ThienNhien.Net – Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 24 mỏ đá đang hoạt động, tập trung nhiều nhất tại huyện Yên Lập và Thanh Sơn. Hầu hết doanh nghiệp khai thác khoáng sản bằng công nghệ lạc hậu, không tuân thủ đầy đủ quy trình khai thác mỏ và xem nhẹ khâu an toàn lao động. Từ đó, khiến tai nạn lao động tại các mỏ đá ở Phú Thọ gia tăng.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong khai thác mỏ, tổng số người bị TNLĐ là 39 người, số người chết là 4 người. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, cũng đã xảy ra 16 vụ TNLĐ với 17 người bị thương trong đó có 4 người chết, 2 người bị thương nặng, 1 người bị thương nhẹ. TNLĐ tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: xây dựng, sản xuất công nghiệp và khai thác chế biến khoáng sản. Riêng trong lĩnh vực khai khoáng tập trung cao ở các điểm mỏ khai thác đá xây dựng.
Kết quả kiểm tra của Sở Công thương tỉnh này về công tác bảo đảm an toàn kho chứa và khoảng cách an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại 19 doanh nghiệp khai thác khoáng sản (chủ yếu khai thác đá) trên địa bàn, cũng cho thấy rất nhiều bất cập. 10/19 đơn vị chưa lập lý lịch kho vật liệu nổ công nghiệp, 11/19 kho do đơn vị thiết kế trong khi đơn vị không có chức năng thiết kế và 5/19 đơn vị không xuất trình được hồ sơ thiết kế kho; 6/19 đơn vị không thực hiện đo kiểm tra điện trở nối đất định kỳ đối với hệ thống chống sét kho chứa thuốc nổ… Về khai trường khai thác đá cũng tồn tại nhiều vấn đề. Hầu hết các doanh nghiệp khai thác đá không chú trọng đến đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác rất thủ công, cắt tầng nhỏ không theo thiết kế, không áp dụng cơ giới hóa và không tuân thủ đầy đủ quy trình quy phạm khai thác mỏ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Như Lô, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ thừa nhận, trong những năm qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nói chung, khai thác đá nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Vấn đề này đã dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, không đúng quy định. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động, nhất là tại các mỏ đá và mỏ khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Lập, do công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên việc khai thác đá của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm hỏng hạ tầng cơ sở nông thôn. Mới đây lực lượng chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra tại 14 mỏ đá trên địa bàn huyện, trong đó có 6 mỏ đang hoạt động, 4 mỏ đang dừng hoạt động và 4 mỏ đã được cấp phép nhưng chưa đủ các điều kiện để hoạt động.
Trong số 6 mỏ đang hoạt động thì có tới 5 mỏ khai thác chưa đúng quy trình, quy phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. 9 mỏ chưa được xác nhận hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định về an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, chưa khai thác đúng quy trình. Nhiều nơi kho chứa vật liệu nổ chưa đúng quy định; 100% số đơn vị khai thác không báo cáo định kỳ về tai nạn lao động cho cơ quan chức năng; 90% không báo cáo hoặc không lập hồ sơ hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo đánh giá tác động môi trường theo cam kết…
Kiểm tra đâu phát hiện sai phạm đó đang là thực tế của việc khai thác đá trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Điều này khẳng định công tác quản lý của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ dẫn đến việc ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của một số tổ chức, doanh nghiệp. Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý chưa nghiêm, không quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho người lao động cũng như ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Các chuyên gia trong lĩnh vực khai khoáng cho rằng, các ngành chức năng cần xem xét bổ sung chế tài điều kiện an toàn lao động trong hoạt động khai thác mỏ thành quy định bắt buộc. Theo đó phải coi chứng chỉ đào tạo, tập huấn về ATLĐ với tất cả những người hoạt động trực tiếp tại mỏ là điều kiện bắt buộc với doanh nghiệp, người lao động. Những mỏ có quy mô lớn phải có kỹ sư mỏ như quy định của Luật Khoáng sản.
Trong quá trình khai thác các mỏ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật như bố trí cán bộ kỹ thuật chuyên ngành tổ chức quản lý, giám sát; có hồ sơ thiết kế, quy trình khai thác; có quy định quản lý, sử dụng thuốc nổ; quy định ATLĐ… làm cơ sở cho người lao động tuân thủ và được thường xuyên kiểm tra, giám sát và tuân thủ quy định của Luật Khoáng sản, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.