ThienNhien.Net – Chúng ta phải có giải pháp mạnh như đình chỉ, thậm chí đưa ra tòa án thì mới có thể buộc nhiều nhà máy thủy điện tàn phá môi trường thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết của họ khi đầu tư xây dựng thủy điện” – ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV sau khi NTNN phản ánh tình trạng nhiều dự án thủy điện tại miền Trung – Tây Nguyên đang hủy hoại môi trường…
“Hội chứng quốc gia”
Thưa ông, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu vừa điểm mặt một loạt dự án thủy điện tại miền Trung, Tây Nguyên bức tử môi trường. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?
– Không phải ngẫu nhiên mà một loạt các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên lại lên tiếng phản đối các nhà máy thủy điện. Bởi một thời gian dài, việc xây dựng các nhà máy thủy điện diễn ra tràn lan, đặc biệt là các dự án thủy điện do tư nhân đầu tư và trở thành “hội chứng quốc gia” với những hậu quả rất khó lường. Giờ Chính phủ đã không cho đầu tư nữa và bản thân các địa phương cũng khiếp sợ vì thủy điện nên không cho đầu tư nữa cho nên số dự án thủy điện xây mới không còn nhiều. Nhưng chỉ với số thủy điện nhỏ do tư nhân đã và đang đầu tư thôi cũng đủ để tàn phá môi trường mà hậu quả đến hôm nay vẫn còn chưa giải quyết hết. Chúng ta khắc phục được một cách nghiêm túc cũng phải mất hàng năm trời.
Ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng nêu một thông tin đáng ngại là hầu như không có công trình thủy điện nào ở Quảng Nam được xác nhận đã hoàn thành công tác bảo vệ môi trường nhưng vẫn được vận hành?
– Không chỉ ở Quảng Nam phản đối thủy điện mà nhiều địa phương cũng phản đối bởi chúng ta đầu tư quá nhiều thủy điện nhỏ, lại không làm đến nơi đến chốn chứ sao. Cứ thử nhìn tỉnh Gia Lai, trong những năm tới, sẽ có ít nhất 92 công trình thủy điện nữa hiện hữu trên địa bàn tỉnh này cộng với 21 nhà máy thủy điện hiện nay. Hay trên lưu vực sông Ba có tới 65 bậc thang thủy điện trên dòng chính và chi, nhánh thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai. Người ta đã hình dung trong tương lai không xa sông Ba có thể sẽ biến mất, nhường chỗ cho ít nhất 65 hồ chứa thủy điện đặt cạnh nhau. So với các tỉnh duyên hải miền Trung – Tây Nguyên, Quảng Nam đứng đầu về số lượng công trình thủy điện với 62 dự án đã được phê duyệt, trong đó có 47 dự án đã thực hiện. Trong số này có những công trình báo động về mức độ hủy hoại môi trường và nguy cơ đe dọa cuộc sống của người dân. Chỉ 4 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và 2 tỉnh ở Tây Nguyên là Kon Tum, Đăk Nông đã có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ…
Thưa ông, cứ ở đâu có nhà máy thủy điện là người dân đều khổ. Tại sao điều này đến nay vẫn chưa giải quyết được?
– Thủy điện lớn bé đi đến đâu đều phá rừng cả. Vấn đề là đã phá rừng rồi thì phải tìm cách trồng lại rừng. Nhưng hầu hết các dự án thủy điện mới đầu tư vài năm trở lại đây do tư nhân làm đều không có tiền. Chủ đầu tư vay mượn nên không làm được. Có dự án thì chây ỳ không chịu làm, làm cho môi trường, đời sống người dân sau dự án thủy điện càng khó khăn. Thủy điện A Lưới đang ở trong tình trạng khủng hoảng sinh kế do người dân bị mất đất sản xuất chính là một dự án thủy điện do tư nhân đầu tư. Nhiều thủy điện nhỏ đầu tư lẫn trong khu vực đó đã nảy sinh rất nhiều chuyện. Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ không cho làm thủy điện nhỏ nữa. Chỉ thủy điện nhỏ bậc thang ở sông lớn mới còn cho làm, không là “cắt” hết.
Bài toán đau đầu
Dù đã “cắt” các dự án thủy điện gây hại, song hậu quả của một thời gian dài làm thủy điện bừa bãi vẫn chưa thể giải quyết?
– Nhiều dự án thủy điện được điểm tên đã và đang gây ra những hệ lụy đáng quan ngại. Chỉ nói việc các thủy điện nhỏ mới lũ đã sợ vỡ đập xả nước ào ào vì hồ chứa của họ chỉ có vài triệu m3 đổ lại nên người dân rất sợ việc xả nước, chưa nói đến trồng rừng hay lo sinh kế cho dân là xa vời. Đây là hậu quả của việc đầu tư thủy điện không bài bản, không ai giám sát. Nhiều dự án thủy điện trong số này chính là do các địa phương cho phép đầu tư chứ Chính phủ, Bộ Công Thương không cho. Giờ làm rồi các địa phương mới kêu khó. Kêu khó thì cũng khó có thể giải quyết ngay được. Nhiều dự án thủy điện chủ đầu tư đã bỏ cả nghìn tỷ, bỏ đi thì như thế nào mà cho đầu tư tiếp cũng không xong. Bài toán này đang làm đau đầu Chính phủ.
Vậy theo ông, phải có giải pháp như thế nào mới có thể “gỡ” được hậu quả từ việc đầu tư thủy điện tràn lan, tàn phá môi trường, đời sống người dân hiện nay?
– Hiện Chính phủ đã phân cấp cho các địa phương tiếp tục rà soát các dự án thủy điện. Cái nào bất ổn thì phải phân tích rõ, phá rừng thì buộc phải trồng lại rừng. Dự án nào cấp đất tái định cư thì buộc địa phương phải cấp đất tái định cư. Dự án nào di dời thì địa phương phải lo kinh phí di dời. Các chủ đầu tư dự án thủy điện đều phải làm cam kết. Nếu không làm đúng những giải pháp này thì phải có giải pháp mạnh hơn. Đó là đình chỉ dự án để chủ đầu tư phải chịu thiệt hại, thậm chí có thể đưa ra trọng tài, tòa án để buộc chủ đầu tư các dự án phải bỏ tiền làm đúng những gì đã cam kết. Tôi cho chúng ta vẫn chưa mạnh tay, nếu mạnh tay thì chủ các dự án thủy điện sẽ phải lo, phải giải quyết, không thể để người dân hứng chịu hết.
Xin cảm ơn ông!
Bộ NNPTNT đang nghiên cứu dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 157 ngày 11.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Cụ thể, Bộ đề xuất quy định xử phạt đối với người sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Bộ cũng đề xuất quy định xử phạt đối với chủ rừng khi cố ý giữ lại không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ, đúng hạn tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng. Mức xử phạt được đề xuất từ 500.000 đồng đến 500 triệu đồng tùy hành vi, mức độ vi phạm. |