ThienNhien.Net – 25 công ty khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Myanmar đã tạo ra một tiền lệ mang tính toàn cầu với việc công khai người chủ sở hữu thực sự. Những thông tin này được công bố trong báo cáo “The Shell Starts to Crack“(Tạm dịch: Vỏ sò bắt đầu hé mở) do Tổ chức Global Witness công bố vào đầu tháng 10 vừa qua.
Từ tháng 10/2013, Bộ Năng lượng Myanmar đã chuyển giao 36 khu vực khai thác dầu mỏ và khí đốt cho 46 công ty quốc tế và công ty tư nhân địa phương. Khoản thu từ các mỏ khai thác này dự kiến sẽ được dùng vào mục đích thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Tuy nhiên, việc các công ty khai thác giữ bí mật về chủ sở hữu thực sự có thể dẫn đến các vụ tham nhũng, gây thất thoát ngân sách quốc gia. Để giảm thiểu nguy cơ này, Tổ chức Global Witness đã tiến hành một nghiên cứu về chủ sở hữu thực sự của các công ty khai mỏ tại Myanmar.
Theo kết quả khảo sát, tất cả các công ty đang đầu tư vào 17 khu vực khai thác dầu mỏ và khí đốt tại Myanmar đều sẵn sàng công khai chủ sở hữu thực sự. Đáng chú ý hơn, 10 công ty tư nhân trong số này còn cung cấp đầy đủ thông tin về các cá nhân đang sở hữu và kiểm soát họ, đồng thời cũng công khai các mối liên hệ với chính quyền cấp cao. Người dân khi được cung cấp những thông tin này sẽ có thể tự kiểm tra danh tính của các ông chủ mỏ, đồng thời có quyền bày tỏ mối quan ngại của họ với vấn đề xung đột lợi ích hoặc các rủi ro về tham nhũng.
Global Witness cũng cho biết 18 công ty khai mỏ khác được khảo sát vẫn chưa sẵn sàng cung cấp những thông tin về chủ sở hữu thực sự.
Mặc dù vậy, đây cũng được xem là một tiến bộ đáng kể đối với Myanmar. Theo bà Juman Kubba, chuyên gia phân tích của Global Witness: “Các chính trị gia tham nhũng và các doanh nhân thiếu trung thực bí mật đứng sau các công ty khai khoáng để ăn cắp tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản là tình trạng phổ biến trên thế giới. Nếu Myanmar muốn đóng lại trang sử về sự bất bình đẳng và tham nhũng liên quan tới tài nguyên thì phải vén được bức màn bí mật này”.
Đầu tháng 7 năm 2014, Myanmar đã được chấp nhận trở thành quốc gia ứng viên của Sáng kiến Minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI). Sáng kiến này không chỉ khuyến khích công khai chủ sở hữu và người hưởng lợi thực sự của các công ty mà còn yêu cầu công khai tất cả các giao dịch liên quan tới tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.
Sự cần thiết của việc công khai chủ sở hữu các công ty khai thác tài nguyên ngày càng được thừa nhận. Năm ngoái, G8 đã đưa ra thông báo đề nghị tất cả các quốc gia thành viên phải yêu cầu các công ty cung cấp thông tin về chủ sở hữu cũng như người hưởng lợi. Vương quốc Anh cũng đã bổ sung quy định về việc đăng ký công khai các chủ sở hữu của công ty khai thác tài nguyên và được Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu ủng hộ. 14 quốc gia khác bao gồm cả Cộng hòa Honduras, Cộng hòa Kyrgyzstan, Cộng hòa Liberia và Cộng hòa Tajikistan cũng đang xây dựng các chương trình thí điểm công khai quyền chủ sở hữu các công ty khai khoáng, dầu mỏ và khí đốt.