ThienNhien.Net – Nỗi cơ cực mất nước sinh hoạt giáng xuống đầu hàng trăm hộ dân thuộc 2 xóm Ngò và Đồng Bục, xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Cạn kiệt
Thủ phạm “ăn cắp” nước sinh hoạt, sản xuất của nhân dân đã được Sở TN-MT Thái Nguyên xác định như sau: “Nguyên nhân mất nước là do Cty Than Khánh Hòa triển khai thi công đường lò rìa moong lộ thiên để khai thác từ năm 2010. Trong quá trình triển khai và thi công, đến tháng 9/2011, đã xuất hiện bục nước từ trong đường hầm chảy ra với lưu lượng rất lớn, khoảng 400 m3/giờ, gây nên hiện tượng mất nước trong khu vực”.
Sở TN-MT Thái Nguyên đã yêu cầu Cty Than Khánh Hòa dừng việc thi công để tìm biện pháp khắc phục, đồng thời có phương án giải quyết, hỗ trợ cho các hộ dân bị mất nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2012, việc thi công đường hầm lò khai thác than tại rìa moong lộ thiên vẫn tiếp tục được phía mỏ Khánh Hòa thực hiện trong khi chưa có biện pháp khắc phục đã dẫn đến bên cạnh việc mất nước là hiện tượng sụt lún, nứt đất tiếp tục xuất hiện.
Chấp thuận kết luận của Sở TN-MT Thái Nguyên, tháng 6/2012, Cty Than Khánh Hòa đã xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 267 hộ dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của lãnh đạo xã An Khánh và nhân dân địa phương thì đường nước sinh hoạt trên chỉ phục vụ được 2, 3 tháng đầu rồi tắc ngọp, tắt dần.
Nhiều hộ dân đã tháo đồng hồ đo nước, treo ống dẫn nước ngược cành cây. Đến nay, theo thống kê của UBND xã An Khánh, có 254 hộ dân bị mất nước sinh hoạt.
Cánh đồng làng Ngò màu mỡ, cánh đồng Chằm lầy thụt ở Đồng Bục bây giờ khô toác, nứt nẻ. Dân đào giếng khoan sâu hàng chục mét mà nguồn nước vẫn bặt vô âm tín. Cả làng nháo nhào, tất tả ngược xuôi tìm nguồn nước.
Mua nước giá cắt cổ
Dịch vụ bán nước sinh hoạt đã được người dân tạo ra để phục vụ chính bà con lối xóm của mình. Một chiếc xe tành tạch cõng trên mình một téc nước giếng chừng 700 – 800 lít được rao bán với giá ngất ngưởng là 70.000 – 80.000 đồng. Như vậy, cứ mỗi lít nước giếng có giá 100 đồng.
Xe tành tạch chạy đầu làng, cuối ngõ, đến cổng nhà, mọi người hè nhau ra đẩy. Mua được nước, gia chủ chưa kịp vui thì mặt mũi đã méo xệch vì phải bỏ ra ngót nghét cả trăm ngàn để trả.
Tại xóm Ngò, nơi có 190 hộ dân bị mất nước sinh hoạt, ông Trần Văn Chu cho biết, giá nước đắt quá, để tiết kiệm, như nhiều hộ dân khác, gia đình ông buộc phải thực hiện “3 không” gồm không máy giặt, không tự hoại, không chăn nuôi.
Ông Mâu Tiến Lĩnh cho biết, chăn nuôi thủy sản đương nhiên là không còn. Gia đình ông đang chăn nuôi chim cu và lợn nái nên không thể bỏ nghề. Để có nước sinh hoạt, ông đã phải mò sang tận xóm Đầm, nhờ đào giếng khoan rồi bắt đường nước vượt hàng trăm mét đồi dẫn về nhà. Mỗi tháng, ông Lĩnh phải trả tiền điện để bơm nước trên dưới 600 ngàn đồng.
Số tiền trên được ông Lê Văn Minh cho là còn dễ chịu hơn phải đi mua hằng ngày. Gia đình ông Minh đang xây dựng nhà mới. Mỗi ngày, ông phải mua 3 téc nước để phục vụ xây dựng. Vì ngày nào cũng mua 3 téc nên ông được ưu tiên lấy giá hữu nghị là 50.000 đồng/téc. Ông Minh than thở: “Các anh xem thế nào chứ dân chúng tôi khổ quá. Ai đời đi mua nước về cho vịt uống?”.
Chẳng chịu mua nước sinh hoạt với giá cắt cổ, ông Trần Văn Cảnh đã bỏ ra 20 triệu để mua một chiếc tành tạch và một téc nước. Mua tại gốc nên ông Cảnh chỉ phải trả giá 10.000 đồng/téc.
Xóm Đồng Bục có 54 hộ dân bị mất nước sinh hoạt. Cụ Dương Thị Hai mếu máo nói, tôi già rồi thì 2 đến 3 ngày mới dùng một ca nước để lau người. Nhưng còn con cháu chúng tôi, chúng sống thế này mãi sao được?
Sử dụng nước tiết kiệm triệt để, ông Trình Văn Hòa cho biết, dân đã học cách sử dụng như đồng bào ở cao nguyên đá hay lục khu là nước tắm thì để dành tưới rau, nước vo gạo để rửa rau, nước rửa rau lại dùng để cho trâu uống. Ông Hòa chán ngán nói “chúng tôi phải chắt chiu từng bát nước!”.
Nỗi cơ cực càng nhức nhối mỗi khi gia đình có việc lớn. Ông Nguyễn Đình Mạnh cho biết, con dâu ông sinh cháu, cứ 3 ngày, gia đình lại phải mua 2 téc nước. Đó là còn tuyệt đối không dám dùng máy giặt. Đối với những nhà có hiếu hỷ thì thật khốn khó. Dân làng phải mua bạt về làm hồ nhỏ, đổ đầy nước thì mới phục vụ đủ cho nhà đám.
Bế tắc
Ông Trương Văn Dũng (Chủ tịch UBND xã An Khánh, huyện Đại Từ) cho biết, ngoài mất nước sinh hoạt, việc khai thác tại mỏ than An Khánh còn làm 24 ha ruộng của nhân dân 2 xóm Ngò và Đồng Bục bị mất nước sản xuất. Mỏ cũng đã hỗ trợ sản lượng trong 2 vụ trước nhưng đến vụ xuân năm nay thì chưa thấy động tĩnh gì.
“Nhân dân vùng bị ảnh hưởng hiện đang cực kỳ khó khăn. Nếu mỏ còn mở rộng sản xuất thì nhân dân sẽ còn cực khổ” – ông Dũng nói. Hết lần nọ đến lần kia làm việc song bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Sự việc vượt ra ngoài khả năng của xã nên đề nghị các cấp khẩn trương xem xét, tìm giải pháp giúp nhân dân khắc phục khó khăn.