ThienNhien.Net – Tin thương lái Trung Quốc, nhiều người bỏ tiền mua cả tấn đá, có người sang tận Lào để thu mua, rẻ thì vài ba trăm ngàn/kg, đắt thì lên đến 4 – 5 triệu đồng/kg. Đùng một cái, thương lái Trung Quốc “lặn” mất tăm, nhiều người thẩn thờ ôm đống đá, cùng đống nợ mà không biết làm sao để giải quyết.
Đổ xô săn đá
Một ngày đẹp trời cách đây chừng khoảng 3 tháng, một nhóm thương lái Trung Quốc trực tiếp mang mẫu một số loại đá, sau này được dân buôn gọi là đá mềm hay đá phấn đến huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) để tìm nguồn hàng. Ban đầu, họ đặt giá cao ngất, giá mẫu đá loại rẻ nhất cũng vài trăm ngàn/kg, cá biệt có mẫu được đặt giá chừng 4 triệu đồng/kg. Không chỉ tại huyện biên giới Ngọc Hồi, thương lái Trung Quốc còn đến tận xã biên giới Đắk Blô (huyện Đắk Glei) đặt hàng người Việt thu mua đá theo mẫu. Ai có hàng, họ mua và trả tiền ngay tức thì, khiến nhiều người dân địa phương mờ mắt.
Kiếm tiền dễ dàng nên nhiều người làm đại lý thu mua đá cho thương lái Trung Quốc, người thì trở thành dân săn đá để bán, nhiều người còn sang tận Lào để tìm nguồn hàng đem về Việt Nam bán. Một dân buôn đá từ Lào về tên N. trú tại thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cho biết, thường xuyên mang đá về Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y bán qua tay cho thương lái Trung Quốc. Giá thu mua đá tại Lào dao động từ 200.000 – 4 triệu đồng/kg. Giá vận chuyển về Việt Nam bằng xe ô tô, giá khoảng 150.000 đồng/kg. “Trước đây mình chỉ cần mua xong thuê người Lào vận chuyển là không bị bắt. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng Lào làm rất gắt gao, có thuê người Lào vận chuyển cũng bị bắt, tịch thu đá. Riêng người Việt Nam vận chuyển mà bị phát hiện không những bị tịch thu mà còn bị tạm giữ người”, anh N. cho biết.
Từ khi phía Lào làm gắt gao, thương lái Trung Quốc hạn chế mua đá loại lớn, chuyển sang mua những loại đá dạng sỏi với giá cao hơn rất nhiều. Một viên đá dạng sỏi chất lượng tốt, giá bán có thể lên đến hàng chục triệu đồng/viên. Tuy nhiên, tất cả dân buôn đá đều khẳng định không biết thương lái Trung Quốc thu mua loại đá này để làm gì. “Theo những mẫu họ cho tôi xem thì có thể là mua về làm đồ trang trí, đá phong thủy”, một thương lái phỏng đoán. Dù thắc mắc không biết thương lái Trung Quốc mua đá làm gì, nhưng trước món hời dễ kiếm, nhiều người nhắm mắt làm bừa, gom tiền đi thua mua đá. Họ bỏ qua cả những “bài học” từ việc thương lái Trung Quốc mua đĩa, mua lá điều, rễ tiêu.
Ôm đá, ôm nợ
Sau vài tháng thu mua đá rầm rộ, đùng một cái, các thương lái Trung Quốc ngừng “ăn hàng”, rồi “lặn” mất tăm khiến một số dân buôn ngồi trên đống lửa vì đang ôm đống đá mà chẳng biết để làm gì. Vừa chỉ vào đống đá, anh N. than thở: “Số đá này chừng hơn 1 tạ, cách đây khoảng nửa tháng, một thương lái Trung Quốc hỏi mua với giá 700.000 đồng/kg nhưng tôi không bán. Nay chưa biết tìm “mối” nào để bán nhằm thu hồi vốn”. Cũng theo anh N., đây là lần thứ 3 anh vận chuyển đá mềm từ Lào về Việt Nam để bán. Các lần trước, anh chỉ chuyển số lượng nhỏ để thăm dò. Thấy có lời lớn nên lần này đầu tư toàn bộ vốn tích trữ được để gom với số lượng lớn thì thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, giờ đang ôm đống nợ. Bi đát hơn là trường hợp bà Nguyễn Thị T. (trú tại tổ dân phố 6, thị trấn Pkei Kần) mua gần 1 tấn đá hơn 1 tỷ đồng đang trên đường vận chuyển về Việt Nam thì bị lực lượng chức năng Lào bắt giữ. Hiện tại bà T. đang phải đi trốn vì vay nóng lãi cao của nhiều người để mua đá.
Ông Huỳnh Thơ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, cho biết, đơn vị đang kiểm tra tình hình các thương lái Trung Quốc thu mua đá thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Riêng việc một số người dân sang Lào mua đá trang trí đưa về Việt Nam bán lại cho thương lái Trung Quốc thì chưa nắm được thông tin. Ông Thơ cho biết sẽ cho cấp dưới kiểm tra.