ThienNhien.Net – Chuyên gia địa chất Vũ Lê Phương cho rằng với đặc điểm địa chất, địa mạo dễ tổn thương của hang Sơn Đoòng thì 2 ga đỗ với các cột trụ lớn và hàng ngàn lượt khách đên mỗi ngày là gánh nặng không nhỏ.
Trong cuộc họp báo, ngày 4/11, Chủ tịch UBND Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài khẳng định, hệ thống cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng chỉ đi trên hang động. Cáp treo sẽ không đi trực tiếp vào hang động, mà giữ một khoảng cách an toàn đến hang Sơn Đoòng, sẽ hạn chế số lượng trụ cáp ít nhất, gần cửa hang sử dụng nhà ga nhỏ nhất, ít phải xây dựng nhất.Tuy nhiên, theo chuyên gia địa chất Vũ Lê Phương, tuyến thi công như vậy vẫn còn tiểm ẩn rủi ro về địa chất. Vì đặc điểm toàn bộ khối đá vôi Kẻ Bàng ngoài các tuyến đứt gãy lớn thể hiện qua các hang động, nó còn bị dập vỡ rất nhiều tạo thành các khe nứt nhỏ.
Một hệ thống cáp treo không phải chỉ là 1 cái mạng nhện hay dây phơi mà có thể phủ nhẹ lên sinh quyển của VQG. Dù chỉ có 2 ga nhưng vẫn phải khoan, đục với rất nhiều sắt thép, con người xuất hiện trong khu vực cần bảo tồn.
“Với sự hiện diện của 30 cột trụ, hệ thống buồng cáp chuyên chở 1.000 người/giờ, mà nói rằng không ảnh hưởng gì tới di sản là không đúng. Chưa kể, một dự án hoàn hảo tới đâu cũng chắc chắn sẽ làm thay đổi về mặt cảnh quan, về môi trường của khu vực dễ tổn thương như Phong Nha-Kẻ Bàng”, ông Phương nói.
Do dự án chưa công khai nên chưa thể nhận xét về phương án xử lý liên quan đến vấn đề môi trường sinh thái, song nhiều chuyên gia địa chất cảnh báo rằng hang Sơn Đoòng là đầu nguồn của hang Phong Nha, mọi tác động từ khu vực này đều có khả năng tác động tiêu cực đến khu vực hang Phong Nha và sông Son nằm bên dưới hạ lưu.
Phân tích thêm về mục đích chính của dự án cáp treo là tạo điều kiện cho người dân tham quan hang Sơn Đoòng, ông Phương cho biết khu vực xung quanh 300m từ cửa sau hang chủ yếu là các dạng lèn đá, đá tai mèo dốc đứng. Du khách nếu muốn tiếp cận hang sẽ khá khó khăn. Do đó, để tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận cần xây cầu thang tiếp nối ở cửa hang. Khu vực này cây cối mọc rậm rạp, trong hang tối nên muốn ngắm các thành tạo của hang sẽ phải mắc đèn chiếu sáng, ngoài ra sẽ cần làm lối đi trên cao để tránh tổn hại các thành tạo nhạy cảm.
Ông Phương cũng lưu ý: “Khu vực cửa hang nhiều bùn, khá “bẩn” nên dễ làm thất vọng du khách muốn đi du lịch kiểu nhàn nhã, sạch sẽ cỡi ngựa xem hoa. Và đặc biệt là các cảnh đẹp nhất của hang Sơn Đoòng lại không nằm ở cửa hang. Lý do UBND tỉnh đưa ra để xây cáp treo là thi công để “tạo điều kiện cho mọi người tham quan hang” sẽ không còn hiệu quả.
Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực xung yếu nhất về địa chất, du khách chỉ có thể tiếp cận an toàn khi đi bằng đường bộ với số lượng hạn chế. Nhưng với năng lực vận chyển 1.000 khách/giờ thì việc đưa một lượng lớn khách tham quan sẽ cần sự hỗ trợ của thiết bị.
Làm thế nào bảo tồn được nguyên vẹn địa chất của hang nếu hàng ngàn người đến tham quan mỗi ngày. Và nếu không thực sự trải nghiệm, thực sự muốn thưởng thức các giá trị kiệt tác của tạo hóa về địa chất địa mạo mà ngại bẩn, vất vả và nguy hiểm thì du khách đến với hang Sơn Đoòng vì mục đích gì, nếu không vì tò mò theo tâm lý đám đông, ông Phương băn khoăn.
Hơn thế nữa, giá trị của Sơn Đoòng là các kỳ quan địa chất, địa mạo sâu trong hang trong khi cáp treo để ngắm di sản này từ trên cao liệu có khai thác được tiềm năng thực sự của di sản này. Còn trong trường hợp tuyến cáp treo ảnh hưởng đến di sản thì liệu Sơn Đoòng có còn là viên ngọc quý, là niềm tự hào của không chỉ Quảng Bình mà cả Việt Nam hay sẽ trở thành một điểm đến “thường thường bậc trung”?
Câu trả lời thuộc về lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, nhà đầu tư với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong quá trình điều tra, khảo sát, chuẩn bị dự án. Và các thông tin liên quan đến dự án cần được công khai trong thời gian sớm nhất, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, đóng góp của giới chyên gia, các DN là du lịch cũng như cộng đồng xã hội.