ThienNhien.Net – Trong phiên sáng 17/11, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đánh giá về báo cáo của Chính phủ trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Được chỉ định giải đáp một số vấn đề liên quan đến nâng cao hiệu quả trồng rừng và nông lâm trường quốc doanh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNN) Cao Đức Phát khẳng định sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả trồng rừng, trong đó, phương án trồng rừng gỗ lớn đang được khuyến khích và triển khai thực hiện.
Trước vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra là phải nâng cao hiệu quả trồng rừng để nâng cao thu nhập cho người làm nghề trồng rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Giai đoạn 2011 – 2014, mỗi năm chúng ta trồng 211 ha rừng, trong đó chỉ có 16 ha là sử dụng tiền ngân sách, còn lại hơn 190 ha là do doanh nghiệp và người dân trồng. Từ đó, tạo được một môi trường, thị trường thuận lợi. Người trồng rừng đã nhận thấy trồng rừng bây giờ có lợi, có hiệu quả. Bởi vậy, người dân và doanh nghiệp đã tự bỏ tiền trồng rừng, nhà nước có hỗ trợ nhưng rất khiêm tốn và chỉ tập trung cho các vùng khó khăn và hộ nghèo.
Vấn đề của nghề trồng rừng tại Việt Nam hiện nay là năng suất thấp, nên thu nhập của người trồng rừng chưa cao. Thời gian tới, Bộ NNPTNN cũng chủ trương tập trung thực hiện các chính sách để giúp nâng cao hiệu quả trồng rừng. Trước tiên là thực hiện các chính sách trồng rừng gỗ lớn, thay vì trồng rừng như hiện nay là mới 5 – 6 năm đã khai thác, gỗ còn nhỏ đã chặt và băm dăm, xuất khẩu chỉ có 100 đô-la/tấn. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn tương đương với 12 triệu m3, sau đó lại phải nhập khẩu 5 triệu m3 gỗ lớn, để làm đồ gỗ xuất khẩu và phục vụ đồ dùng trong nước với giá cao hơn rất nhiều. Bởi vậy, phương án trồng rừng gỗ lớn đang được khuyến khích và triển khai thực hiện. Cùng đó, giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ giúp cho người trồng rừng đạt năng suất cao, hiệu quả cao hơn cũng là vấn đề cần chú trọng.
Một trong những vấn đề cũng được nhiều đại biểu đề cập đến là trồng rừng thay thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ NNPTNN cũng đang phối hợp với các địa phương thực hiện việc trồng rừng thay thế và không chỉ áp dụng cho trường hợp thu hồi đất có rừng để làm thủy điện mà với cả các trường hợp sử dụng đất rừng vào vấn đề khác. Cùng với việc xây dựng đề án, trao đổi với địa phương, Bộ NNPTNN đã ban hành hầu hết các chính sách cần thiết nhưng đến nay, trong tổng số 76.000 ha cần trồng thì mới trồng được 6.000 ha, có phương án trồng 4.000 ha. Các doanh nghiệp cũng đã nộp 14 tỷ đồng, tương đương với diện tích trồng mới khoảng 11.000 ha. Tuy nhiên, con số này thể hiện kết quả thực hiện rất chậm. Do đó, người đứng đầu Bộ NNPTNN cũng nhận trách nhiệm và khuyết điểm về vấn đề này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị, ngoài trách nhiệm của một Bộ quản lý Nhà nước thì các địa phương cũng cần thể hiện vai trò trách nhiệm cao hơn nữa trong vấn đề này. Cụ thể là các địa phương cần đôn đốc doanh nghiệp sử dụng đất rừng chuyển đổi phải xây dựng phương án và thực hiện. Thêm một khó khăn được nêu ra là hiện nay tại một số địa phương không dễ để tìm đất giao cho các doanh nghiệp trồng rừng, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có thời gian để chuẩn bị đất và cây giống. “Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự chỉ đạo quyết liệt của cả Bộ NNPTNN lẫn địa phương” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc giải quyết chồng chéo giữa lâm trường quốc doanh và đất của đồng bào, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng vừa qua Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 30 – đây là Nghị quyết rất quan trọng liên quan đến việc sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường quốc doanh. Do đó, nếu thực hiện tốt Nghị quyết này thì sẽ giải quyết được căn bản vấn đề các đại biểu đã nêu.
Cùng đó, về vấn đề quy hoạch khu công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NNPTNN đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và qua một lần báo cáo. Hiện đề án này đang được thẩm định về tác động đến môi trường trước khi trình lên Chính phủ lần cuối. Nhận khuyết điểm về việc chỉ đạo thiếu quyết liệt và còn chậm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng giải thích thêm: Trong quá trình làm đề án, ngay cả đến thời điểm tuần vừa rồi, Bộ NNPTNN vẫn tiếp tục nhận được văn bản đề nghị của các địa phương nên vẫn phải chờ tập hợp, bổ sung. Thực hiện đề án về các khu nông nghiệp công nghệ cao cũng phải rất thận trọng bởi nếu không sẽ xảy ra tình trạng có nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ đầu tư nhiều tiền bạc vào nhưng cuối cùng lại không hoạt động và kém hiệu quả. Bởi vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng xin phép sẽ tiếp tục làm với sự quyết liệt cao nhất nhưng vẫn cẩn trọng để đảm bảo tính hiệu quả của các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao./.