ThienNhien.Net – Một nhà máy xử lý rác thải công suất lớn hứa hẹn sau khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết vấn đề rác thải trên địa bàn đồng thời tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Thế nhưng hàng nghìn hộ dân của hai xã Ngọc Lý và Cao Xá, huyện Tân Yên (Bắc Giang) kiên quyết ngăn cản, phản đối không cho xây dựng. Nguyên nhân vì đâu?
Sẽ thành vùng đất… chết?
Theo người dân, sở dĩ họ phản đối kịch liệt là do khi tiến hành lập dự án nhà máy xử lý rác thải, chính quyền không họp bàn, không thông báo cho nhân dân nên không ai biết về dự án. Bỗng dưng đến giữa tháng 3-2014, người dân phát hiện nhiều máy xúc, máy ủi, xe tải ùn ùn kéo đến khu vực đồi Lăng Cao tập kết và san ủi đường. Thấy lạ, hỏi ra họ mới biết có dự án nhà máy xử lý rác thải. Quá bất ngờ và bất bình, người dân kéo nhau ra xã hỏi thì xã bảo, trên chỉ đạo thì phải làm thế. Bức xúc và lo ngại về môi trường, sức khỏe, người dân tập trung ra khu vực dự án để ngăn cản thi công đồng thời gửi đơn kiến nghị các cấp chính quyền địa phương, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chẳng hồi âm.
Cũng theo người dân, thiết kế nhà máy xử lý rác thải này có công suất rất lớn, xử lý 150 tấn rác thải công nghiệp và 30 tấn rác thải sinh hoạt/ ngày, nhưng lại nằm sát nhà dân (điểm gần nhất chỉ khoảng 1 mét). Sát khu dân cư như vậy, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Ngoài ra, dự án lại nằm sát kênh Cầu Đồng, là nơi nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá tôm, nơi cung cấp nước cho hàng nghìn ha lúa, cây trồng và vật nuôi trên địa bàn. Người dân lo rằng, nếu nhà máy hoạt động thì nguồn nước thải chảy hết vào dòng kênh và ngập vào nhà dân thì toàn vùng sẽ ô nhiễm nặng và hậu quả là khôn lường.
Theo quan sát của chúng tôi, khu đất dự kiến làm nhà máy xử lý rác thải nằm trên khu vực đồi Lăng Cao khá cao ráo, xung quanh là vùng đất trũng thấp dân cư sống san sát. Có lẽ đây là lý do người dân lo ngại khi nhà máy hoạt động, chất thải, nước thải, khí thải sẽ ngấm dần ra khu vực xung quanh. Ước tính, ít nhất có hàng nghìn hộ dân khu vực xung quanh nhà máy này bị ảnh hưởng.
Bộ, tỉnh duyệt một đằng, huyện làm một nẻo
Theo Quyết định 2109 ngày 31-10-2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì địa điểm được phê duyệt xây dựng nhà máy xử lý rác thải là địa bàn xã Cao Xá. Giấy chứng nhận đầu tư số 20121000446 ngày 05-11-2013 do UBND tỉnh Bắc Giang cấp cũng nêu rõ “Địa điểm đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp tại thôn Lăng Cao, xã Cao Xá, với diện tích dự kiến là 37,5 ha…”. Quyết định của Bộ Tài nguyên và môi trường và Giấy chứng nhận đầu tư là vậy, nhưng UBND huyện Tân Yên lại thu hồi thêm cả một diện tích đất khá lớn của xã Ngọc Lý để cấp cho nhà máy xử lý rác thải.
Để phù hợp với Quyết định số 2109 của Bộ Tài nguyên và môi trường, chính quyền huyện Tân Yên và chủ đầu tư đã “tự” chuyển bản đồ nắn dòng kênh Cầu Đồng (là ranh giới giữa hai xã) từ “cong” thành “thẳng” để biến số diện tích vốn thuộc địa bàn xã Ngọc Lý trở thành đất của xã Cao Xá phục vụ cho việc xây dựng nhà máy rác. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng thôn Cầu Đồng 10 (xã Ngọc Lý) cho biết, bản thân ông làm trưởng thôn nhưng cũng không biết gì về dự án nhà máy xử lý rác và việc chính quyền lấy đất thôn Cầu Đồng sai quy định.
Liên quan đến sự “khuất tất” của dự án, thông báo kết luận số 127/TB-UBND ngày 29-8-2014 của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn đã khẳng định: “Quá trình thực hiện triển khai dự án có một số thiếu sót như: Lập phương án thu hồi đất không đúng địa giới hành chính theo Giấy chứng nhận đầu tư; Công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động lấy ý kiến nhân dân chưa được sâu rộng, nhất là địa bàn xã Ngọc Lý…”.
Với vị trí đặt nhà máy xử lý rác thải không hợp lý, quá sát khu dân cư và nhiều biểu hiện “khuất tất” nêu trên thì cũng hiểu vì sao người dân kiên quyết phản đối.