ThienNhien.Net – Dù thời điểm này đang là mùa mưa, thế nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn H. Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn diễn biến phức tạp. Các Công ty (Cty) hết phép và nhiều đơn vị không phép bằng nhiều cách vẫn hoạt động.
Rầm rộ khai thác trái phép
Theo đơn phản ánh của đại diện người dân xã Phước Hiệp, trước đây vào năm 2005, có 5 Cty được phép vào khu vực thôn 8 khai thác vàng, gồm: Cty Hữu Minh, Cty SSG, Cty Ngọc Lĩnh, Cty Nam Mai và Cty Hà Thắng. Tuy nhiên đến nay chỉ còn một Cty Nam Mai còn phép khai thác, những Cty còn lại lần lượt hết phép trong năm 2012 (Cty Hữu Minh) và 2 Cty Ngọc Lĩnh, SSG hết phép năm 2013. Riêng Cty Hà Thắng đã ngừng hoạt động từ cuối năm 2012 cho đến nay. Thế nhưng hiện nay, các Cty hoạt động như có… phép. Bên cạnh đó, một số Cty còn đưa các đơn vị bên ngoài vào khai thác, đóng thuế hằng tháng cho lãnh đạo Cty.
Tình trạng khai thác vàng tràn lan, bất chấp quy định của các đơn vị tác động nghiêm trọng đến môi trường, gây thiệt hại nặng nề đối với người dân. Điển hình là Cty Ngọc Lĩnh còn dùng hóa chất khiến trâu các hộ dân ở địa phương chết. Gần đây nhất, đầu tháng 8 vừa qua, hai con trâu của gia đình anh Đinh Văn Hinh (thôn 2) uống đụng nước hóa chất chết tại chỗ 1 con, con còn lại kịp thời cứu được nhưng hiện nay cũng mất sức, ốm yếu gần chết. Tiếp xúc với P.V, mẹ con anh Đinh Văn Hinh (hộ có trâu uống nước hóa chất chết như trong đơn tố cáo- P.V) bức xúc: Bình thường khi trời về khuya, trâu bò ngủ rồi họ mới thải. Thế nhưng hôm đó trời mưa, Cty Ngọc Lĩnh nghĩ trâu bò không đi ăn nên mới sáng họ đã thải hóa chất.
Đúng lúc này, hai con trâu chúng tôi xuống suối gần Cty uống nước. Con trâu con đi trước nên uống trước. Uống được vài hớp thì nó lăn đùng ra chết tại chỗ. Con trâu mẹ lúc này cũng vừa uống một hớp, thấy trâu con như vậy nó liền ngưng uống. Nhưng dù mới uống một ngụm nhưng nó cũng lăn ra nằm. “Thấy vậy bà Phi ở gần đó la lên: Trâu uống nước hóa chất chết rồi. Tôi chạy đến thì thấy con trâu con đã chết, con trâu mẹ còn sống nhưng yếu. Lúc này bà Phi nói tôi lấy chanh, muối vắt nước đổ cho trâu mẹ uống để giải độc. Sau khi uống nước chanh, muối, con trâu mẹ không chết, nhưng hiện giờ nó vẫn yếu lắm. Trước việc con trâu con bị chết, ông Võ thay mặt Cty Ngọc Lĩnh đứng ra bồi thường cho tôi 5 triệu đồng”, anh Hinh kể lại… Theo người dân cho biết, không riêng gì Cty Ngọc Lĩnh mà hầu hết các Cty ở đây đều dùng hóa chất Cyanua để ngâm ủ tuyển lấy vàng, nhưng tất cả các Cty trên không có giấy phép sử dụng hóa chất.
“Đối với vật liệu nổ, các Cty đã hết phép khai thác gần 2 năm qua, thế nhưng vẫn có nguồn vật liệu nổ để khai thác thường xuyên. Vậy nguồn vật liệu nổ đó không phải mua bán trái phép thì ở đâu mà có?”- người dân đặt nghi vấn…
“Đoàn địa chất” bỏ chạy khi thấy P.V
Trước việc tố cáo trên, ngày 5-11, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã thâm nhập “lãnh địa vàng” thôn 8 để tìm hiểu. Từ Làng Hồi, chúng tôi thuê xe ôm cho hai người để vào khu vực trên. Chuyến xe khứ hồi giá 1,2 triệu đồng. Trời mùa mưa, đường dốc trơn lầy lội, trơn trượt. Sau 2 giờ đồng hồ vừa đi bám lưng trên “con ngựa sắt”, vừa lội qua gần 10 con suối, chúng tôi mới đến được “đại bản doanh xứ vàng”. Trong khi những Cty hết hạn khác khi nghe tin chúng tôi vào, họ đã dừng hoạt động, thế nhưng Cty Ngọc Lĩnh vẫn hoạt động bình thường. Từ dưới đường chính nhìn lên, tại khu sản xuất của Cty Ngọc Lĩnh có từng tốp người lao động đang đưa quặng từ trong hầm ra. Thấy chúng tôi ghi hình, bọn họ chạy tán loạn.
Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Bùi Văn Ba – Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) cho biết, ngày 10-11 Sở đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Hội đồng thẩm định báo cáo kết quả đánh giá tiềm năng tài nguyên quặng vàng đối với 7 đơn vị ở 8 khu vực trên địa bàn tỉnh để gửi cho Bộ TN&MT xem xét xin gia hạn cấp phép. “Những đơn vị này trước đây được phép khai thác vàng, tuy nhiên đến nay giấy phép đã hết hạn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT tại Thông báo số 85/TB-BTNMT ngày 18-7-2014, Sở và Tổng cục Địa chất đã tiến hành lấy mẫu đối với những khu vực mà các đơn vị trên khai thác. Qua lấy mẫu và ý kiến của Hội đồng thẩm định, Sở sẽ có văn bản gửi ra Bộ TN&MT xin xem xét để quy hoạch các mỏ vàng trên nằm trong diện phân tán nhỏ lẻ để giao về cho UBND tỉnh gia hạn cấp phép”- ông Ba cho biết. |
Thế nhưng khi gặp một người đàn ông tên Võ (quê Tam Lãnh, H. Phú Ninh, Quảng Nam) quản lý khu sản xuất, thì ông Võ lại cho rằng: “Chúng tôi đang dọn hầm để phục vụ cho đoàn công tác địa chất của Bộ TN&MT lấy mẫu để đem về phân tích nhằm gia hạn giấy phép, chứ chúng tôi đâu có hoạt động nữa đâu”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi vậy tại sao khi thấy chúng tôi đám công nhân chạy tán loạn thì ông Võ ấp úng không trả lời được. Và để biện minh cho hành động sai trái của mình, ông Võ vẫn khẳng định máy móc đang nổ kia là để phục vụ cho đoàn nghiên cứu địa chất. “Họ (đoàn địa chất-P.V) đang đi khảo sát xung quanh trên núi đó, đến chiều tối họ mới về lán trại. Họ vô đây ở lại mấy tuần nay rồi”- ông Võ nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì thời điểm đó chẳng có đoàn địa chất nào hoạt động cả. “Làm gì có đoàn địa chất nào ở đây đâu. Hôm trước họ có vô đi một vòng, nhưng ra lại lâu rồi”, một người dân cho biết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ đội ngũ Cty Ngọc Lĩnh vẫn ngang nhiên hoạt động như vậy là do không nhận được tin báo của “cơ sở” điện về. Nên khi chúng tôi tiếp cận, ông Võ chỉ còn cách biện minh là “đang phục vụ cho đoàn địa chất”. “Cánh nhà báo vô mà ổng không biết. Điện thoại ổng mất sóng hay sao điện cả buổi mà không liên lạc được”, quản lý của một Cty khác vô tình tiết lộ.
Khi chúng tôi đang tiếp cận khu vực sản xuất của Cty SSG và các Cty còn lại thì trời đổ mưa. Sợ mưa nguồn nước suối dâng cao, nếu không ra kịp sẽ ở lại vài ngày nên chúng tôi vội thu xếp trở ra. Tuy nhiên, qua quan sát có thể thấy, những Cty trên dù hết phép nhưng vẫn hoạt động đúng như trong đơn tố cáo của người dân. Cơ sở chứng minh là các dòng suối từ các nhà máy khu vực này trắng đục một màu hóa chất.
(Đón xem Kỳ 2)