Chọn rừng FSC đột phá lâm nghiệp

ThienNhien.Net – Trong tái cơ cấu SXNN, song song với các lĩnh vực khác, tỉnh Quảng Trị chọn phát triển rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng quốc tế (FSC) để đột phá lĩnh vực lâm nghiệp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Dưới đây là cuộc trao đổi với GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị Nguyễn Văn Bài về vấn đề này.

Ảnh: nongnghiep.vn
Ảnh: nongnghiep.vn

Chọn lợi thế để tạo ra lợi nhuận

Thưa ông, vì sao Quảng Trị chọn lâm nghiệp làm khâu đột phá trong tái cơ cấu SX nông nghiệp?

Bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh, ngành NN-PTNT Quảng Trị tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH trên cơ sở phát huy lợi thế tiềm năng đất đai, lao động địa phương.

Ngành xác định phải gắn phát triển sản xuất bền vững với việc hình thành các vùng nguyên liệu có năng suất, chất lượng cao cung cấp cho các nhà máy, thị trường… tạo ra chuỗi SXNN, không ngừng nâng cao giá trị gia tăng trong phát triển sản xuất.

Từ đó, Quảng Trị đã hình thành được các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài, ngắn ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây sắn… gắn với công nghiệp chế biến, từng bước xây dựng các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý như tinh bột sắn Hướng Hóa, hồ tiêu Cùa, lạc Cam Lộ, ném Hải Lăng, cá hấp khô Cửa Việt, nước mắm Huỳnh Kế, cà phê Khe Sanh, cao su, lúa Bồ Đề…

Quảng Trị cũng đã từng bước giải quyết tốt an ninh lương thực, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn các loại cây con, đặc sản.

Trong các lợi thế trên thì lâm nghiệp Quảng Trị có lợi thế vô cùng lớn. Tỉnh Quảng Trị nằm ở khu vực duyên hải Bắc Trung bộ, có tổng diện tích tự nhiên hơn 473 ngàn ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp, kể cả diện tích có rừng chiếm gần 300 ngàn ha.

Vì vậy, lâm nghiệp chiếm một vị trí lớn về tài nguyên thiên nhiên. Nếu không phát huy được tiềm năng lâm nghiệp thì gây lãng phí tài nguyên và không phát huy được lợi thế của mình.

Trên cơ sở của sự phân tích đó chúng tôi quyết định chọn lâm nghiệp làm khâu đột phát trong tái cơ cấu SXNN để tạo ra lợi thế cạnh tranh mà điểm nhấn là chú trọng phát triển rừng FSC. Có nghĩa rằng phải lựa chọn để tạo ra lợi thế cho người sống với lâm nghiệp.

Trở lại câu chuyện Quảng Trị luôn quan tâm phát triển lâm nghiệp. Từ khi mới lập lại tỉnh độ che phủ của rừng chỉ đạt 19% đến nay sau 25 năm đã lên đến 49%, bình quân mỗi năm tăng lên 1%, cao hơn trung bình của cả nước.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng đi vào chiều sâu và nâng cao chất lượng. Quảng Trị tập trung thực hiện đổi mới các lâm trường quốc doanh theo tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị; ban hành nghị quyết về 3 loại rừng, thành lập các BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, chuyển đổi các lâm trường quốc doanh sang các Cty lâm nghiệp làm ăn hiệu quả.

Bức tranh lâm nghiệp Quảng Trị đã hình thành rõ với 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.

Cùng với đó, phong trào trồng rừng phát triển kinh tế lâm nghiệp trong nhân dân chuyển biến tích cực. Hộ gia đình hoặc nhóm hộ được giao đất sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn trồng rừng.

Từ chỗ rừng đơn thuần XĐGN, qua công tác khuyến nông và tuyên truyền vận động, người dân đã ý thức cao trong việc gắn phát triển sản xuất, kinh doanh với quản lý rừng bền vững nhằm tạo ra sản phẩm rừng có giá trị kinh tế cao… mà cụ thể phát triển rừng FSC được chúng tôi xác định là một hướng đi đúng đắn, cần tập trung đầu tư.

Phát triển lâm nghiệp với các khâu trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến, tiêu thụ xuất khẩu góp phần nâng cao giá trị và chất lượng nghề rừng có nghĩa là nâng cao giá trị SXNN, tạo thêm việc làm cho nông dân, giải quyết được vấn đề xã hội từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ba yếu tố này tác động tương hỗ lẫn nhau, khi giá trị kinh tế được tăng lên, chất lượng cuộc sống nông dân được cải thiện nhờ nghề rừng thì giữa sản xuất và phát triển ngày càng gắn kết hơn.

Nông dân Lê Biên Hòa đang đo kích thước cây rừng được cấp FSC (Ảnh: nongnghiep.vn)
Nông dân Lê Biên Hòa đang đo kích thước cây rừng được cấp FSC (Ảnh: nongnghiep.vn)

Mô hình đầu tiên ở Việt Nam

Trong mô hình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ gia đình, Quảng Trị được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đánh giá là địa phương tiên phong của Việt Nam, ông có thể cho biết rõ hơn về mô hình này?

Vào đầu tháng 7/2014, lần đầu tiên tại nước ta, những nhóm hộ có chứng chỉ rừng FSC tại Quảng Trị đã được lập hội và tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất.

Hôm đó, ông Huỳnh Tiến Dũng – Giám đốc WWF tại Việt Nam đánh giá cao sự thành công của việc đại hội thành lập tổ chức có tư cách pháp lý chính thức đại diện cho các hộ gia đình trồng rừng FSC đầu tiên tại Việt Nam ở Quảng Trị.

Trở lại câu chuyện rừng FSC, nhờ sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và kinh phí của WWF Việt Nam, năm 2007, Tổng cục Lâm nghiệp, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh triển khai thực hiện mô hình quản lý rừng trồng bền vững để cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ gia đình nông dân đã tham gia dự án trồng rừng Việt – Đức tại địa bàn 2 xã Trung Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.

“Để phát triển lâm nghiệp bền vững, hiệu quả và sớm nhân rộng mô hình, đề nghị Bộ NN-PTNT sớm ban hành bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam phù hợp với quốc tế để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện. Chính phủ sớm ban hành các chính sách khuyến khích người dân đầu tư trồng rừng, phát triển sản xuất, có chính sách phát triển công nghiệp chế biến gỗ từ rừng trồng, ưu đãi về thuế sử dụng đất đối với người trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm xuất khẩu, cần có chính sách bảo hiểm rủi ro đối với loại hình kinh doanh này” – (ông Nguyễn Văn Bài)

Đến năm 2010, mô hình được cấp chứng chỉ thời hạn 5 năm cho 316 ha rừng của 118 hộ gia đình thuộc 5 thôn của hai xã trên. Đây là mô hình quản lý rừng bền vững của nhóm hộ nông dân đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC.

Đến năm 2014, dự án tiếp tục mở rộng đến nhiều địa phương với 17 nhóm hộ của 8 xã tham gia. Hiện tại Quảng Trị có hơn 15.500 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó rừng hộ gia đình có hơn gần 1.000 ha, số còn lại của các Cty lâm nghiệp.

Nông dân Lê Biên Hòa ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, là người đầu tiên của Việt Nam làm rừng FSC. Lợi ích thiết thực nhất là trồng rừng theo kiểu hiện đại này bán giá cao hơn rừng thường từ 30 đến 50%.

Vừa rồi ông Hòa thu hoạch 10 ha rừng FSC bán hơn 2,1 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần trồng rừng truyền thống. Trong lúc đó chi phí ban đầu để trồng mỗi ha rừng hết 15 triệu đồng.

Rõ ràng, rừng FSC có lợi thế hơn rất nhiều so với các loại rừng trồng theo cách làm truyền thống. Ngoài việc đem đến nhiều lợi ích từ cải tạo môi trường, môi sinh, bảo vệ đất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trồng rừng, thì nhìn một tầm xa hơn, rừng FSC phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam, đến năm 2020 phải có 30% rừng trồng được cấp FSC.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đánh giá cao những kết quả của Quảng Trị đạt được trong việc phát triển rừng FSC.

Thực tế, mỗi năm tỉnh Quảng Trị trồng mới gần 6 ngàn ha rừng sản xuất và 1 ngàn ha rừng phòng hộ. Theo tính toán mỗi năm sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng Quảng Trị đạt gần 500 ngàn m3, gỗ nguyên liệu chủ yếu bán cho NM gỗ MDF trên địa bàn và làm gỗ dăm xuất khẩu, chưa có gỗ giá trị cao…

Ngành NN-PTNT Quảng Trị phấn đấu đến năm 2020 có hơn 42 ngàn ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC, trong đó rừng hộ gia đình chiếm 50%. Quảng Trị hiện có 75 ngàn ha rừng sản xuất, rừng của hộ gia đình đến 40 ngàn ha.

Nhà nước cần có chính sách tín dụng

Vậy đâu là những mâu thuẫn cần giải quyết để phát triển bền vững rừng FSC và đưa Quảng Trị trở thành mô hình điểm của cả nước?

Hiện tại trồng rừng FSC đòi hỏi có chu kỳ từ 9 đến 10 năm, trong khi đó trồng rừng truyền thống bán gỗ dăm chu kỳ 5 đến 6 năm.

Người trồng rừng đa số đang khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp nên đã có tình trạng ban đầu hăng hái tham gia vào nhóm chứng chỉ rừng nhưng khi kinh tế khó khăn họ xin rút lui để khai thác rừng bán giải quyết nhu cầu bức thiết của gia đình.

Khai thác rừng FSC tại xã Trung Sơn, huyện Gio Linh (Ảnh: nongnghiep.vn)
Khai thác rừng FSC tại xã Trung Sơn, huyện Gio Linh (Ảnh: nongnghiep.vn)

Cùng với đó, chi phí cho việc tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ định kỳ 5 năm/lần và đánh giá hàng năm khá cao nên các hộ gia đình gặp khó khăn về kinh phí để thuê chuyên gia đánh giá cấp chứng chỉ.

Trong lúc đó người dân khó tiếp cận các ngân hàng thương mại vay vốn trồng rừng. Vì vậy, đề nghị Nhà nước cần có chính sách tín dụng cho người trồng rừng FSC để họ có thêm điều kiện phát triển.

Xin cảm ơn ông!