ThienNhien.Net – Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 10/2014, trên cả nước đã có 209 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 47.300 ha. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân trên 1 ha đất đã cho thuê đạt khoảng 1,6 triệu USD/ha/năm.
Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế, hệ thống các khu công nghiệp ở Việt Nam cũng đang tạo ra nhiều thách thức lớn về ô nhiễm do nước thải chứa nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân tại nhiều địa phương.
Trước thực trạng nêu trên, tại hội thảo “Thực trạng về nước thải công nghiệp tại Việt Nam và các kỹ thuật giám sát nước thải bằng trạm phân tích di động” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức ngày hôm nay (18/11), tại Hà Nội, Phó giáo sư tiến sỹ Bùi Duy Cam cho rằng để giải quyết được vấn đề ô nhiễm từ nguồn nước thải công nghiệp, chúng ta cần phải xử phạt nghiêm khắc người đứng đầu đối với các doanh nghiệp vi phạm.
– Với tư cách là chủ nhiệm dự án hỗ trợ phát triển và thẩm tra việc thực hành quản lý nước thải tổng hợp (AKIZ) do Đức hỗ hỗ trợ công nghệ, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng nước công nghiệp ở nước ta hiện nay? Và, vì sao chúng ta vẫn chưa thể ngăn chặn được các hành vi xả thải?
Phó giáo sư tiến sỹ Bùi Duy Cam: Như các bạn đã theo dõi, để góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững, trong năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, có thể nói các điều khoản quy định trong luật là rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực tế vừa qua, vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là nước thải tại các khu công nghiệp vẫn chưa thật sự tốt.
Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên là do ý thức của các nhà quản lý đến lãnh đạo các khu công nghiệp và chính quyền địa phương còn chưa thật sự quan tâm đến việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm đối với xã hội trước sự phát triển lâu dài của đất nước.
Như vậy, nếu các nhà quản lý và chủ đầu tư không có ý thức chấp hành bảo vệ môi trường, sản xuất sạch và phát triển xanh, thì về lâu dài chúng ta sẽ còn gặp những thách thức lớn hơn, và quá trình phát triển sẽ bị gián đoạn, tụt hậu. Tới lúc đó, chúng ta lại phải bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn để khắc phục những hậu quả mà chúng ta gây ra.
– Vậy, theo ông thì các bên liên quan như Ban quản lý các khu công nghiệp, các sở ban ngành từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp đầu tư phát triển có trách nhiệm như thế nào trong việc xả thải gây ô nhiễm như hiện nay?
Phó giáo sư tiến sỹ Bùi Duy Cam: Trong Luật Bảo vệ môi trường đã nêu rất rõ các quy định và trách nhiệm ngay từ khi chúng ta xây dựng các khu công nghiệp thì đề án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trong phần bảo vệ môi trường, nhất là quy trình xử lý nước thải, Luật cũng đã nêu rõ trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên-Môi trường phải có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm soát các nguồn nước thải dẫn vào các khu vực sông, suối, ruộng đồng.
Tuy nhiên, quy trình kiểm tra, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật đánh giá tác động môi trường trong, mức độ ô nhiễm nguồn nước thải tại các khu công nghiệp hiện nay vẫn chưa được đầu tư thích đáng. Thêm vào đó, trong quá trình hoạt động, nhiều khu công nghiệp cũng thay đổi quy hoạch ngành nghề so với quyết định phê duyệt đầu tư, nên thiết kế hệ thống xử lý nước thải tập trung ban đầu chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 80% các khu công nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 20% số khu công nghiệp còn lại chưa hoặc đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó có cả những khu công nghiệp đã lấp đầy 70%-100% công suất xử lý nước.
– Trước thực trạng nêu, ông có đề xuất những giải pháp gì về tài chính cũng như thiết bị khoa học công nghệ cho việc xử lý nước thải tại các khu công nghiệp trong bối cảnh mức độ đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế?
Phó giáo sư tiến sỹ Bùi Duy Cam: Theo tôi, để kiểm soát và ngăn chặn được việc xả thải của các khu công nghiệp thì các nhà khoa học, cơ quan quản lý phải có trách nhiệm giúp cho các doanh nghiệp áp dụng được tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc xử lý nguồn nước thải phù hợp với từng khu vực.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải đầu tư kinh phí từ nguồn lợi nhuận thu được cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Ngoài ra, một giải pháp hành chính theo tôi cần phải áp dụng nghiêm túc là xử phạt nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, doanh nghiệp vi phạm. Thứ nhất, chúng ta có thể xử phạt về tài chính đối với doanh nghiệp; thứ hai là phải xử phạt người lãnh đạo đứng đầu doanh nghiệp, các khu công nghiệp. Có như vậy, các doanh nghiệp mới ý thức được việc phát triển và bảo vệ môi trường../.
Xin cảm ơn ông!
Phó giáo sư tiến sỹ Bùi Duy Cam cho biết, để giải quyết nhu cầu xử lý nước thải cho các khu công nghiệp, một “Dự án tiên phong” đã được thực hiện mẫu tại khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ. Bằng việc thực hiện các mô hình điểm trong container tại các nhà máy sản xuất khác như trong Khu công nghiệp Trà Nóc, các giải pháp công nghệ cao cho tiền xử lý nước thải, tái sinh năng lượng từ nước thải và tận dụng các chất có giá trị sẽ được hiệu chỉnh và thay đổi theo điều kiện địa phương.Các nghiên cứu này thuộc Dự án Thực hành quản lý nước thải cho khu công nghiệp (AKIZ). Dự án có 6 tiểu dự án với tổng chi phí khoảng 2,5 triệu euro, do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tài trợ, với 8 viện nghiên cứu Đức và 9 viện trường nghiên cứu Việt Nam tham gia thực hiện từ 2010 đến 2015.
Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ phát triển, thẩm tra việc thực hành quản lý nước thải tổng hợp, đảm bảo nước thải được thải bỏ hiệu quả và ổn định trong khu công nghiệp. Dự án còn có chương trình giúp cho các nhà khoa học, các học viên cao học ngành hóa học, môi trường muốn tìm hiểu, vận hành mô hình này./. |