ThienNhien.Net – Năm 2012, người ta thống kê được rằng có 1,2 triệu người dân Bali không được tiếp cận với nước sạch. Và lý do thì rất buồn cười – đấy là do kinh tế địa phương… quá phát triển.
Bali, Indonesia là hòn đảo du lịch nổi tiếng nhất Đông Nam Á và là “ngôi sao du lịch” trên tầm thế giới. Nói đến kinh tế của Bali là nói đến du lịch, với 90% GDP của hòn đảo này đến từ các hoạt động du lịch.
Nhưng rồi chính sự phát triển kinh tế, hay nói khác đi là việc tận lực khai thác tài nguyên du lịch của hòn đảo này đang đe dọa nó. Hạ tầng phục vụ cho du lịch mọc lên như nấm, với những resort, khách sạn sang trọng và các tuyến đường bộ. Rốt cục: chính người dân bản địa không có nước sạch mà dùng.
Mỗi khách sạn 5 sao, theo tính toán, mỗi ngày tiêu thụ 500 khối nước sạch; và đó không phải là nguyên nhân duy nhất, khi mà lượng khách khổng lồ kéo đến hòn đảo này biến nó thành “khu rừng rác” theo cách gọi của các nhà môi trường phương Tây, nguồn nước bị nhiễm bẩn.
Nước – tiền đề của sự sống – chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho những tác động tiêu cực mà các hạ tầng du lịch tạo ra đối với thiên nhiên của Bali. Và đó cũng không chỉ là vấn đề của Bali – đó là mâu thuẫn của hầu hết các vùng bảo tồn thiên nhiên có gắn kèm với khai thác du lịch. Bàn tay của con người tàn phá thiên nhiên trong quá trình khám phá nó để rồi thứ để khám phá chẳng còn gì.
Và nếu như 1,2 triệu dân Bali còn biết đường mà “kêu” nếu không được tiếp cận với nước sạch thì có những số phận sẽ còn nghiệt ngã hơn thế: đấy là cây cối và chim thú. Chúng không thể nói được tiếng người hay làm đơn kiện nếu như không gian sống, điều kiện sống của chúng bị hủy hoại. Và đó có thể là toàn bộ quần thể thiên nhiên.
Nếu bạn đọc được ở đâu đó một đoạn đánh giá về vịnh Hạ Long của khách nước ngoài, rằng nó rất… bẩn, thì đừng ngạc nhiên. Bởi vì nó bẩn thật. Bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy điều đó khi cúi xuống mặt nước từ boong những con tàu du lịch. Hàng trăm tàu du lịch hoạt động, hàng triệu lượt khách, vịnh Hạ Long đang có xu hướng quá tải. Và việc Hạ Long bị ô nhiễm đã được đưa vào báo cáo của cả những tổ chức bảo tồn có uy tín trên thế giới.
Và những tảng núi đá trên vịnh thì không biết khóc than, cũng không thể tham dự các cuộc hội thảo về phát triển bền vững vẫn đang được liên tục tổ chức bên bờ vịnh.
Khách du lịch thích những địa điểm hoang sơ và tự khám phá bằng sức người – đó là xu hướng đang được phần lớn các công ty lữ hành lớn nhất thế giới ghi nhận. Người ta gọi đó là “du lịch xanh” – đối lập với “du lịch đại trà”. Trong khi doanh số của toàn bộ nền du lịch thế giới tăng chừng 4% một năm, thì “du lịch xanh” tăng trưởng 20%. Khách du lịch ngày càng không thích bỏ cả đống tiền đến để khám phá thiên nhiên rồi sau đó lại được “nâng khăn sửa túi” bằng đủ thứ dịch vụ, từ vận tải cho đến nghỉ ngơi sang trọng. Trong khi đó, thì các nhà đầu tư lại không thể nào ngừng việc ném tiền ra xây dựng các hạ tầng lấn át thiên nhiên, để làm “du lịch đại trà”.
Người ta đang định xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới tại Quảng Bình. Đó có thể là ý tưởng sẽ đem lại lượng tăng trưởng lượt khách trong thời gian đầu, nhưng về lâu dài, hủy hoại hoàn toàn hình ảnh của chốn hoang sơ này. Bạn có biết tại sao Sơn Đoòng nổi tiếng trên tầm thế giới không? Không phải vì nó lớn. Mà vì nó hoàn toàn hoang sơ.
Kênh truyền hình National Geographic, kênh khoa học nổi tiếng nhất thế giới, đã gọi đây là một “thánh tích” trong bộ phim tài liệu quảng bá hang Sơn Đoòng. “Thánh tích” tức là được bảo tồn nguyên vẹn với tất cả giá trị của lịch sử.
Báo điện tử lớn nhất thế giới Huffington Post thì nhấn mạnh vào việc hang mới được khám phá từ năm 2009. Và tất cả những hình ảnh quảng bá cho Sơn Đoòng trên các kênh truyền thông lớn của thế giới đều là hình ảnh con người đơn côi lạc đứng giữa một vòm hang khổng lồ, nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ vĩ và bí ẩn.
Cho đến bây giờ, khách du lịch đến Sơn Đoòng là bởi vì họ muốn được đu dây xuống miệng hang, tự cầm đèn pin khám phá và cắm trại trong hang, chứ không phải đi cáp treo tới đó. Khung cảnh tự nhiên ấy nay có thêm một quần thể cáp treo xung quanh thì thật không thể tưởng tượng nổi hiệu ứng quảng bá sẽ như thế nào. Và tất nhiên là có thêm khá nhiều rác nữa.
Xã hội Việt Nam có một vấn đề nghiêm trọng với rác – ngay cả trong không gian sống của chính chúng ta, là các đô thị, việc xả rác ra đường vẫn không thể ngừng bất chấp các biện pháp tuyên truyền và những cái thùng rác hình con chim cánh cụt dễ thương có dòng chữ “cho tôi xin rác” ở khắp nơi.
Rác chỉ là một biểu hiện của khả năng bảo vệ lợi ích chung. Và đừng hy vọng rằng khi chúng ta làm “du lịch đại trà” ở một vùng di sản thiên nhiên, đặt nó vào sức ép du lịch theo kiểu Hạ Long, người ta quan tâm đến môi trường sống của con chim con thú hay cái cây mà họ không biết tên.
Trong du lịch đến các vùng bảo tồn thiên nhiên, hành xử kiểu nhà giàu bây giờ là phản tác dụng. Xây dựng hạ tầng ồ ạt để làm du lịch đại trà là phản cảm. Xây thêm hạ tầng, chẳng những phải lấn chiếm khiến tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn đi, mà ngay cả tiền cũng chắc đã kiếm được nhiều hơn. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà các vị khách sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để được tận hưởng cảm giác tự khám phá, và tự mang trong mình ý thức bảo vệ môi trường.
Đó không phải là ý kiến của tác giả. Giảm chi phí xuống, và thu nhiều tiền hơn, cho khách tự vận động trong thiên nhiên – đó là chiến lược được tổng giám đốc của tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới Starwood đề xuất một ý kiến rất nên cân nhắc trước khi quyết định đổ tiền xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng và đặt nó trước nguy cơ bị hủy hoại.