ThienNhien.Net – Nạn phá rừng làm rẫy đang khiến cho diện tích rừng đầu nguồn của xã Diên Tân (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) bị tàn phá không thương tiếc…
Những cánh rừng bị tàn phá
Vào một ngày cuối tháng 10, theo hướng suối Đá Mài, chúng tôi lên đường vào rừng Diên Tân. Băng qua con dốc đầu tiên, thấy một bên là mía lên cao, một bên là bãi đất trống, anh Lê Văn T. (thôn Láng Nhớt) đi cùng chúng tôi cho biết, trước kia không ai cho phép làm rẫy ở đây nhưng hiện nay đất này là của đồng bào dân tộc thiểu số đang làm rẫy. Qua con dốc thứ hai, chúng tôi lại thấy các rẫy chuối, bắp mọc xanh tươi mà không hề thấy cây rừng. Gần tới đỉnh con dốc thứ ba, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng đang dọn rẫy chuối xanh tốt. Trò chuyện được biết, cặp vợ chồng này làm rẫy đã 2 năm nay. “Làm rẫy bây giờ có ăn lắm, không bị lỗ như trồng mía. Tôi có gần 4ha, trong đó hơn 1ha đất mới phát đốt chưa kịp trồng chuối. Dịp Tết vừa rồi tôi thu được 140 triệu đồng tiền bán chuối”, người đàn ông khoe. Khi chúng tôi hỏi phát rẫy có bị lực lượng Kiểm lâm kiểm tra không, anh ta thản nhiên nói: “Thỉnh thoảng có nhưng mình lánh mặt đi họ không làm gì được”.
Vượt qua rẫy chuối trên, chúng tôi leo lên gần đỉnh núi. Tại khu vực này, loang lổ dấu vết của cây rừng mới bị đốt, đất vương màu tro. Tiếp tục đi qua bên kia đỉnh núi, men theo con đường mòn có tên là suối Cây Xoài, chúng tôi phát hiện thêm một số diện tích rừng bị phát đốt, trơ trọi những gốc cây to, đường kính vài chục centimet, thân cháy đen nhẻm. Dưới chân dốc dòng nước ri rỉ chảy ra. Anh T. cho biết, nạn phá rừng làm rẫy đã khiến nguồn nước cạn kiệt, không dồi dào như trước. Nhìn về phía đối diện, chúng tôi thấy những vạt rừng chồi mới nhú lên – dấu vết của những nương rẫy bỏ hoang.
Ông H. – một người dân của xã Diên Tân cho biết, nếu đi theo con đường mòn từ hồ Láng Nhớt qua các địa danh như Đon 1, Đon 2 (tên cũ của đường lâm nghiệp trước đây), Đường Reo rồi đến Thác Đổ sẽ thấy rừng còn mất nhiều hơn. Theo ông H., tại các cánh rừng đầu nguồn, lực lượng Kiểm lâm có đánh dấu đỏ phân biệt khu vực cấm, không được phát, đốt, nhưng người dân vẫn ngang nhiên phá bỏ các chỉ dấu này, tự ý phát nương, làm rẫy. Cái lợi từ việc phá rừng làm rẫy đã khiến nhiều người dù biết sai vẫn làm khiến rừng ngày càng bị tàn phá. Điều đáng nói, đất trồng chuối chỉ duy trì được 1 – 2 năm đầu, sau đó rẫy chuối cỗi, người ta lại phá rừng làm rẫy mới.
Ảnh hưởng đến sản xuất
Khi hỏi những người dân trong xã vì sao phải làm ruộng vụ lỡ, ai cũng cho rằng do nạn phá rừng đầu nguồn làm cạn kiệt nguồn sinh thủy. Ông C.X, một người dân thôn Đá Mài ấm ức mãi chuyện phá rừng làm rẫy dẫn đến thiếu nước sản xuất. “Vùng ruộng Đá Mài dành cho đồng bào dân tộc thiểu số rộng 8ha năm nay đành bỏ hoang vì hồ Cây Sung không đủ nước tưới. Năm ngoái, hạn cuối vụ, 1 sào ruộng của tôi bị thiếu nước, lúa không kết hạt được, bình thường cắt được 14 – 15 bao nhưng lúc đó chỉ được 5 – 6 bao”, ông C.X nói. Còn anh C.T, người dân tộc Raglai sống ở thôn Đá Mài cho hay, từ ngày về ở tại thôn Đá Mài (1997) đến nay, chưa bao giờ anh thấy mực nước hồ xuống thấp như thế. Không có nước sản xuất, những người như anh phải đi làm thuê, làm mướn bằng các công việc xịt thuốc, làm cỏ mía, trồng keo… kiếm sống qua ngày.
Hồ Cây Sung và hồ Láng Nhớt là 2 hồ chứa nước nằm trên địa bàn xã Diên Tân, đảm đương nhiệm vụ tưới cho gần 100ha lúa nước 2 vụ trên địa bàn. Ngoài ra, hồ Láng Nhớt còn cung cấp nước tưới cho các xã khác. Theo một số người dân ở đây, vào thời điểm này mọi năm, mực nước hồ đã lên cao, ngập cả bãi rộng không thể đi được. Vậy mà 2 năm trở lại đây, dù đã vào mùa mưa, mực nước các hồ vẫn còn tụt dưới đáy, thấp hơn cả tấm đan ở cửa cống tràn.
Ông Nguyễn Thành Sanh, nhân viên quản lý hồ Cây Sung thừa nhận: “Rừng bị tàn phá, nước về hồ giảm dần, cộng với thời tiết khô hạn khiến các hồ không đủ nước tưới, phải giảm 50% diện tích chuyển sang làm lúa Hè Thu muộn”. Ông Đặng Thanh Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Cầu Đôi (Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa) cũng cho hay, hạn hán làm cho diện tích sản xuất phải chuyển từ Hè Thu chính vụ sang vụ nhỡ, chờ mưa. Nguyên nhân không chỉ do thời tiết, mà còn do rừng đầu nguồn bị tàn phá.
Có nên giao đất trồng rừng?
Chỉ vào mảng màu trắng ở giữa tấm bản đồ lâm nghiệp xã Diên Tân, ông Hoàng Trung Sỹ, Trưởng trạm Kiểm lâm Diên Thọ (Hạt Kiểm lâm Diên Khánh) cho biết, đây là tiểu khu 225 có sự phối hợp quản lý của các bên, trong đó UBND xã Diên Tân quản lý hơn 16ha rừng thuộc trạng thái IC (rừng cây tái sinh). “Tiểu khu 225 nằm ở khu vực vùng đệm giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà và xã Diên Tân nên đây là khu vực nhiều bên cùng quản lý. KBTTN Hòn Bà, Kiểm lâm Diên Thọ và xã Diên Tân thường xuyên tổ chức các hoạt động phối hợp, tuần tra 4 – 5 lần/tháng. Tuy nhiên, công tác này gặp nhiều khó khăn, vì hễ thấy bóng lực lượng Kiểm lâm, người dân lại lẩn trốn nên không thể lập biên bản vi phạm. Xã Diên Tân nhiều lần mời đối tượng vi phạm lên làm việc, yêu cầu khôi phục lại rừng nhưng rất hạn chế, đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu”, ông Sỹ nói.
Đem những thắc mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đến những người có trách nhiệm tại UBND xã Diên Tân, chúng tôi được ông Lê Văn Đồng, cán bộ lâm nghiệp xã cho biết, rừng mà người dân chiếm dụng thuộc đất lâm nghiệp, chỉ một phần nhỏ xâm hại tới diện tích rừng phòng hộ. “Chính việc quy hoạch trồng rừng cho xã theo Dự án 147 và các dự án khác đã phát sinh việc phá rừng làm rẫy. Nếu không giao đất trồng rừng thì không có chuyện rừng bị phá. Được giao đất người dân cứ thế lấn tới, trở thành chuyện đã rồi, địa phương không thể ngăn chặn”, ông Đồng nói.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Diên Tân cho hay, mấy năm trước, xã có nhận hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ 500ha rừng với kinh phí 25 triệu đồng/năm nên rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Sau này, kinh phí bị “cắt” do sai chức năng. Hiện giờ, do thiếu kinh phí, xã chỉ biết lấy ngân sách chi thường xuyên ra triển khai nên công tác này gặp nhiều khó khăn. Ông Hạnh cũng cho rằng, huyện không nên quy hoạch cho xã trồng rừng bởi như vậy dễ phát sinh nạn phá rừng, dẫn tới hệ lụy làm suy kiệt nguồn sinh thủy cho các hồ chứa, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp…
Dù thế nào thì việc mất rừng tại xã Diên Tân đã và đang diễn ra, uy hiếp khu vực vùng đệm của KBTTN Hòn Bà và vùng rừng đầu nguồn các hồ chứa. Thiết nghĩ, các cấp, ngành cần có giải pháp khẩn cấp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này. Tuyệt đối không quy hoạch trồng rừng tại đây bởi sẽ là cái cớ cho nạn phá rừng phát triển. Tiểu khu 225 phải được giao hẳn cho một đơn vị quản lý, bảo vệ và được tăng cường kinh phí, nhân lực. Có như vậy mới hy vọng, rừng đầu nguồn Diên Tân được phục hồi.