Tê giác trắng Bắc Phi bên bờ vực tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Một cá thể tê giác trắng Bắc Phi (Ceratotherium simum cottoni) đã qua đời tại Khu Bảo tồn Ol Pejeta ở Kenya vào ngày 17/10 vừa qua, khiến thế giới chỉ còn lại 6 con tê giác thuộc phân loài này.

Cá thể tê giác có tên Suni, 34 tuổi, giống đực, là con tê giác trắng Bắc Phi đầu tiên được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt. Theo kết luận ban đầu, Suni không bị giết bởi những tay săn trộm như nhiều con tê giác khác ở châu Phi mà nó chết ngay trong chuồng. Các nhà chức trách Khu bảo tồn Ol Pejeta đang tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của nó.

Cái chết của Suni đồng nghĩa với việc thế giới hiện chỉ còn lại 6 cá thể tê giác trắng Bắc Phi, trong đó chỉ có duy nhất một con đực. “Loài này hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn. Đây chính là hậu quả đáng buồn bắt nguồn từ sự tham lam của con người” – Phát ngôn viên của Khu Bảo tồn Ol Pejeta bày tỏ.

Tê giác trắng miền Bắc (Ảnh: glogster.com)
Tê giác trắng Bắc Phi (Ảnh: glogster.com)

Tê giác trắng Bắc Phi từng sinh sống ở khắp Uganda, Chad, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa Dân chủ Congo. Trong quá khứ, tê giác trắng Bắc Phi cũng từng suýt biến mất khi số lượng loài này chỉ còn 15 cá thể trong tự nhiên sau thời gian đỉnh điểm của thảm họa săn trộm tê giác vào những năm 1980.

Thời kỳ sau đó, số lượng loài này đã tăng gấp đôi cho tới khi nạn săn trộm tê giác tràn lan tái diễn vào giữa những năm 2000. Những con tê giác trắng Bắc Phi hoang dã cuối cùng đã biến mất khỏi Vườn Quốc gia Garamba thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo vào khoảng năm 2006. Nguyên nhân được cho là bị những kẻ săn trộm giết chết.

Hiện nay, 6 con tê giác trắng Bắc Phi còn lại của thế giới đều đang sống trong điều kiện nuôi nhốt hoặc bán nuôi nhốt. Trong đó, 2 con đang được nuôi ở vườn thú San Diego Safari Park, 1 con ở Sở thú Dvůr Králové – sở thú duy nhất thành công trong việc phối giống loài này – và 3 con khác sống trong điều kiện bán nuôi nhốt ở Khu bảo tồn Ol Pejeta, Kenya.

Khu bảo tồn Ol Pejeta cho hay họ sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ 3 cá thể tê giác trắng Bắc Phi còn lại. Họ cũng đang nỗ lực với hy vọng sẽ thành công trong việc phối giống loài này.

Tê giác trắng Bắc Phi là một phân loài của tê giác trắng (Ceratotherium simum) – loài tê giác có số lượng cá thể đông đảo nhất trên thế giới với ước tính khoảng 20.000 cá thể.

Một nghiên cứu năm 2010 đã khuyến cáo nâng tê giác trắng Bắc Phi lên cấp độ loài do phân loài này có nhiều sự khác biệt về thể chất và di truyền. Nghiên cứu này sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó cũng có ý kiến của một số nhà bảo tồn cho rằng tốt nhất nên phối giống tê giác trắng Bắc Phi với phân loài tê giác trắng Nam Phi để bảo toàn ít nhất một phần gien của loài này.

Ngoài tê giác trắng Bắc Phi, nhiều loài tê giác khác cũng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Điển hình như tê giác Javan (Rhinoceros sondaicus), hiện trên thế giới chỉ còn 58 cá thể sống ở một khu bảo tồn ở Java (Indonesia). Tê giác Sumatran (Dicerorhinus sumatrensis) có lẽ là loài tê giác đang đối mặt với nhiều nguy hiểm nhất với quy mô khoảng 100 cá thể nhưng phân bố khá rời rạc. Khả quan hơn là tê giác đen (Diceros bicornis), loài sống cùng tê giác trắng ở Châu Phi, với số lượng khoảng 5000 con và tê giác Ấn Độ (Rhinoceros unicornis) hiện còn xấp xỉ 2500 con.

38% người Việt vẫn tin rằng sừng tê giác là thuốc

Cuộc thăm dò gần đây do Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (HIS) và Cơ quan quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam tiến hành tại 6 thành phố của Việt Nam cho thấy hiện vẫn còn 38% người Việt tin rằng sừng tê giác có công dụng chữa bệnh. Mặc dù, con số này đã giảm khoảng 25% so với năm ngoái nhưng vẫn cần nhiều hành động hơn nữa để thay đổi nhận thức của người Việt Nam, từ đó ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác, gây tổn hại cho hàng ngàn sinh mạng tê giác trên toàn cầu. Năm ngoái, 1004 con tê giác đã bị giết lấy sừng bởi những kẻ săn bắt tê giác trộm ở Nam Phi.