ThienNhien.Net – Cả nghìn hộ dân thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đang trách cái ao làng bởi nó khiến nhiều người bị ung thư, phải chết vì sự ô nhiễm, bệnh tật. Nhưng họ không thể “từ mặt”, trái lại hàng ngày vẫn bơm hàng trăm khối nước từ ao về nhà ăn uống và sinh hoạt.
Vắt kiệt nguồn nước
Chật chội đến ngộp thở, thiếu nước đến khốn đốn. 5 năm qua người Ngọc Than đôn đáo tìm nguồn nước sạch nhưng không được. Bất lực, họ hút nước ao, nước ruộng bằng dây mềm dẫn vào bể lọc qua quýt, rồi dùng. Bởi thế, đường làng ngõ xóm càng trở nên hẹp hơn khi các bối dây dợ chằng chịt vít quanh những cột điện bê-tông cốt thép, hình ảnh nhan nhản ở trung tâm Hà Nội. Chỉ khác một điều ở trung tâm thứ treo lên cột là dây điện và dây cáp, còn tại Ngọc Than chỉ một phần rất nhỏ dây điện còn lại đa số là dây dẫn nước. Các bối dây được đấu nối từ khu ao hồ trước cửa đình làng, có tên Ao Sen. Dây được “câu” vắt vẻo lên các ngọn cây, cột điện, tường nhà, len lỏi vào các con ngõ sâu hoắm. Chung quanh ao có tới hơn 200 ống nước của hơn 500 hộ dân được cắm xuống như thể đây là giếng nước khổng lồ đang giải khát cho cả làng.
Giải thích về hiện tượng đó, ông Nguyễn Bá Hưng – Trưởng thôn Ngọc Than cho biết: “Từ gần 6 năm qua, nguồn nước giếng khoan ở thôn cạn kiệt. Có người đã đầu tư cả trăm triệu, khoan đến 10 mũi nát cả sân vườn mà không có nước. Và vì không còn nguồn nước nào khác nên phải dùng nước ao. Chúng tôi đã bơm về bằng những đường ống nhỏ. Vì thế thường xuyên bị tắc. Nay đang là mùa cạn, ao Sen đang cống hiến những giọt nước cuối cùng”.
Chung vẻ lo lắng, mệt mỏi đến bơ phờ vì thiếu nước, nhiều người dân cho rằng, ao Sen trở thành chiếc ao nhanh cạn nhất vì phải nuôi đến 4.000 nhân khẩu, là một nửa số dân Ngọc Than chưa kể còn phải dùng nước để phục vụ cho chăn nuôi. “Chúng tôi không biết ao còn trụ được đến bao giờ nữa”, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết.
Đầu độc… bữa ăn
Nhiều người sống phụ thuộc vào nguồn nước ao như vậy thì họ phải bảo vệ ao, nhưng không, một nghịch cảnh trái ngược đến đau lòng mà chính người dân dù có biết cũng phải làm. Đó là hình ảnh khá nhiều phụ nữ dùng xe đạp chở quần áo ra ao giặt giũ, người khác thịt vịt, tắm rửa, vô tư xả thải tất cả những gì bẩn nhất. Chưa hết, cả chục họng cống từ trại chăn nuôi của mấy hộ dân sát bờ ao cũng xả thẳng xuống ao khiến mặt ao nổi lên toàn rác. Những ngày nóng nực, mặt nước bốc lên mùi tanh hôi của nước nhiễm bẩn, cộng với mùi hôi thối của xác động vật chết, phân và những miệng cống đen ngòm đang nhả vào ao Sen.
Ngoài ra, tôi còn được “xem mặt” những cái giếng mà nước của nó được ngấm từ một con kênh “đại ô nhiễm” chảy qua làng, có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi bâu đầy nhưng vẫn được người dân bơm về. Vì sao có nghịch lý này? Vì sao người dân phó mặc mạng sống của mình cho những cái ao, cái giếng ô nhiễm như kẻ “điếc không sợ súng”?
Mang thắc mắc hỏi trưởng thôn Nguyễn Bá Hưng, ông cho biết: “Khát, không dùng nước ao thì chúng tôi dùng cái gì?”. Lý giải chuyện thiếu nước sinh hoạt, ông Hưng cho biết khoảng 5 năm trở lại đây mạch nước ngầm của thôn bất ngờ cạn kiệt. Mỗi hộ dân đã phải đầu tư rất nhiều tiền khoan hàng chục mũi xuống lòng đất cũng không tìm thấy nước, một số giếng có nước nhưng chảy nhỏ giọt. Dùng nước bẩn là bất khả kháng đối với bà con. Khi chúng tôi hỏi: “Vì sao người dân không giặt giũ ở nhà mà mọi sinh hoạt đều ra đây, gây ô nhiễm cho ao?”
Ông Hưng buồn rầu cho biết: Dân không giặt, rửa, không tắm ngoài ao thì ở đâu? Chúng tôi đầu tư tiền làm đường dây nhưng bơm cả ngày vẫn không đủ cung cấp nước cho tắm và giặt. Còn ba hộ thầu ao chăn nuôi thuộc quyền quản lý của xã, chúng tôi có ý kiến nhiều lần nhưng không giải quyết được. Đành biết bẩn vẫn phải dùng”.
Nhưng nếu chỉ có thế thì Ao Sen vẫn… sạch. Ao còn “nuốt” xác động vật chết mà chủ thầu ném xuống cùng đủ thứ rác thải sinh hoạt của ngôi làng có nghề mộc, nghề nón. Nguy hại hơn, người dân làm ruộng trong khu vực rửa bình thuốc sâu ở kênh mương, các khu công nghiệp xả thải cũng dồn về ao Sen. Ông Nguyễn Duy Bái, Phó trưởng thôn Ngọc Than xót xa nói: “Tôi sống 69 năm trong đời và thấy đây là thời gian người dân khổ nhất. Ai cũng biết ao bẩn và bất đắc dĩ họ vẫn tự đầu độc nước ao, nhưng hộ nào ở gần ao còn được coi là may mắn. Bởi không hút được nước ao Sen, giếng bẩn, kênh bẩn thì phải dùng xe cải tiến mà kéo về. Bát mồ hôi đổi lấy bát nước”.
Trách tội cái ao
Đêm cùng ngồi canh nước ở nhà ông Đỗ Xuân Thành (xóm Giữa), mới hiểu hết nỗi thống khổ của người dân khi thiếu nước. Một giọt được trút vào xô, chậu được đánh đổi bằng ngần ấy mồ hôi của ông. Chỉ tay vào cái vòi nhỏ giọt, ông Thành cho hay, rất ít giếng khoan ở thôn còn cho nước, mà có cho nước thì cũng như người hấp hối, lúc chảy lúc không. Để bơm được một khối nước người dân phải dùng hai máy bơm suốt đêm, tốn mấy chục số điện. “Anh thấy đấy, bà con rất cần ao nhưng cũng rất ghét vì nó gây ra hiểm họa. Bà con chúng tôi lâm vào đường cùng rồi”, ông Thành uất nghẹn nói. Chúng tôi thêm xót xa vì tiếng kèn, tiếng khóc đám ma gần đó vọng lại. Hai ông Đỗ Duy Đống và Đỗ Duy Quyến cùng mất, cùng tổ chức đám ma một ngày và được người dân xác định do… “thằng ung thư dưới ao”(?!).
Mang nỗi bức xúc của người dân đến hỏi cán bộ lãnh đạo xã, ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho hay: “Lãnh đạo xã xót xa khi chứng kiến cảnh người dân phải dùng nước bẩn và đã mệt mỏi vì nhiều lần kiến nghị, họp, xin ý kiến. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội lập dự án nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Các cơ quan được giao trách nhiệm đã không nhận định hết khó khăn của người dân đang thiếu nước. Nếu nhà nước cho xã hội hóa thì có một công ty hứa chỉ trong vòng một tháng, người dân sẽ có nước sạch”.
Liên hệ làm việc với công ty, ông Trịnh Kim Giang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho biết dự án đang “kẹt” vốn bởi thiếu quy định chi tiết về mức độ, cơ chế hỗ trợ lãi suất.
Theo tìm hiểu, ngay từ tháng 4-2013, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng tìm phương pháp giải quyết nước cho người thôn Ngọc Than. Cụ thể, thành phố giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan và huyện Quốc Oai kiểm tra, giải quyết những kiến nghị của bà con. Tiếp đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với UBND huyện Quốc Oai, xã Ngọc Mỹ tiến hành điều tra, xác minh, đánh giá thực trạng. Sau rất nhiều cuộc họp, hội nghị, bàn thảo khá nhanh chóng, sau 2 tháng UBND TP. Hà Nội có văn bản 4057/UBND-NNNT ngày 6-6-2014, giao Sở Kế hoạch- Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Quốc Oai khẩn trương nghiên cứu nội dung đề xuất của Sở NN&PTNT thống nhất đề xuất hướng giải quyết.