ThienNhien.Net – Tại buổi tọa đàm “Dòng sông Mê Kông: Những vấn đề hiện tại và thách thức trong tương lai” vừa được Ngôi nhà Hữu nghị Mê Kông (Mê Kông Friendship House) phối hợp với Khoa Nhân học (ĐHQG KHXH&NV TP.HCM) tổ chức tại TP.HCM, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã đặt ra nhiều cảnh báo liên quan đến môi sinh và sinh kế của các cộng đồng dân cư tiểu vùng sông Mê Kông.
Nhìn từ khía cạnh văn hóa, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Phó Trưởng khoa Nhân học (ĐH KHXH&NV thành phố) cho biết, không chỉ chung dòng chảy, Mê Kông còn là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa đa dạng trong 6 nước tiểu vùng Mê Kông. Hiện nay các khảo sát cho thấy nguồn lợi từ thủy sản, cùng với lượng phù sa dồi dào cung cấp cho các vùng trồng lúa nước rộng lớn cũng như phần đông dân cư dùng sông làm nơi thông thương, giao về kinh tế, thương mại, văn hóa với các quốc gia lân cận. Trong đó, ước tính mỗi năm, sông Mê Kông mang lại nguồn thu nhập khoảng 70 tỉ USD cho các quốc gia ven sông.
Tuy nhiên, việc ứng xử khác nhau của một số quốc gia tiểu vùng Mê Kông hiện nay đang gây ra nhiều trở ngại, thách thức về nhiều mặt. Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Chung Hoàng Chương, Giáo sư tại Khoa Á Mỹ học (ĐH San Francisco, Mỹ), thành viên Tổ chức Sông ngòi Quốc tế và Ủy ban kết nghĩa TP.HCM – San Francisco cho biết, qua những chuyến đi thực địa tại nhiều khu vực thuộc tiểu vùng Mê Kông, nhận thấy những hậu quả đáng lo ngại về môi sinh, sinh kế của các cộng đồng dân cư, trong đó có vấn đề nan giải về di dân, tái định cư bắt buộc để phục vụ các dự án xây đập thủy điện của một số quốc gia trong lưu vực. Dẫn chứng cụ thể, Giáo sư Chương đã đưa ra con số đáng lo ngại về sự biến mất của một số loài cá, như: cá heo, chim trĩ, cá tra lớn (500kg) gần như đã tuyệt chủng. Thậm chí, nguồn lợi tôm cá ở khu vực hạ lưu sông là nguồn sống của hơn 25 ngàn người Việt cũng đang vơi dần.
Tính đến nay, các cộng đồng dân cư tại ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển. Hệ quả là toàn bộ các hoạt động liên quan đến thời vụ canh tác, đánh bắt thủy sản, giao thông thủy, sản vật, và kể cả các sinh hoạt văn hóa truyền thống đều bị ảnh hưởng.
Các nghiên cứu thực địa cũng chỉ ra các tác động rối loạn về mùa và không thể thực hiện được các hoạt động trong chu kỳ sống như di cư, tìm mồi, sinh sản… của các sinh vật. Đó là quá trình xâm nhập mặn vào đất liền ở vùng ven biển ĐBSCL là sự cân bằng động giữa dòng chảy nước ngọt sông Mê Kông đẩy ra và nước mặn từ biển đẩy vào. Khi dòng chảy Mê Kông yếu đi vào mùa khô thì nước biển vào sâu hơn trong đất liền và ngược lại khi dòng chảy Mê Kông mạnh hơn vào mùa nước thì mặn bị đẩy ra. Đây là sự mất cân bằng tự nhiên đang xảy ra ngày càng phức tạp mỗi năm.
Bày tỏ lo ngại về các thách thức trên dòng Mê Kông, mới đây Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và Trung tâm Sáng tạo Xanh (GreenID) cũng đã cho xuất bản tài liệu “Những truyền thuyết hiện đại xung quanh vấn đề thủy điện Mê Kông” nêu lên 10 vấn đề quan ngại, trong đó nhấn mạnh tác động của các công trình thủy điện trước tiên khiến các loài cá không thể di cư được trong mùa di cư sau, không sinh sản được. Mất phù sa thì khoảng 10-15 năm sau mới thấy được tác động rõ ràng trên năng suất lúa; giảm nguồn cát, sỏi ở đáy sông cũng phải cần 10 năm sau mới nhận biết vì thời gian cát sỏi di chuyển dọc đáy sông xuống đến ĐBSCL cũng mất nhiều năm.