ThienNhien.Net – Theo Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra, truy quét các khu vực xung yếu, trọng điểm, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đã phát hiện, tiêu hủy tại rừng gần 5.500 bẫy thú các loại, trên 1.500m lưới và 16 chòi đặt trái phép tại Khu bảo tồn.
Ông Phạm Ngọc Vũ, Kiểm lâm viên phụ trách bộ phận Pháp chế Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, cho biết so với cùng kỳ các năm trước, năm nay, số vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn đã giảm nhiều. Đây là kết quả công tác tuần tra truy quét đã được lực lượng kiểm lâm tiến hành thường xuyên.
Trong gần 5.500 bẫy bị tiêu hủy, có trên 200 chiếc đú, đây là loại bẫy nguy hiểm, mang tính chất tận diệt nhất, các loại thú từ rắn, kỳ đà và thú nhỏ khi dính vào đú không thể thoát được.
Bên cạnh việc phát hiện gần 5.500 bẫy thú các loại trong gần 11 tháng qua, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn còn phát hiện, lập hồ sơ xử lý 14 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, xử phạt trên 80 triệu đồng; ngăn chặn gần 1.200 lượt người vào rừng trái phép.
Ngoài ra, Khu bảo tồn cũng lập hồ sơ gửi cho cơ quan điều tra khởi tố một vụ án hình sự vi phạm hủy hoại rừng và đang củng cố hồ sơ để xử lý hình sự một vụ khác. Đối với vấn đề quản lý đất ngập nước nội địa hồ Trị An, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và lập hồ sơ 19 vụ vi phạm trong hoạt động thủy sản, xử phạt hành chính các đối tượng hàng chục triệu đồng.
Để tiếp tục ngăn chặn các hành vi trên, bên cạnh việc tiến hành kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, động vật hoang dã, Khu bảo tồn cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đối với vấn đề giữ gìn rừng cũng như các nguồn lợi từ rừng.
Khu bảo tồn thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai có tổng diện tích trên 100.300ha, nằm trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom. Nơi đây có hơn 1.400 loài thực vật, trên 1.700 loài động vật; trong đó, có nhiều loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như voi, báo gấm, gấu chó, chà vá chân đen…
Khu bảo tồn này là một phần của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.