ThienNhien.Net – Hiện nay, công tác tái định cư vùng lòng hồ của công trình này vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Đắc Glong.
Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 có công suất 180 MW do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, đã hoàn thành và vận hành hơn 3 năm nay. Thế nhưng, công tác tái định cư vùng lòng hồ của công trình này vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội đối với người dân huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông, khi hàng trăm hộ gia đình ở đây đã di dời đến nơi ở mới mà cuộc sống vẫn long đong, lận đận.
Con đường nhựa nối từ trung tâm huyện Đắc Glong vào xã tái định cư Đắc Plao chỉ hơn chục km. Tuy mới sử dụng, nhưng đã xuống cấp với những ổ trâu, ổ gà; dọc theo triền dốc, nhiều đoạn bị xói lở sâu hoắm nên đi ô tô, xe máy, ai cũng bị giật nảy cả mình. Ven theo trục đường chính, ngay từ đầu xã, nhiều ngôi nhà cửa đóng im lìm, ổ khóa đã hoen gỉ; một số nhà khác, cửa không khóa, nhưng cỏ dại bò lên tận hành lang. Bên trong những ngôi nhà ấy đều trống trơn, tường mốc rêu, nền phủ lớp bụi đỏ và hầu như không thấy một vật dụng sinh hoạt nào.
Chị K’Bang ở thôn 3, xã Đắc Plao cho biết: Hồi chưa di dời, không gia đình nào lo nghĩ đến chuyện chạy ăn từng bữa. Ở bon cũ, lúa gạo không thiếu; rau rừng, cá suối cũng nhiều. Về đây, đất sản xuất không có, tiền bạc không lấy đâu ra. Bà con ai cũng đợi chính quyền cấp đất, nhưng đã 4 năm rồi vẫn chẳng thấy đâu. Người Mạ chỉ biết nhờ vào nương rẫy để sống. Tái định cư có nhà ở, nhưng không có đất làm rẫy. Làm nông mà không có đất, chẳng khác nấu cơm mà không có gạo. Bởi thế mà bữa cơm trưa của gia đình chị hết sức đạm bạc, thức ăn chỉ mấy bát rau rừng giã nhuyễn với măng.
Đất sản xuất không có, nước sinh hoạt cũng khan hiếm. Hệ thống cấp nước gồm giếng khoan và các bể chứa lớn nhỏ được đầu tư xây dựng rất bài bản, nhưng bà con sử dụng được hơn nửa năm thì hỏng và giờ đã hoang tàn. Hố khoan sụt đất, đường ống dẫn nước vỡ, bể chứa nước bằng bê tông đã trơ đáy, cỏ dại trùm kín lối đi.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, ở thôn 2, than vãn: dân chúng tôi khổ sở vì thiếu nước. Mùa mưa, bà con hứng nước từ mái nhà để dùng. Nhưng mùa khô phải thay nhau xuống suối gùi từng can hoặc mua nước để ăn, với giá 50.000/đồng một khối. Ông Văn Ngọc nói: “Khi công trình mới làm còn có nước, 3 giếng không đủ nước. Đến khi bàn giao, bên Quản lý và UBND nói không có người quản lý. Nếu bơm nước không đủ điện chi trả rất khó vì vậy đành bỏ bê vậy”.
Ông K’Nga – Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Plao cho rằng: nguyên nhân dẫn tới sự xuống cấp nhanh chóng của các công trình cấp nước ở đây là do buông lỏng quản lý và yếu kém trong vận hành. Hơn 1 tỷ đồng xây dựng công trình, nhưng vô dụng.
Ông K’Nga cũng cho biết: “Khi vận động bà con rời bon cũ về đây định cư, cán bộ huyện hứa mỗi hộ sẽ được cấp 12.000 m đất sản xuất, trong đó có 2.000 m2 ruộng nước. Nhưng đã hơn 4 năm, ngoài căn nhà và phần thổ cư 400 m2 mỗi hộ, đất sản xuất cho dân rất ít nên mỗi lần tổ chức gặp dân là một lần bà con lại bảo cán bộ hứa suông. Ông K’Nga thừa nhận: Hiện tại, rất khó có thể nắm được bao nhiêu hộ gia đình trong xã đã bỏ đi nơi khác sinh sống, hoặc vào rừng sâu dựng lán chòi, phá rừng làm rẫy. Dân đi không về cán bộ lãnh đạo ai?”- Ông tự hỏi một câu đầy chua chát.
Ông K’Nga nói tiếp: “Nhà bà con đã nhận nhà và đất nhưng đất xấu quá, độ dốc cao quá nên không trồng được cây gì. Vì cuộc sống, nhiều bà con đi làm xa và không ở xã Đắc Plao. Ban thủy điện 6 và các ban nghành có liên quan của huyện, tỉnh mà không dứt điểm trong việc cấp đất đai nên ảnh hưởng đến chính quyền địa phương, vì bà con đi làm ăn và không quay về địa phương”.
Dự án tái định cư, định canh Đắc Plao bộc lộ nhiều bất cập ngay từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế. Bà con người Mạ có tập quán làm nhà sinh sống trên vùng đất rộng rãi; vườn rẫy phải có trước, sau đó mới nghĩ đến chuyện dựng nhà. Nay họ được “đô thị hóa” bằng những ngôi nhà xây san sát trên phần thổ cư 400 m2, không thể làm vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đã vậy, gần 1.000 ha đất khai hoang, huyện Đắc Glong cấp cho dân sản xuất thì chỉ có 164 ha có khả năng trồng cây lương thực, cây công nghiệp. Diện tích còn lại độ dốc cao, bạc màu, lại không có nước tưới, hoặc đất đang tranh chấp với dân sở tại.
Ông Trần Thanh Hà, Phó Trưởng phòng bồi thường giải phóng mặt bằng Ban quản lý Dự án thủy điện 6 tỏ ra ái ngại khi nói về tương lai của người dân trong dự án tái định cư Đắc Plao. Ông nói: “Việc định canh cho dân đang là điều trăn trở, đau đầu cho chủ dự án cũng như những người đi làm công tác đền bù giải tỏa mặt bằng. Chúng tôi rất buồn khi những hộ dân phải rời quê hương bản quán dành cho thủy điện. Nhưng khi đến nơi ở mới, họ chưa có đất canh tác, làm kế sinh nhai. Tôi kiến nghị với cơ quan chức năng là sau tái định cư là sinh kế, sau khi di dời khỏi vùng dự án là phải có dự án sinh kế cho người dân”.
Xấp xỉ 1.000 tỷ đồng đã trải xuống những mỏm đồi chênh vênh xã Quảng Khê để hình thành một xã Đắc Plao mới. Bình quân mỗi hộ được “hưởng lợi” từ nguồn đầu tư của dự án này ngót nghét 1,5 tỷ đồng!? Thế nhưng giờ đây, họ đang phải chật vật cho từng bữa cơm đạm bạc hàng ngày.Trong khi đó, Dự án định cư Đắc Plao đã đi vào giai đoạn cuối, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Thủy điện 6 cũng đã rút dần lực lượng về trụ sở chính ở thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, 575 hộ dân người Mạ, người H’Mông ở xã Đắc Plao vẫn nghèo đói, khổ sở trăm bề; đi thì tiếc cái nhà, ở lại không có cái ăn.