ThienNhien.Net – Kịch bản trên được ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Hạ tầng nước và các thách thức trong biến đổi khí hậu” do Dự án “Biến đổi khí hậu và cấp nước ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh” phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức tại thành phố Cần Thơ, ngày 19/11.
Theo ông Hiệp, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đóng góp hơn 50% sản lượng lúa của cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu; cung cấp 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Ngoài thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, thời gian gần đây, vùng còn được quan tâm đầu tư và thể hiện ngày càng rõ nét vị thế của một trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Tuy nhiên, hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thách thức của “hai gọng kìm” là biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác hại của việc các quốc gia đầu nguồn sông Mê Công xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính, các công trình “trích máu sông Mê Công” làm thay đổi dòng chảy, lưu lượng và chất lượng nguồn nước của con sông này. Bên cạnh đó, tần suất nhiều hơn và mức độ ảnh hưởng của thiên tai và “nhân tai” ngày càng lớn. Mùa lũ những năm gần đây biến động thất thường, tình trạng ngập lụt ở các đô thị với diện tích rộng hơn và thời gian lâu hơn, cùng với hiện tượng sạt lở đất, lốc xoáy xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên hơn. Đây là những thách thức lớn mà Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt, cần phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược dài hạn cùng với kế hoạch hành động cụ thể để chủ động ứng phó, thích nghi.
Ông Hiệp cũng đưa ra kịch bản biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao như dự báo đến năm 2030, khoảng 45% diện tích của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn. Năng suất lúa giảm 9%. Hệ thống nước ngọt bị đảo lộn làm hệ thống sản xuất, sản lượng lương thực, vườn cây ăn trái, thủy sản nước ngọt bị tổn thất lớn. Đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng cao 1m và không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu thì có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập sâu trong nước. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, vai trò là vựa lúa của cả nước, nguồn đóng góp quan trọng cho tổng kim ngạch xuất khẩu và ngân sách nhà nước, an ninh lương thực quốc gia mà Đồng bằng sông Cửu Long đang đảm nhiệm sẽ chịu thách thức nghiêm trọng. Một số ngành kinh tế truyền thống bị đe dọa. Ngoài ra, nó ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải làm tăng nguy cơ ngập sâu các tuyến giao thông trọng điểm, tăng diện tích ngập lụt và thách thức trong tiêu thoát nước, xử lý nước thải nhiễm bẩn từ các khu công nghiệp và các đô thị lớn trong vùng.
Các chuyên gia đến từ Việt Nam và Hà Lan khuyến cáo, hiện biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nặng đến việc sản xuất nước sạch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự đoán, các đợt hạn hán sắp tới, dự đoán nước mặn sẽ xâm nhập cao hơn lên thượng nguồn sông Mê Kông, sông Hậu, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, đặc biệt nghiêm trọng hơn do nước biển dâng và lượng mưa thay đổi. Điều này có thể làm gián đoạn việc sử dụng nước sông làm nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sạch vì hiện các nhà máy nước tại Việt Nam chỉ có lượng nước sạch dự trữ đủ cung cấp cho khách hàng ít hơn một ngày trong trường hợp sản xuất bị gián đoạn.
Ông Rik Dierx, Giám đốc Dự án “Biến đổi khí hậu và cấp nước ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh”quan ngại, hiện chất lượng nguồn nước ngầm và nước mặt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp những nguy cơ xấu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy, ngành cấp nước cần phải đối phó không chỉ với sự suy giảm dần nguồn nước mà cũng phải sẵn sàng với những điều kiện khắc nghiệt có thể xảy ra như bão và hạn hán kéo dài. Ông Trần Tuấn Hoàng đến từ Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất nước sạch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí có nơi như tỉnh Sóc Trăng đã phải ngừng hoạt động một số giếng sâu do nước ngầm bị nhiễm mặn cao. Ngài Tom Kompier – Bí thư đầu tiên của Chương trình Nước và Khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan cho rằng: Với những bất ổn gây ra bởi biến đổi khí hậu, chúng ta cần có những biện pháp kịp thời ngay bây giờ để tránh hối tiếc về sau, nhằm giải quyết một cách tổng thể các khả năng trong tương lai.
Được đánh giá là 1 trong 3 đồng bằng của thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều chyên gia cho rằng để vùng Đồng bằng sông Cửu Long tồn tại, phát triển an toàn và bền vững trong tương lai, cần có hành động khẩn cấp nhưng trên cơ sở định hướng, tầm nhìn dài hạn, tiếp cận đa ngành, tiếp cận vùng, liên vùng và quốc gia. Cần thực thi các giải pháp công trình, phi công trình nhưng phải đảm bảo nguyên tắc “không hối tiếc” trước một tương lai không chắc chắc. Yêu cầu đó phụ thuộc vào tầm nhìn tương lai, vượt qua thách thức, tăng cường liên kết vùng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dân.
Theo Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam , Hà Lan và Việt Nam đang triển khai dự án “Biến đổi khí hậu và Cấp nước ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh” với tổng kinh phí là 270 tỷ, hoạt động trong 4 năm kể từ 2013. Các mục tiêu chính của dự án là: chuẩn bị sẵn sàng thích ứng biến đổi khí hậu cho các công ty cấp nước; xây dựng tài chính bền vững thông qua cải thiện hiệu quả hoạt động; chuyển dịch dần từ sử dụng nước ngầm sang nước mặt… Hội thảo quốc tế lần này thuộc mục tiêu đầu tiên của dự án là chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu cho các công ty cấp nước./.