ThienNhien.Net – Là đô thị phát triển nhanh, quy mô dân số xấp xỉ 10 triệu người, TP HCM đang hằng ngày, hằng giờ “gánh” nhiệm vụ xử lý hàng nghìn tấn rác thải.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng sống
Tại các cuộc họp lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố về Chương trình thúc đẩy, giảm thiểu, phân loại chất thải rắn (CTR) tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn đến năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đưa ra con số: Năm 2008, lượng rác thải của nước ta khoảng 28 triệu tấn, so với năm 2003 tăng 200%. Tuy nhiên, đến năm 2015 thì lượng chất thải này sẽ cán mức 44 triệu tấn/năm. Và đến năm 2020 sẽ là 67 triệu tấn/năm. Thực trạng này khiến chi phí cho xử lý rác thải (XLRT) ngày càng tăng, tạo áp lực ngày càng nhiều cho ngân sách các địa phương, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai…
Vấn đề ô nhiễm môi trường từ quy trình XLRT cũng rất đáng lo ngại bởi công nghệ yếu kém, mang tính nhỏ lẻ, thủ công. Ông Nguyễn Thành Lâm, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường thuộc Tổng cục Môi trường cho biết: Hiện tại, CTR chủ yếu được phân loại ở các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, xử lý theo cách thủ công, không phân loại tại nguồn rác vô cơ, hữu cơ để xử lý theo tiêu chuẩn, nhất là các loại chất thải công nghiệp, y tế độc hại.
Khâu thu gom và xử lý chưa đồng bộ, chưa đạt tiêu chuẩn, chưa tập trung bởi rất thiếu các khu xử lý lớn đạt chuẩn. Việc thu gom vẫn chủ yếu lẫn lộn CTR sinh hoạt với CTR công nghiệp rồi đưa tới khu xử lý, bãi chôn lấp chung. Số liệu của Bộ TN&MT cho thấy, tỷ lệ thu gom rác vùng nông thôn còn thấp, khoảng 40-55% tùy địa phương. Đây là những nguyên nhân khiến cho nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu lượng rác thải phải xử lý đã từng áp dụng ở một số thành phố lớn thất bại. Trong số 1.025 doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ môi trường được cấp phép, chỉ có khoảng 150 DN và cơ sở hoạt động riêng về lĩnh vực tái chế chất thải ở các thành phố.
Nguy cơ lớn về môi trường của TPHCM
Là đô thị phát triển nhanh, quy mô dân số xấp xỉ 10 triệu người (bao gồm cả dân nhập cư, vãng lai), TPHCM đang hằng ngày, hằng giờ “gánh” nhiệm vụ xử lý hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt. Theo trang web TPHCM, thì lượng chất thải vào môi trường Thành phố là hơn 2 triệu tấn/ngày, gồm các loại chất thải (lỏng, khí, rắn và bùn), cả không nguy hại và nguy hại, chất thải có thể tái chế và chưa có khả năng tái chế. Ông Nguyễn Trung Việt, Phó Giám đốc Sở TN&MT TPHCM cung cấp con số: Mỗi ngày, TPHCM thải tới 10.000-11.000 tấn CTR, không kể các loại bùn, trong đó khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện trên địa bàn có 48 bô rác, trong đó có đến 45 bô chưa đảm bảo tiêu chuẩn, phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm.
Dù XLRT luôn là vấn đề đau đầu của Thành phố suốt thời gian dài; dù rất nhiều nguồn nhân lực, vật lực đã được đầu tư từ nhiều năm qua, nhưng trên thực tế, những bất cập từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý vẫn chưa được tháo gỡ. Từ năm 1999 đến 2012, TPHCM đã triển khai 3 chương trình phân loại rác tại nguồn, nhưng tất cả đều thất bại mặc dù tốn không ít kinh phí. Nguyên nhân được cho là thiếu đầu tư một cách đồng bộ, từ thùng rác tại gia đình, đến phương tiện vận chuyển, các bãi rác phân loại, tái chế chưa đúng yêu cầu. Nhiều chuyên gia thì cho rằng, nguyên nhân cơ bản vẫn là tư duy lối mòn, tầm nhìn ngắn và thiếu những biện pháp căn cơ, quyết liệt của các cấp chính quyền, ban ngành liên quan.
Ô nhiễm môi trường khiến các thành tựu về xóa đói giảm nghèo, nâng cao sức khỏe cộng đồng… có nguy cơ đổ vỡ, chất lượng sống suy giảm; phát triển kinh tế, du lịch… thêm khó khăn và đời sống văn hoá bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn tài chính từ nhiều năm phát triển kinh tế mang lại sẽ không đủ để phục hồi các tổn hại sức khỏe của người dân, khắc phục hậu quả ô nhiễm và suy thoái đa dạng sinh học.
Không thể chần chừ hơn nữa
Yếu tố môi trường ảnh hưởng rất nhiều đến mọi lĩnh vực cuộc sống, TPHCM không thể chần chừ, nhân nhượng thêm. Sở TN&MT TPHCM đã có kế hoạch đóng cửa 24 bô rác gây ô nhiễm môi trường, sẽ cải tạo 13 bô rác chưa đạt tiêu chuẩn, giảm quy mô tiếp nhận đối với 8 bô rác khác.
Theo thông báo của UBND Thành phố mới đây, bãi rác số 3 Khu Phước Hiệp, Củ Chi sẽ đóng cửa hoàn toàn. Rác từ Phước Hiệp sẽ được chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – Vietnam Waste Solution (VWS) đầu tư theo 3 giai đoạn, trước mắt là 2.000 tấn/ngày. Khối lượng rác giao nhận và xử lý thực tế căn cứ theo hợp đồng giữa Sở TN&MT với VWS. VWS đồng thời tiếp nhận và giải quyết việc làm cho số lao động chuyển từ bãi số 3 Phước Hiệp sang.
VWS là công ty 100% vốn nước ngoài do California Waste Solution (CWS – Hoa Kỳ), được xếp hạng thứ 31/100 công ty môi trường mạnh nhất của Hoa Kỳ (năm 2013) đầu tư. Khu xử lý này được đánh giá là hiện đại nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á hiện nay.