Titan – tan giấc mộng vàng

ThienNhien.Net – Được coi là đất nước đứng hàng thứ 2 về trữ lượng khoáng sản titan, nhưng lợi thế này của Việt Nam đến nay đã không phát huy được thế mạnh. Có rất nhiều nguyên nhân ngành khai thác thứ khoáng sản này luôn đứng bên bờ vực của sự tụt hậu, trong đó công nghệ và phí là vấn đề trọng tâm nhất. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có sự chú ý và những cải biến tích cực thì chúng ta sẽ “tan giấc mộng vàng” với thứ khoáng sản được coi là trời cho này trong thời gian tới.

Khai thác, chế biến titan phải đảm bảo môi trường (Ảnh: Hà Giang/Đại Đoàn Kết)
Khai thác, chế biến titan phải đảm bảo môi trường (Ảnh: Hà Giang/Đại Đoàn Kết)

Khủng hoảng đầu ra

Theo thống kê của Hiệp hội Titan Việt Nam, hiện cả nước có trên 47 giấy phép khai thác titan đã được cấp và còn hiệu lực, với công suất trên 1,26 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Titan Việt Nam, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản titan, khai thác tận thu titan đang diễn ra tràn lan; khai thác các điểm mỏ chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác không gắn với tuyển tinh làm thất thoát tài nguyên. Đặc biệt, do yếu về năng lực tài chính, chuyên môn nên doanh nghiệp (DN) titan đầu tư cho các nhà máy chế biến manh mún, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, không thân thiện môi trường. Dẫn tới chất lượng sản phẩm titan thấp cộng với giá xuất khẩu titan trên thế giới giảm sâu khiến lượng titan tồn kho tăng cao.

Ông Nguyễn Thượng Đắt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam cho biết, titan tồn kho tăng từ 300.000 tấn năm 2013 lên gần 500.000 tấn vào thời điểm hiện nay. Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá xuất khẩu các loại sản phẩm titan là ilmenite và rutile đã giảm 20–50%, dao động ở mức 60-100 USD/tấn. Sau khi trừ thuế, phí, chi phí khai thác, chế biến thì giá bán này không có lãi. Hiện cả nước có gần 70 nhà máy khai thác, chế biến titan lớn nhỏ với công suất gần 1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện đã có gần 90% nhà máy phải tạm dừng hoạt động do lượng tiêu thụ và giá bán sụt giảm hơn 1 năm nay.

Theo ông Nguyễn Quốc Hội, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản An Khánh (Thái Nguyên), trong năm 2013 các DN chế biến khai thác quặng titan đã được Bộ Công thương cho phép tiếp tục xuất khẩu giải phóng tồn kho. Tuy nhiên, thời điểm 2013 đến tháng 7-2014, titan không bán được dẫn đến tồn kho lớn. Điều nan giải là để giữ chân người lao động buộc DN phải duy trì sản xuất dẫn đến tồn kho ngày càng nhiều hơn.

Cũng theo ông Đắt, các nhà máy khai thác titan hiện nằm rải rác ở các địa phương tập trung trữ lượng titan lớn như Bình Thuận, Bình Định, Thái Nguyên, Huế, Quảng Nam, Quảng Trị… Việc nhà máy titan dừng hoạt động kéo theo khoảng 70% lao động ngành khai thác, chế biến titan bị mất việc.

Nếu không chú ý đến công nghệ và phí thì ngành công nghiệp khai thác titan của Việt Nam sẽ bị tụt hậu (Ảnh: Hà Giang/Đại Đoàn Kết)
Nếu không chú ý đến công nghệ và phí thì ngành công nghiệp khai thác titan của Việt Nam sẽ bị tụt hậu (Ảnh: Hà Giang/Đại Đoàn Kết)

Công nghệ và phí

Với trữ lượng dự báo quặng titan khoảng 650 triệu tấn, đứng hàng thứ 2 trên thế giới, theo Quy hoạch dự kiến phát triển ngành titan Việt Nam, mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành ngành công nghiệp titan với các sản phẩm chế biến sâu đến pigment và titan xốp để đảm bảo nhu cầu trong nước về pigment, xuất khẩu các sản phẩm xỉ titan, titan xốp, muối zircon oxychloride… Đến năm 2030, ngành công nghiệp titan phải phát triển ổn định và bền vững với trung tâm khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn, công nghệ tiên tiến tại Bình Thuận.

Theo các chuyên gia khoáng sản, ngành công nghiệp khai thác và chế biến titan phát triển rất chật vật, nguyên nhân chính được chỉ ra chính là công nghệ. Nếu nhập công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến thì DN không có khả năng về tài chính, còn sử dụng thiết bị sản xuất của Trung Quốc như hiện nay thì chất lượng titan sẽ không cao. Việc chuyển giao công nghệ đòi hỏi cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để kết nối với những quốc gia có nền công nghiệp chế biến sâu titan hiện đại như Nga, Nhật, Mỹ. Nhà nước cần có chiến lược đào tạo nhân lực chuyên ngành, có thể là thành lập một viện nghiên cứu về titan hoặc những chuyên khoa về khai thác, chế biến sâu titan, về công nghệ thiết bị, tách quặng khoáng mỏ… Nếu chúng ta không mạnh dạn đầu tư, không quyết tâm phát triển những khu công nghiệp chuyên sâu về chế biến titan thì cũng không thể giành lấy cơ hội tạo ra giá trị thặng dư lớn với khoáng sản quý giá không thể tái tạo này.

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty CP khoáng sản Quảng Trị Lê Vĩnh Thiều cho rằng, nhà nước cần điều chỉnh lại mức thuế tài nguyên và phí môi trường, đảm bảo sự cân đối giữa giá thành với giá bán của DN. Hiện nay, các DN titan phải chịu các khoản chi phí gồm: 10% thuế giá trị gia tăng, 16% thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu 30%, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 5%, thuế thu nhập DN 25%, tiền phí bảo vệ môi trường. Cộng gộp các khoản này lại tương đương với giá bán titan theo hình thức FOB.

Bên cạnh đó, để công nghiệp titan phát triển bền vững, theo ông Ngô Quốc Hội, Giám đốc Công ty CP khoáng sản An Khánh (Thái Nguyên), Chính phủ cần phê duyệt quy hoạch chế biến sâu titan theo hướng liên kết vùng, liên kết giữa các DN để tránh tình trạng cấp phép đầu tư chế biến sâu tràn lan dẫn đến khủng hoảng thừa nguồn cung sản phẩm chế biến sâu, nhưng lại thiếu nguyên liệu đầu vào.