ThienNhien.Net – Hàng chục năm qua, ông Trần Xuân Bửu (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã lặn lội đi khắp nơi tìm kiếm hàng chục ngàn cây giống để phục hồi lại rừng ngập mặn trên đầm Thủy Triều. Những cánh rừng tưởng như đã xóa sổ vĩnh viễn, nay đã hồi sinh, sẽ sớm thành “nhà” của tôm cá.
Đầm xưa còn đâu
Thủy Triều là một trong những đầm lớn nhất khu vực miền Trung. Còn nói về độ phong phú hải sản thì nơi đây khó có chỗ nào sánh bằng. Đầm bắt nguồn từ chân đèo Cù Hìn, như một cánh cung uốn lượn ôm trọn dải đất Cam Lâm và Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đầm Thủy Triều vốn rất đa dạng, bởi các loại hải sản trên biển dường như tụ hội về đây. Vậy nên bao đời nay, đầm Thủy Triều là nơi nuôi sống hàng ngàn hộ dân với rất nhiều thế hệ sinh sống ven đầm. Một số lão ngư sống ven Thủy Triều khoe với chúng tôi rằng, chẳng có nơi nào kiếm được cái ăn dễ như dân sống ở Thủy Triều. Ngày đầm còn hưng thịnh, chỉ cần cầm một cần câu ra đầm cũng kiếm đủ thức ăn tươi cho cả gia đình. Vì thế mà không ngạc nhiên khi nhiều người ví rằng đầm Thủy Triều chẳng khác gì “đại dương thu nhỏ” mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi đây.
Ấy vậy mà, niềm tự hào đó cũng có ngày vụt tan. Đầm Thủy Triều nuôi sống dân ven đầm, nhưng cũng chính người dân nơi đây tự tay “cướp” đi miếng cơm của chính mình. Từ sau những năm giải phóng, rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều bắt đầu suy giảm do người dân vào rừng chặt cây lấy củi. Rồi đến thập niên 90 của thế kỷ 20, khi “cơn lốc” nuôi tôm sú trên cát bắt đầu xuất hiện, hàng ngàn hộ dân đua nhau lập đìa ao nuôi tôm với tốc độ chóng mặt. Hàng trăm đìa nuôi tôm xuất hiện ven đầm Thủy Triều, kéo theo đó là một diện tích rừng ngập mặn ven đầm tiêu tan. Chẳng mấy chốc, môi trường của đầm bị biến dạng theo hướng xấu đi, đầm Thủy Triều dần vắng bóng tiếng chim bay về trú ngụ mỗi lúc trời sẩm tối. Còn tôm, cua, cá thì thưa dần vì mất nơi trú ngụ, không thể sinh sôi vì nguồn nước bị ô nhiễm từ chính những ao nuôi tôm xả ra. Sau những mùa tôm sú thất bát, ao đìa tôm bỏ hoang, nhiều người lại quay về đầm kiếm sống trong khó khăn hơn nhiều lần trước đó.
Kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng rừng ngập mặn bị tàn phá, ông Bửu nghẹn lời, đôi mắt đỏ hoe như muốn khóc thương những cánh rừng ngập mặn xấu số năm nào. Theo ông Bửu, khi những cánh rừng ngập mặn phủ kín hai bên đầm, dân chúng sống yên ổn lắm, môi trường thoáng đãng. Ai ngờ, chỉ vài năm vì sức hút con tôm sú mà hàng ngàn hécta rừng ngập mặn bị đốn hạ, xóa sổ. “Nhìn những cánh rừng đước bị máy múc cạo sạch, tôi đau đớn mà không biết than với ai. Nuôi tôm là hướng đi mới, có thể thành công nhưng cách nuôi tôm sú mà phá đi hết hệ sinh thái thì đau lòng quá”, ông Bửu xót xa. Rừng ngập mặn không còn, các loại hải sản trong đầm thưa dần, không dễ đánh bắt như trước. Vậy nên nhiều người dân nơi đây lại tính đến chuyện chuyển đổi cách thức đánh bắt sao cho nhiều tôm cá. Và rồi, những cách thức đánh bắt theo kiểu hủy diệt như xung điện, giã cào, lờ vây, lờ đáy xuất hiện ngày càng nhiều khiến nguồn lợi hải sản trên đầm Thủy Triều càng cạn kiệt.
Người hùng cứu rừng
Ông Bửu năm nay đã 60 tuổi, đáng ra phải hưởng cuộc sống an nhàn. Vậy mà, ngày lại ngày, ông vẫn cần mẫn làm việc không công để cứu lấy đầm Thủy Triều. Nhà ông Bửu nằm lọt thỏm cuối con hẻm thôn Tân Quý. Con cái ông đã lập gia đình, sống riêng, hai vợ chồng ông nương tựa nhau bằng nghề bán cà phê “cóc” và nghề may vá của vợ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh Nho, cũng trạc tuổi, khá ốm yếu nhưng một lúc phải bán cà phê, vừa may vá áo quần. Tôi băn khoăn hỏi, bà đưa mắt nhìn về phía ông Bửu và nói: “Cô làm thay phần cho chú đó”. Gia đình ông Bửu định cư ven đầm Thủy Triều từ xưa, qua nhiều thế hệ và lấy nghề biển là mưu sinh chính. Ông kể: Ngày đó rừng ngập mặn có cả trăm hécta phủ xanh xung quanh đầm, nhờ vậy mà hải sản đánh bắt quanh năm cũng không hết. Từ thuở lên 10, ông đã theo cha đi đánh bắt con tôm, con cá trong các khu rừng ngập mặn. Trong mỗi chuyến đi, cha ông thường kể cho ông nghe về tầm quan trọng của rừng ngập mặn, đó là nơi để cộng đồng kiếm kế sinh nhai, là nơi để ghe thuyền tránh trú mỗi khi có dông, bão… Bởi vậy mà tuổi thơ ông đã xem rừng ngập mặn như nhà. Nay, thương những cánh rừng bị tàn phá, ông Bửu nuôi chí phục dựng lại những cánh rừng đã mất. Vậy là, hàng chục năm qua, ông lại lặn lội đi đến những nơi có giống cây rừng ngập mặn đề tìm giống về trồng xung quanh đầm.
Theo ông Bửu, rừng ngập mặn thường là giống cây đước, nhưng ngặt nỗi giống cây này cũng không dễ kiếm vì rừng đước đâu còn nhiều như xưa. Đầm Thủy Triều thì rộng lớn hàng chục kilômét vuông, nhưng đỏ mắt mới tìm ra những cây đước có quả để ươm giống. Bởi vậy mà có khi đi từ sáng đến tối chỉ tìm được vài quả đước làm giống. Đã vậy, cây đước chỉ cho quả trong 3 tháng/năm, nên phải tập trung tìm giống trong từng ấy thời gian và gieo liền sau đó. Khó khăn là vậy, nhưng ông không nản chí, cố gắng gầy dựng được những vùng trồng rừng ven đầm. Thế nhưng, khi những khoảnh cây đước bắt đầu bén rễ, ra lá thì đã bị người dân nơi đây hủy hoại không thương tiếc. Hàng ngày, người dân địa phương đua nhau đi đào bắt các loại hải sản và những nơi có cây đước đã trồng, họ cũng không tha. Năm nay rừng bị phá, năm sau ông lại đi tìm giống trồng rừng. Cứ vậy, hàng chục năm qua việc trồng rừng của ông Bửu chẳng khác gì “dã tràng xe cát”.
Khi việc trồng lại rừng đước tưởng chừng bế tắc thì trong một lần chèo thuyền đi tìm giống cây trên đầm Thủy Triều vào năm 2005, ông Bửu tình cờ gặp ông Dương Công Tiễn, một cán bộ quản lý Nhà máy đường Cam Ranh, người chung chí hướng. Và rồi, sau những lần hội ngộ, ông Tiễn đã cùng ông Bửu đi khắp nơi tìm giống, rồi các ông cặm cụi cắm những cây giống xuống đầm. Sau nhiều năm lăn lộn không biết mệt mỏi, cuối cùng ông Bửu và cộng sự của mình cũng có những thành quả như mong đợi, đó là hơn 2ha rừng đước ven đầm Thủy Triều đã lên xanh tốt, có cây cao quá đầu người. Thế nhưng, một lần nữa ông đau đớn nhìn rừng đước bị xóa sổ. Chuyện là, ngày đó khi những khu rừng đước đầu tiên được hình thành, không hiểu sao chính quyền địa phương lại cho rằng ông Bửu đã tự ý lấn chiếm đất ven biển vì mục đích tư. Nên năm 2008, địa phương cương quyết bắt ông nhổ bỏ hết diện tích rừng đã trồng trong sự đau xót của những con người muốn cứu rừng thực thụ.
Những băn khoăn…
Nhiều lần khôi phục rừng ngập mặn không thành, nhưng ông Bửu vẫn hy vọng một ngày nào đó rừng sẽ sớm trở lại như xưa. Ông Bửu xót xa cái ngày mà tự tay mình phá bỏ hơn 2ha rừng ngập mặn đã dày công trồng, bởi mục đích của ông chẳng tư lợi gì nhưng lại bị “gán tội” lấn chiếm biển, vì mục đích tư lợi. “Thời điểm này tôi định buông xuôi. Mình làm không công, vì lòng nhiệt huyết mà người dân, địa phương không giúp sức mà còn hiểu sai nên thấy rất đau lòng”, ông Bửu bày tỏ. Nhưng rồi niềm tin của ông một lần nữa nhen nhóm khi tháng 8-2012, Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện dự án “Triển khai các mô hình phục hồi, quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển tại khu vực đầm Thủy Triều”. Trong quá trình triển khai dự án này, ông Bửu là thành viên tích cực nhất trong việc hỗ trợ dự án. Ông bỏ qua những dị nghị, thành kiến và chỉ mong cứu lấy rừng ngập mặn, để chứng minh mình trồng rừng không phải tư lợi gì ở đó.
Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, dự án đã trồng mới được 3,7ha cây đước ven đầm Thủy Triều, ngay tại vị trí ông Bửu trồng trước đây nhưng bị phá. Cây đước hiện đã lên xanh tốt, chẳng mấy chốc thành rừng. Trong dự án này, ông Bửu đã cung cấp miễn phí hàng chục ngàn cây giống ngập mặn. Không những vậy, ông còn tự nguyện bảo vệ khu rừng mà không đòi hỏi một đồng tiền công, dù công việc này gian nan vô cùng. Rừng có, nhưng giữ rừng còn khó hơn. Theo ông, để bảo vệ rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều không còn cách nào khác là phải thức cùng con nước. Khi thủy triều xuống cũng là lúc cây đước, cây mắm gặp nguy hiểm nhất, vì vào thời điểm này có rất nhiều người dân đến các khu rừng đước để đào nghêu, sâm biển, trùn biển… và họ đào cả gốc cây để tìm kiếm hải sản. Bởi thế, lúc thủy triều xuống cũng là lúc rừng đước cần được canh giữ nhất.
Rừng đã lên xanh, một phần giấc mơ trồng rừng của ông Bửu đã thành hiện thực nhưng ông vẫn còn lắm điều băn khoăn. Ông Bửu nặng lòng và tự hỏi: “Giá như ở Thủy Triều chỉ cần một người dân nơi đây tự tay trồng một cây đước xuống đầm thì chẳng mấy chốc rừng xưa lại xanh”. Dứt lời, ông lại cầm chiếc cuốc tự chế trên tay đi ra đầm vì lúc này thủy triều đang xuống, rừng đước cần bảo vệ…