ThienNhien.Net – Tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu và nhiều quốc gia đang chú trọng áp dụng mô hình này vào thực tiễn.
Tuy nhiên, sự phát triển đó chỉ có thể bền vững nếu giải quyết được những thách thức của các đô thị. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường…
Để duy trì hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc xây dựng tư duy hệ thống trong phát triển đô thị tăng trưởng xanh là một trong những trọng tâm cần quan tâm đặc biệt.
Xu hướng toàn cầu
Theo tiến sỹ Nguyễn Quang – Trưởng đại diện UN-Habitat tại Việt Nam, tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng giúp biến những hạn chế về nguồn lực và ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên thành những cơ hội kinh tế giúp nâng cao tăng trưởng, giảm tác động xấu tới môi trường thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tăng đầu tư vào vốn tự nhiên.
Tăng trưởng xanh thúc đẩy phát triển kinh tế theo mô hình tiêu thụ, sản xuất bền vững nhằm bảo đảm nguồn vốn tự nhiên để có thể tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào cho hiện tại và cả tương lai.
Do đó, nhiều nước đã chọn Chiến lược Tăng trưởng xanh để theo đuổi và nó đã trở thành xu hướng toàn cầu – tiến sỹ Nguyễn Quang khẳng định.
Tại châu Á, từ năm 2008 Hàn Quốc là một trong những nước đi đầu trong thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh với mô hình phát triển cácbon thấp và tập trung vào giải quyết ba mấu chốt là thách thức của biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm và năng lượng.
Thực tế cho thấy, vấn đề môi trường rất cần được chú trọng chứ không nên chỉ tập trung vào tăng trưởng nhanh, nếu không cái giá phải trả còn lớn hơn cả những gì có thể đạt tới.
Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) cũng chỉ rõ, thị trường toàn cầu hóa sẽ đi theo chuỗi giá trị cung cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch, đầu tư được quy định nghiêm ngặt theo những nguyên lý bền vững. Khi ấy, tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cũng chung quan điểm này, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này.
Trên thực tế, tăng trưởng xanh và kinh tế xanh có quan hệ rất mật thiết với nhau. Kinh tế xanh được chứng minh là có hiệu quả về mặt dài hạn hơn hẳn kinh tế nâu (nền kinh tế khai thác và sử dụng nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại cho môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu và đe dọa cuộc sống con người).
Bởi vậy, nhiều quốc gia, nhất là khu vực Tây Âu và Ðông Á đã và đang đầu tư mạnh vào Chiến lược Tăng trưởng xanh. Điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh. Hiện cơ cấu của Trung Quốc là 35% và tỷ lệ này của Hàn Quốc lên đến 80%.
Tại các quốc gia này, hoạt động đầu tư được tập trung cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh…
Đặc biệt là Hàn Quốc đã có Luật khung về Tăng trưởng xanh, ít cácbon và hàng năm dành tới 2% GDP cho lĩnh vực tăng trưởng xanh – gấp đôi mức khuyến nghị của Liên hợp quốc.
Giải quyết thách thức
Các chuyên gia cho rằng giải pháp thông minh để giải quyết các thách thức trong phát triển đô thị hiện nay chính là hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh bởi nó sẽ đảm bảo tính bền vững, đồng thời duy trì hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển đô thị như ùn tắc giao thông, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường…
Cùng đó, việc mở rộng đô thị nhưng lại thiếu sự kiểm soát đã khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp, cộng với những tác động của biến đổi khí hậu đã khiến bất cập tại các đô thị bị đẩy lên đến đỉnh điểm.
Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình với hệ quả nhận được là sự úng ngập trước các đợt triều cường đang làm đau đầu chính quyền đô thị. Tuy nhiên, việc giải quyết những thách thức này không thể đem lại hiệu quả ngay tức thời mà phải xác định cần một quá trình để thẩm thấu.
Bởi vậy, nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các địa phương là phải quy hoạch phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông… một cách hợp lý với ưu tiên hàng đầu là giữ lại những mảng xanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước. Ngay cả trong hoạt động sản xuất cũng phải tính đến cách giảm tối đa việc sử dụng nhiên liệu để tránh ô nhiễm môi trường.
Trong một diễn đàn trao đổi về tăng trưởng xanh, cố vấn cao cấp Tổng thống Hàn Quốc là giáo sư, tiến sỹ Kim Do Nyun cũng đã từng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển vùng đô thị Seoul.
Theo Tiến sỹ Kim Do Nyun, quá trình phát triển đô thị không chỉ liên quan đến gia tăng về kinh tế và dân số mà còn bao gồm cả vấn đề môi trường, xử lý rác thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Do đó, mục tiêu phát triển các đô thị hiện nay là ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, phát triển gắn với bảo vệ môi trường. Khi chuyển đổi kinh tế, phải chú trọng phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ sáng tạo.
Cần xây dựng tư duy hệ thống
Để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, tiến sỹ Trần Quốc Thái – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng cần phải xây dựng tư duy hệ thống trong phát triển đô thị tăng trưởng xanh.
Nếu đô thị bền vững là mối quan hệ tổng hòa của ba yếu tố (kinh tế, môi trường và văn hóa-xã hội) thì đô thị tăng trưởng xanh là sự tiệm cận đến phát triển bền vững. Trong đó, tăng trưởng và phát triển kinh tế gắn với môi trường như một hướng ra cho mô hình tăng trưởng của đô thị.
Thông qua các hoạt động chính sách và chương trình của đô thị sẽ giảm thiểu được tác động bất lợi, ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính cũng như việc tiêu thụ tài nguyên tự nhiên… Bởi vậy, tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn của các đô thị mà trở thành nhiệm vụ trọng tâm cần phải đạt được, tiến sỹ Trần Quốc Thái phân tích.
Với vai trò là động lực phát triển kinh tế-xã hội của mỗi vùng, mỗi quốc gia, mô hình tăng trưởng của đô thị không thể không xem xét mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường xung quanh.
Yếu tố này ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển lâu dài và thịnh vượng của chính đô thị đó, đồng thời hiệu ứng lan tỏa tích cực. Không đô thị nào có thể tồn tại chỉ dựa trên việc cho thuê, xuất khẩu tài nguyên trực tiếp hay gián tiếp và trông chờ nhận nguồn phân bổ ngân sách từ Chính phủ.
Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng về nhu cầu nhà ở, cơ sở hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống, thực hiện các trách nhiệm chung với cộng đồng và quốc tế, các đô thị Việt Nam không thể tự bằng lòng với những kết quả của sự ổn định và tăng trưởng ban đầu.
Chính vì vậy, trước xu hướng tác động của toàn cầu hóa đòi hỏi các đô thị Việt Nam phải có tầm nhìn, kế hoạch dài hạn, xây dựng cơ sở bền vững cho sự tăng trưởng dựa trên động lực mang tính cạnh tranh cũng như có hiệu suất cao.
Tiến sỹ Trần Quốc Thái cũng chỉ ra 6 yếu tố cần được quan tâm bao gồm quy hoạch, quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, động lực tăng trưởng, quy mô đô thị và khả năng tự chủ về tài chính.
Song hành cùng đó là 6 lĩnh vực hoạt động và chính sách nhằm giảm thiểu các tác động đối với môi trường như quy hoạch sử dụng đất nhằm giảm thiểu yêu cầu di chuyển qua lại trong đô thị và khuyến khích sử dụng hiệu quả các khu vực đất đã khai thác; khuyến khích giao thông công cộng tại đô thị nhất là hình thức giao thông không phát thải; xây dựng công trình sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; tiêu thụ năng lượng; tái sử dụng, tái chế rác thải; sử dụng tiết kiệm và chống thất thoát, thất thu nước sạch.
Mặc dù đô thị Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập nhưng cũng có nhiều điểm mạnh và lợi thế riêng mà đặc biệt là khả năng ứng xử linh hoạt để thích ứng với những thay đổi.
Do đó, nếu có tư duy đúng, lộ trình phù hợp và những giải pháp sáng tạo, đô thị tăng trưởng xanh được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.