ThienNhien.Net – Thờ ơ và né tránh, chính quyền và chủ đầu tư cứ nhùng nhằng. Báo cáo với tỉnh, Trung ương được UBND huyện Đắc Glong viết trơn tru.
Dự án tái định cư công trình thủy điện Đồng Nai 3 đang để lại những vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Sẽ càng phức tạp hơn khi mà chính quyền địa phương và đơn vị liên quan đang cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Điều này cũng đang tạo ra mối nghi ngờ và gây bức xúc trong dư luận ở tỉnh Đắc Nông.
Điều bức xúc nhất của dư luận ở Đắc Nông là vụ án hành chính giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Thuận và UBND huyện Đắc Glong. Dẫu đã có phán quyết của Tòa phúc thẩm, nhưng không thể thực thi được vì UBND huyện không chấp hành. Điều này, không chỉ gây thêm sự thiệt thòi cho Công ty Nam Thuận mà cán bộ, viên chức ngành tư pháp và giới luật sư tỉnh Đắc Nông cũng đang bày tỏ sự nghi ngờ. Nhiều câu hỏi đặt ra là vì sao? Tập thể hay hay người đứng đầu? Và có ai bao che không mà UBND huyện Đắc Glong lại đứng ngoài pháp luật? Luật sư Lương Minh Khang, Trưởng Văn phòng luật sư Khang Huy, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắc Nông thừa nhận: “Tại bản án 01, ngày 22/1/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắc Nông đã hủy một phần quyết định hành chính đối với UBND huyện Đắc Glong mà cụ thể là quyết định 2812, là quyết định phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư diện tích đất của Công ty Nam Thuận. Lẽ ra thực hiện bản án này, UBND huyện Đắc GLong phải tiến hành làm lại công tác bồi thường, là xem xét về công trình xây dựng và tài sản trên đất, thực tế thế nào thì làm thủ tục trình tự để bồi thường. Nhưng UBND lại ban hành một quyết định hành chính trái pháp luật khác. Cho rằng, thực hiện bản án và để thu hồi phần tiền là hơn 1,6 tỷ đồng. Cho nên vụ án kéo dài từ năm 2009 đến nay là 5 năm rồi mà dừng ở đó”.
Do khiếu kiện ngày càng phức tạp, cuộc sống người dân tái định cư ở Đắc Plao càng khó khăn thêm và có nguy cơ gây mất ổn định, nên ngày 17/4/2014 Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có công văn số 933, gửi Tập đoàn điện lực Việt Nam, yêu cầu chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết tồn tại trong việc bồi thường tái định cư; thanh tra việc đầu tư khai hoang, xây dựng công trình nước sinh hoạt dẫn tới những khó khăn kéo dài cho các hộ tái định cư.
Tiếp đến, ngày 22/5/2014, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên lại có công văn số 956 gửi Tập Đoàn Điện lực Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắc Nông về việc giải quyết tồn tại dự án thủy điện Đồng Nai 3.
Công văn chỉ rõ 8 việc cần phải làm và thời hạn hoàn thành từng việc cụ thể. Trong đó, yêu cầu việc giải quyết tranh chấp bồi thường phải thực hiện xong trước ngày 15/6/2014. Vậy mà, cho đến nay, vẫn chưa một việc nào được ngành điện lực và địa phương thực hiện.
Trên cứ bảo nhưng dưới vẫn cứ không nghe. Mới đây, ngày 21/8/2014, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đắc Glong ký giấy mời số 40/GM-TTPTQĐ, gửi ông Lê Khắc Thuận và ông Phạm Minh Tâm, đến Trung tâm vào lúc 8h30 ngày 28/9/1014 (chủ nhật), để giải quyết việc liên quan công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư Đắc Plao. Do sốt sắng với công việc? vì quan liêu? hay có gì thiếu minh bạch mà ông Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đắc Glong mời đương sự đến trụ sở giải quyết việc công vào ngày chủ nhật? Ông Lê Khắc Thuận cho biết, ông nhận giấy mời của ông giám đốc Thái gửi, nhưng vì bệnh tim tái phát, không đến được nên cáo ốm.
Ngày 1/10/2014, sau khi báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông Lê Diễn về tình hình khiếu kiện và những thắc mắc của nhiều hộ dân ở xã Đắc Plao, nhóm phóng viên Đài TNVN đã đăng kí làm việc với Chủ tịch UBND huyện Đàm Quang Trung, nhưng ông không tiếp mà giao cho ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đắc Glong.
Tại đây, khi phóng viên hỏi về việc đền bù hỗ trợ dân vùng lòng hồ mấy năm trước ông Thái tuyên bố thẳng thừng là: Trung tâm này mới thành lập tháng 7/2011, nên ông không có trách nhiệm với cơ quan tiền nhiệm và với những việc làm của người tiền nhiệm. Ông nói: “Trước đây tôi không biết và không nghiên cứu về chức năng nhiệm vụ của đơn vị trước đây. Tôi chỉ nghiên cứu về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị”…
Ông Thái, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đắc Glong: “Tôi không có trách nhiệm về việc làm của cơ quan tiền nhiệm”.
Thế nhưng, khi nhóm phóng viên trở lại UBND huyện Đắc Plong để hỏi rõ ngọn nguồn, ông được Phạm Đặng Quang, Phó Chủ tịch huyện khẳng định: Tất cả hồ sơ, tài liệu, sự việc liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ dự án định canh Đắc Plao hiện đều do Trung tâm Phát triển quỹ đất nắm giữ.
Trung tâm này có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện giải quyết các về vấn đề liên quan đến giải tỏa hỗ trợ, đền bù. Sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm với dự án tái định cư Đắc Plao, với cuộc sống của người dân trong vùng dự án này đã tồn tại trong thời gian dài, khiến việc khắc phục hậu quả càng thêm nan giải.
Ông Trần Thanh Hà, Phó Trưởng phòng bồi thường giải phóng mặt bằng Ban quản lý dự án thủy điện 6 thừa nhận: “Ở đây, sự phối kết hợp giữa đơn vị chủ dự án và đia phương chưa chặt chẽ, dẫn đến những vấn đề không đáng có. Thực trạng ở đây có nhiều vấn đề nảy sinh phức tạp, trong đó có cả vấn đề một số kẻ cơ hội muốn lợi dụng chính sách đền bù để trục lợi. Sau khi ra quyết định số 34 đền bù 15 tỷ đồng, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã có ý kiến bằng văn bản chính thức. Như vậy sau khi có ý kiến, UBND huyện đã có quyết định điều chỉnh còn 11 tỷ, chúng tôi sẽ chi trả”.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông cũng cho rằng, việc định canh, định cư ở xã Đắc Plao đã nảy sinh rất nhiều bất cập. Bà nói: “Đoàn đại biểu Quốc hội đã nắm bắt được tình hình và phản ánh lên Quốc hội cũng như chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo cơ quan chức năng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại. Nhưng đến nay cũng chưa giải quyết được mọi vấn đề. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát”.
Thờ ơ và né tránh. chính quyền và chủ đầu tư cứ nhùng nhằng. Chắc chắn về sản lượng điện, việc thu hồi vốn, gia tăng lời lãi… đã được nhà đầu tư Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 cân đo chính xác.
Báo cáo với tỉnh, Trung ương cũng được UBND huyện Đắc Glong viết trơn tru, sạch sẽ. Thế nhưng, sự thiệt thòi của doanh nghiệp và cuộc sống nghèo đói, bấp bênh trong nhiều năm qua của 575 hộ dân người Mạ, người H’Mông khi họ phải di chuyển đến nơi ở mới có ai đong đếm, xem xét giùm, khi ở trên bảo thì cứ bảo, còn dưới vẫn cứ lòng vòng lẩn tránh không nghe.