ xuống.
Theo ông Cung, cây dổi cao ba, bốn chục mét, nhưng những người có kinh nghiệm thì chỉ nhìn tán cây và quan sát hạt rơi dụng trên đất là biết cây có nhiều hạt hay không mà quyết định hạ. Người không có kinh nghiệm thì chỉ nhìn ngọn, thấy có trái thì hạ cây, nhưng cây đổ rồi mới biết trái đã già vỡ, hạt đã rụng gần hết, nên chỉ thu được vài lạng. Cả cây dổi lớn bị “chết oan”. Hạ một cây lớn xuống chỉ lấy được vài cân hạt, thậm chí dăm ba lạng hạt, không phải bà con không thấy xót, nhưng vì tranh nhau nên cứ cố sức mà cưa. “Người H’mông, người Thái, người Kinh cũng đi lấy hạt cả”-ông Cung thở dài.
Một người dân khác tên Phong, chuyên vào vườn quốc gia Chư Yang Sin săn bắt chim thú và tìm lâm sản quý hiếm cũng cho biết, tháng 9 vừa rồi đã vào đây chặt dổi để lấy hạt về bán và thừa nhận: “Mình có đi hai lần và thấy người ta chặt hạ dổi tùm lum. Có chỗ thì mười mấy cây. Nhưng có chỗ gần như bị chặt quang như người ta phát rừng, làm rẫy”.
Bà Vàng Thị Đỏ, ở xã Chư Đrăm, cũng là người thường xuyên vào vườn quốc gia kiếm sống kể rằng: Chỉ riêng tháng 9 và tháng 10 vừa qua, có hàng trăm người dân sinh sống gần đây vào rừng sâu chặt dỗi lấy hạt và cho biết: đi sâu vào rừng, dổi bị chặt càng nhiều hơn. Chính bà đã “mắt thấy tai nghe” mấy nhóm thợ rừng thu được cả tạ hạt dổi, khi họ chặt phá tới vài chục cây dổi lớn : “Người ta chặt ở trên này, nếu không có quả nào thì qua Ea-ba tìm xem. Trên đó nếu có quả thì người ta chặt, chứ không phải chặt 1 chỗ đâu. Hạt dổi người ta mang về 1 tạ thì bán được hơn 50 triệu đồng”.
Không chỉ dổi bị chặt phá để lấy hạt trong Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, các tiểu khu rừng vùng đệm cũng đang bị lâm tặc khai thác gỗ lậu triền miên. Khi cơ quan kiểm lâm quản lý chặt thì việc khai thác, vận chuyển âm thầm. Những khi buông lơi chùng xuống thì hoạt động này lại diễn ra trắng trợn. Bởi thế, ai đi qua các xã Yang Mao, Cư Drăm hay Cư Pui, Hòa Lễ, Hòa Phong…huyện Krông Bông vào bất cứ thời điểm nào, cũng thấy nhiều gia đình ở đây có gỗ lậu quanh nhà. Thậm chí, có người bày trước hiên vài tấm mặt sập gỗ quí như Pơ mu, Sao xanh, Dổi vàng….để chờ bán.
Một cán bộ xã Yang Mao đề nghị giấu tên cho biết: Gỗ lậu ở đây nhiều lắm, nhất là gỗ Pơ mu, ai muốn mua lúc nào cũng có. Gỗ rộng dưới 70 cm thì tính theo khối, một khối bán tại nhà vào thời điểm này giá đồng loạt 12 triệu đồng. Nhưng đường kính rộng từ 0,7– 1m trở lên, giá bán cao hơn rất nhiều, vì rộng cỡ này chỉ dành để làm sập, giá bán tại chỗ mỗi bộ sập từ 20- 35 triệu đồng, chủ yếu dài 3,2m và rộng tùy kích cỡ. Cũng những bộ sập đó, khi về tới thành phố Buôn Ma Thuột, giá tăng lên từ 30- 45 triệu đồng. Nếu đưa được về xuôi thì gấp mấy lần như vậy.
Vườn quốc gia Chư Yang Sin có tới 10 trạm kiểm lâm. Một trạm kiểm lâm cơ động luôn ứng trực để sẵn sàng lên đường truy bắt lâm tặc hay các đối tượng vận chuyển gỗ lậu bất cứ lúc nào. Các tuyến đường giao thông mà gỗ lậu có thể lọt qua như Quốc lộ 26, 27 hay tỉnh lộ giao cắt các huyện Krông Bông, Krông Pach, M’đrắc và huyện Lắc cũng thường xuyên được các hạt kiểm lâm chốt chặn các ngả đường. Đó là chưa kể các Công ty lâm nghiệp được giao quản lý các vùng rừng đệm cũng có bộ phận chuyên ngành bảo vệ.
Thế nhưng, ngày cũng như đêm, rừng ở đây đã và đang bị chặt phá, nhiều loại gỗ quí hiếm vẫn âm thầm được tuồn về các ngã. Không biết là ai? Chính quyền địa phương hay ngành kiểm lâm? Hay các đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm về sự thật này?