Những kiểm lâm ở vùng sinh quyển Cần Giờ

ThienNhien.Net – Với diện tích lên đến hơn 70.000 héc-ta, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TP. HCM) từ lâu không chỉ được coi là lá phổi xanh của thành phố mà ở đó còn là nơi lưu giữ hàng ngàn những loài động thực vật, với nhiều loại gen quý, nằm trong sách đỏ của thế giới cần được bảo tồn. Nơi đó có những cán bộ chiến sỹ kiểm lâm và người dân vẫn ngày đêm canh giữ sự yên bình, màu xanh bất tận của dải đất bán ngập này.

Rừng Cần Giờ (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Rừng Cần Giờ (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Hồi sinh vùng đất chết

Nằm giáp ranh với 4 tỉnh là Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang nhưng thực tế, số lượng những chiến sỹ kiểm lâm ở đây chưa tới 40 người. Nghĩa là, theo lời của anh Phùng Gia Hưng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cần Giờ thì mỗi kiểm lâm viên ở đây phải có nhiệm vụ bao quát, nắm bắt địa bàn rộng tới gần một ngàn héc-ta.

Anh Phia, một kiểm lâm viên ở Hạt Lý Nhơn cho biết: Công việc thường xuyên của anh em trong hạt là rong ghe đi trong những con sông, kênh rạch và xuyên rừng để tuần tra. Ngày nắng còn đỡ chứ mùa mưa như hiện nay, công việc cực nhọc và nguy hiểm lắm. Bốn bề là sông nước, rừng hoang nên chỉ có một sự cố nào, dù nhỏ nhất cũng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.”.

Cách đây chừng vài chục năm, khi đất nước mới thống nhất, hầu hết những cánh rừng ngập mặn ở vùng Cần Giờ đã bị bom đạn xới nát, khiến chúng từng được coi là rừng chết. Chia sẻ về chuyện này, ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi kiểm lâm TP. HCM nhớ lại: Những năm 1980, nhận thấy nhiệm vụ cấp bách là phải khôi phục lại toàn bộ hệ thống rừng ngập mặn ở Cần Giờ nên chính quyền thành phố đã giao nhiệm vụ cho anh em kiểm lâm bằng mọi cách phải hoàn thành. Tuy nhiên, vì Cần Giờ là vùng bán ngập, khi thủy triều dâng lên, hầu hết mọi thứ bị nhấn chìm nên trách nhiệm phủ xanh lại rừng đối với những người kiểm lâm ngày đó là vô cùng khó khăn, vất vả. Nhiều khi cây mới trồng xong, nước triều dâng lên, sóng biển ập vào cuốn trôi hết cả công sức của anh em. Những lúc như vậy mọi người chỉ biết nhìn nhau lặng lẽ khóc. Thế nhưng, vượt qua tất cả khó khăn, chỉ trong vòng gần hai mươi năm, tới năm 2000, cả một vùng rộng lớn đã được phủ xanh bởi những cây đước, cây bần, cây trang… biến rừng Cần Giờ từ một vùng đất chết trở thành khu Dự trữ sinh quyển của thế giới, đem lại lợi ích thiên nhiên và môi trường lớn cho hàng chục triệu người dân thành phố.

Hiện nay, ngoài việc gìn giữ màu xanh bất tận của rừng, nhiều khu bảo tồn động thực vật phong phú cũng được những cán bộ kiểm lâm thực hiện, vừa nhằm mục đích phát triển sự đa dạng của môi trường, hệ động thực vật cũng như phục vụ mục đích tham quan du lịch của đông dảo người dân. Đó là khu bảo tồn đảo khỉ, khu bảo tồn chim, khu bảo tồn cá sấu hay những khu bảo tồn cây đước, cây sác…khác cũng được duy trì và phát triển.

Các cán bộ chiến sỹ kiểm lâm Cần Giờ đang xử lý vi phạm (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Các cán bộ chiến sỹ kiểm lâm Cần Giờ đang xử lý vi phạm (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Những bóng người thầm lặng

Sẽ vô cùng thiếu sót nếu chỉ nói rằng, công sức để khôi phục, gìn giữ và bảo tồn rừng Cần Giờ là của những chiến sỹ kiểm lâm. Thời gian qua, có hàng trăm hộ dân ở các xã An Thới Đông, Lý Nhơn, Long Hòa cũng chung tay, tham gia vào công việc khó khăn này. Từ những năm 1990 đã có hàng chục hộ dân ở trên địa bàn tình nguyện vào sinh sống ở trong vùng lõi của rừng với lợi ích nhỏ nhoi là có thể khai thác, đánh bắt những loài thủy hải sản trong rừng, cùng một chút ít tiền phụ cấp của chính quyền địa phương. Có thể nói, với những người sinh sống ở vùng bán đảo Cần Giờ đã gặp vô vàn khó khăn về sinh hoạt, giao thông chứ chưa nói đến những hộ dân sinh sống trong rừng. Thế nhưng, với tình yêu và trách nhiệm, cùng một chút nỗi niềm với màu xanh của rừng quê hương, họ đã vượt qua tất cả. Dần dà, nhiều hộ dân khác cũng xin vào sinh sống trong rừng, để cùng nhau chung tay bảo vệ và phát triển, làm giàu thêm một màu xanh bất tận nơi đây.

Những hộ dân tham gia giữ rừng (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Những hộ dân tham gia giữ rừng (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Bà Tám, 66 tuổi, một người từng là thanh niên xung phong, đã nhiều năm gắn bó với rừng tâm sự: “hồi mới nhận giữ hơn hai trăm héc-ta rừng, nhiều người thân cứ bảo tôi gàn, làm sao mà coi nổi. Thân là phụ nữ, lại nuôi ba đứa con thơ dại, sống giữa rừng sâu nước độc như thế, đêm hôm biết xoay xở ra làm sao.”. Vậy nhưng ý đã quyết, không quản ngại vất vả, ngày ngày bà Tám bám vào từng vạt rừng để sinh sống. Ban ngày đi đánh bắt tôm cá, cua ốc trên những nhánh sông ở đây, ban đêm lại giong ghe chạy đi kiểm tra xem có lâm tặc phá rừng hay không. Mấy chục năm trời đằng đẵng như vậy, bao vất vả gian nan cũng đã qua cùng sự trưởng thành của các con. Hiện nay, mặc dù đã già, không còn đi rừng như trước nữa bà Tám chuyển nhiệm vụ gìn giữ rừng cho người con trai thứ 2 để họ vừa nuôi trồng thủy sản, vừa tiếp tục sự nghiệp bảo vệ những cánh rừng nơi đây. Dưới những cánh rừng, đã có rất nhiều những gia đình nông dân mà nhiệm vụ giữ rừng được truyền đời như thế. Vì vậy, tin rằng, ngay cả trong tương lai, dù vấn đề an ninh môi trường và biến đổi khí hậu có diễn ra phức tạp đến nhường nào thì những cánh rừng ở Cần Giờ vẫn mãi mãi giữ được một màu xanh bất tận như hiện nay.