ThienNhien.Net – Ngày 30/10, các tổ chức hảo tâm hàng đầu quốc tế đã cam kết ủng hộ 3 tỷ USD để cứu biển Aral (Hàm Hải) đang dần biến mất, vốn bị coi là một thảm họa sinh thái tồi tệ nhất do con người gây ra.
Sau hội nghị quốc tế hai ngày tại thị trấn Urgench (Uzbekistan), các quan chức cho biết số tiền trên sẽ được dùng để cải thiện tình hình kinh tế-xã hội, y tế và sinh thái cho ba nước ven biển Aral gồm Uzbekistan, Kazakhstan và Turkmenistan. Quỹ quốc tế về Bảo vệ biển Aral, Chính phủ Uzbekistan và một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) đã cùng ký kết các văn bản liên quan.
Phó Thủ tướng thứ nhất của Uzbekistan, Rustam Azimov cho biết các bên đã ký gói văn kiện trị giá 3 tỷ USD để hỗ trợ giảm nhẹ hậu quả từ việc dần biến mất của biển Aral, ảnh hưởng xấu tới đời sống của 67 triệu người dân khu vực Trung Á.
Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov đã kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế các chuyên gia và nhà hảo tâm nhằm tăng cường hỗ trợ chống lại những hậu quả nghiêm trọng từ sự biến mất của biển Aral, từng là hồ nước lớn thứ tư thế giới.
Theo các chuyên gia, mỗi năm có tới 75 triệu tấn bụi và muối độc đã bị “bơm” vào bầu khí quyển từ đáy biển khô cạn, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người. Ngoài ra, khu vực này cũng đã mất hơn một nửa nhóm gene của các quần thể động thực vật.
Trong nhiều thế kỷ, người dân ở khu vực Trung Á đã sử dụng hiệu quả nước từ biển Aral cho hoạt động nông nghiệp, nhưng đáng tiếc là hồ nước khổng lồ hình thành cách đây 5,5 triệu năm này đang biến mất với tốc độ đáng quan ngại trong thời gian qua mà nguyên nhân chủ yếu là do tác động của con người trong thập niên 60 của thế kỷ trước làm thay đổi dòng chảy hai con sông cung cấp nước cho vùng hồ là Amu Darya và Syr Darya.
Giới chuyên gia cảnh báo biển Aral sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2020.