ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Côn Đảo nằm ở quần đảo Côn Sơn thuộc địa giới hành chính huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 180km về hướng Đông Nam. Diện tích quản lý bảo vệ 19.990,7 ha , gồm Hợp phần bảo tồn rừng 5.990,7 ha (Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt 4.215,6 ha; Phân khu Phục hồi sinh thái 1.755,1 ha; Phân khu Dịch vụ – Hành chính 20 ha). Hợp phần bảo tồn biển 14.000 ha ( Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt: 1.735,1 ha; Phân khu Phục hồi sinh thái 2.740,2 ha; Phân khu Phát triển: 9.524,7 ha) và vùng đệm biển 20.500 ha .
Tài nguyên đa dạng sinh học
Trước hết phải kể đến đa dạng sinh học rừng của Vườn quốc gia Côn đảo với 2 kiểu rừng chính. Đó là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới , với các hệ sinh thái rừng trên núi thấp, rừng trên đồi cát khô hạn ven biển, rừng tràm ngập phèn.
Các nhà khoa học đ ã ghi nhận 1.077 loài thực vật rừng thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch trong 6 ngành thực vật. Trong đó cây gỗ 420 loài, cây bụi 273 loài, dây leo 137 loài, cây cỏ 137 loài, khuyết thực vật 53 loài và thực vật phụ sinh 20 loài; có 44 loài được các nhà khoa học tìm thấy đầu tiên ở Côn Đảo; 23 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 4 loài có tên trong sách đỏ IUCN và 11 loài ghi trong Nghị định 32/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm; có 11 loài đặc hữu.
Về động vật, đã ghi nhận 160 loài trong khu hệ động vật có xương sống trên cạn, với 29 loài thú, 85 loài chim, 38 loài bò sát và 8 loài ếch nhái. Trong số này có C ó 35 loài quý hiếm, bao gồm: 13 loài thú, 11 loài chim và 11 loài bò sát và lưỡng cư. Trong đó có 17 loài (5 loài thú, 8 loài chim, 4 loài bò sát) ghi trong Sách đỏ IUCN; 22 loài (9 loài thú, 2 loài chim, 11 loài bò sát và lưỡng cư) ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 16 loài (3 loài thú, 6 loài chim, 7 loài bò sát) ghi trong danh mục công ước CITES và 15 loài (6 loài thú, 3 loài chim, 6 loài bò sát) ghi trong Nghị định 32/2006 của Chính p hủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm; có 3 loài đặc hữu.
Biển Côn Đảo có các hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới là hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái rạn san hô. Đã ghi nhận 1.725 loài sinh vật biển với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 11 loài cỏ biển, 226 loài thực vật phù du, 143 loài động vật phù du, 360 loài san hô, 130 loài giun nhiều tơ, 116 loài giáp xác, 187 thân mềm, 115 loài da gai, 205 loài cá rạn san hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 7 loài thú biển trong đó 72 loài sinh vật nguy cấp, quý hiếm bao gồm: Thực vật (04) loài ; thân mềm (16 loài); da gai (06 loài); san hô (12 loài); cá (24 loài); bò sát (02 loài); chim biển (01 loài); thú (07 loài), các loài thú biển lớn như Dugong, Cá heo mõm dài.
Vị thế bảo tồn biển tiêu biểu
Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết: Côn Đảo được tổ chức khoa học trong và ngoài nước đánh giá là Vườn có tiềm năng đa dạng sinh học cao, các hệ sinh thái phong phú, có nhiều loại động thực, vật quý hiếm, đặc hữu là nơi có ý nghĩa quan trọng toàn cầu về sinh vật biển, sinh cảnh trên cạn bởi tiềm năng sinh học và vị trí của nó. Côn Đảo là khu vực ưu tiên mang tầm quốc gia và quốc tế trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học. Kế hoạch hành động đa dạng sinh học và chiến lược GEF quốc gia Việt Nam được chính phủ phê duyệt năm 1995 xếp Côn Đảo là khu vực ưu tiên hàng đầu.
Trong ấn phẩm xuất bản năm 1995 với tiêu đề “Một hệ thống các khu bảo tồn biển tiêu biểu toàn cầu” của Ngân hàng thế giới cũng xếp Côn Đảo là khu vực ưu tiên. Côn Đảo là 1 trong 16 khu Bảo tồn biển đã được quy hoạch theo Quyết định 742 của Thủ tướng Chính phủ , được xếp là khu vực ưu tiên để phát triển du lịch của Việt Nam. Tạp chí New York Times (11/2010) đã nhận xét Côn Đảo là một trong những điểm đến ấn tượng nhất Đông Nam Á, hai năm liền (2011 – 2012), tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Anh) đã bầu chọn Côn Đảo là 1 trong 10 hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới để hưởng một kỳ nghỉ lãng mạn.
Bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học là cơ sở và động lực cho sự phát triển bền vững Côn Đảo. Thảm thực vật và độ che phủ rừng Côn Đảo chiếm 80% tổng diện tích tự nhiên là lá chắn tốt nhất để phòng hộ, bảo vệ môi trường. Theo đánh giá của các nhà khoa học lượng nước ngầm và nước mặt Côn Đảo có hệ số tương quan tương đối chặt (0,95) và được duy trì, điều tiết, điều hòa hằng năm bởi thảm thực vật rừng ở đây . Địa hình Côn Đảo độ dốc lớn, lớp đất mặt cạn, rừng tạo thành lớp phủ hữu hiệu chống lại xói mòn, rửa trôi, lắng đọng và bồi lấp. Côn Đảo nằm giữa biển khơi thường xuyên chịu ảnh hưởng gió, bão, áp thấp nhiệt đới vì vậy rừng đóng vai trò quan trọng chắn gió, cát bay, bảo vệ môi trường.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển và hệ sinh thái rạn san hô chứa đựng sự đa dạng cao các loài cá và các loài thủy sinh vật khác . L à sinh cảnh đẻ trứng, ương nuôi ấu trùng, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật biển của khu vực biển Đông Nam Việt Nam và của cả khu vực Đông Nam Á. Các hệ sinh thái biển còn có tầm quan trọng trong việc điều hòa, cân bằng lượng o xy trong nước biển và bảo vệ bờ biển Côn Đảo.
Bảo tồn đa dạng sinh học (đa dạng hệ sinh thái, đa dạng thành phần loài) nhằm duy trì, lưu giữ nguồn gien và các sinh cảnh đặc trưng của Côn Đảo và của Việt Nam, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường sống bền vững. Nhiều loài sinh vật tại Côn Đảo có giá trị cung cấp thực phẩm và dược liệu. Bảo tồn đa dạng sinh học tại Côn Đảo chính là sự bảo tồn và khai thác bền vững kho dược liệu và thực phẩm trong tương lai. Đây là nơi để các nhà khoa học đến nghiên cứu và nhiều sinh viên đến thực tập. Có thể nói rằng đa dạng sinh học Côn Đảo có giá trị cao về giáo dục và khoa học.
Tài nguyên đa dạng sinh học và cảnh quan Côn Đảo đang là tiềm năng và thế mạnh để khai thác và phát triển du lịch sinh thái. Phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ du lịch sinh thái đang tạo ra nghề và thu nhập ổn định, đáng kể cho cộng đồng địa phương. Bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên góp phần bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử đặc biệt của Việt Nam tại Côn Đảo. Bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, sự đa dạng sinh học và các loài động vật, thực vật bản địa, quý hiếm, các sinh cảnh tự nhiên độc đáo, để Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành một trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học có tầm quan trọng của quốc gia và quốc tế.
Bởi vậy, nhiệm vụ trọng yếu của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo hiện nay là bảo vệ nguyên vẹn và phát triển diện tích rừng để gia tăng độ che phủ rừng đầu nguồn các khe, suối, bảo vệ đất, góp phần duy trì sự sống trên đảo, cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ rừng nhằm góp phần củng cố quốc phòng và an ninh vùng hải đảo tiền tiêu phía Đông Nam tổ quốc.
Bên cạnh đó, sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, góp phần xây dựng Côn Đảo trở thành một trung tâm du lịch-dịch vụ chất lượng cao, có tầm cỡ khu vực và quốc tế và tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội của huyện Côn Đảo.