ThienNhien.Net – Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Vận hành hợp lý liên hồ chứa giảm lũ cho hạ du – Trách nhiệm và thách thức” do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, UBND tỉnh Bình Định và báo Lao động phối hợp tổ chức ngày 31/10.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng phân tích, các quy trình vận hành thủy điện ở miền Trung đều dựa trên quy trình vận hành của Thủy điện Hòa Bình và các thủy điện trên các lưu vực sông lớn, nơi công tác dự báo đạt được mức độ chính xác rất cao do có nhiều trạm đo mưa, mực nước và dự báo lượng mưa trên lưu vực được chính xác. Trong khi đó, các hồ chứa thủy điện miền Trung có đặc điểm là lưu vực sông nhỏ, rất ít trạm quan trắc, nằm ở vùng núi cao, hiểm trở, độ dốc sông rất lớn, mức độ tập trung nước rất lớn làm cho quá trình lũ khác xa với các sông lớn. Bên cạnh đó, đường lũ lên gần như dựng đứng khiến lưu lượng tăng đột biến trong một thời gian ngắn.
Ông Thắng nêu dẫn chứng, năm 2013, tại Thủy điện Đăk Mi 4, thời gian mưa gây lũ là 6 giờ 30 phút, nhưng chỉ 2 giờ sau khi bắt đầu mưa đã xuất hiện đỉnh lũ tại hồ Đăk Mi 4. Điều này nói lên đặc điểm lũ ở miền Trung là rất khốc liệt, rất phức tạp và khó lường, khó dự báo. Thậm chí có sự sai khác vô cùng lớn giữa dự báo và thực tế cả về thời gian lũ, thời điểm xuất hiện đỉnh lũ và lưu lượng lũ. Trong khi đó, bản chất việc xây dựng quy trình vận hành là dựa vào dự báo. Điều này sẽ dẫn tới hệ lụy là gây ra hiện tượng “lũ chồng lũ”.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong vận hành liên hồ là phải có đầy đủ thông tin dự báo diễn biến mưa lũ, thông tin về tình trạng ngập lụt ở hạ lưu. Nếu thiếu các thông tin này, các hoạt động vận hành liên hồ sẽ mất phương hướng. Bà Hà đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT có hướng dẫn và hỗ trợ cụ thể, nhất là trong lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, xây dựng các bản đồ ngập lụt vùng hạ du.
Về phía cơ quan làm công tác dự báo, ông Đinh Phùng Bảo, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho biết, việc thực hiện các nhiệm vụ dự báo còn gặp một số khó khăn do mạng lưới trạm quan trắc còn quá thưa, chưa đáp ứng đầy đủ cho việc giám sát cũng như dự báo dòng chảy về hồ trong mùa mưa lũ; hệ thống trạm quan trắc mưa tại một số hồ chứa chưa được đầy đủ, kỹ thuật quan trắc, truyền tin phục vụ dự báo còn chưa đồng bộ cũng đã gây không ít khó khăn cho dự báo thủy văn.
Để khắc phục, giảm bớt những khó khăn, tồn tại trong công tác dự báo, vận hành liên hồ chứa, ông Nguyễn Văn Vỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung Tây Nguyên đề xuất, cần bổ sung, tăng dày các trạm đo mưa, đảm bảo giám sát được toàn bộ lượng mưa của lưu vực, nhất là vùng thượng lưu hệ thống các sông và thượng lưu các hồ chứa, nhằm khống chế được lưu lượng về các hồ và lưu lượng xả xuống hạ lưu.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, cần tiến tới xây dựng quy trình vận hành theo thời gian thực trên cơ sở của các mô hình dự báo phù hợp với đặc điểm riêng khác biệt của mưa lũ khu vực. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh với các chủ dự án thủy điện trong quá trình ra quyết định vận hành; trao đổi, cung cấp cập nhật thông tin liên tục trong quá trình lũ để có những quyết định vận hành hiệu quả nhất.
Còn theo ông Đinh Phùng Bảo, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Trung Trung Bộ, các hồ chứa cần xây dựng mạng lưới trạm quan trắc mưa, dòng chảy đầy đủ, phân bố phù hợp trên lưu vực, đảm bảo cho việc giám sát tình hình mưa cũng như cung cấp thông tin cho công tác dự báo dòng chảy về hồ, tình hình lũ tại hạ du.
Lũ hạ du các hồ thủy điện hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào quá trình dòng chảy từ các hồ đổ về. Vì vậy, các hồ chứa cần phải cung cấp chính xác, chi tiết và kịp thời về lưu lượng xả, chạy máy cho các đơn vị dự báo lũ. Khi có sự thay đổi lưu lượng xả đã dự kiến, cần phải thông tin ngay cho đơn vị dự báo lũ và các đơn vị liên quan.
Kết thúc hội thảo, Ban tổ chức đã rút ra 5 vấn đề cần làm trước mắt để thực hiện tốt quy trình vận hành liên hồ. Đó là: Tiếp tục đầu tư, nâng cao công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ; tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp, một tổ chức điều phối chung làm nhiệm vụ quản lý, vận hành các hồ chứa cho từng lưu vực sông, các địa phương phải tiếp tục đánh giá qua các đợt lũ lớn và các cơ quan ngành chức năng Trung ương phải giúp địa phương hoàn thành quy trình vận hành hồ chứa; tăng cường nhân lực tham mưu cho lãnh đạo địa phương phụ trách công tác vận hành liên hồ; tiếp tục phối kết hợp để đầu tư cho các hoạt động trao đổi thông tin kịp thời, đầu tư cho các hoạt động cảnh báo sớm mưa lũ, nâng cao nhận thức về thiên tai bão lũ cho người dân; tổ chức diễn tập và vận hành thử quy trình vận hành lũ để nhận ra các tồn tại, bất cập và cập nhật các bất cập trong quá trình vận hành để đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh.