ThienNhien.Net – Ở vùng rừng Đá Nứt, Rêu Phủ, Ngón Chân Cái, Bàn Chân To hay núi Đá Lớn… của người Mã Liềng (Lâm Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) có hơn 700ha rừng được bà con giữ tốt. Nơi đó không chỉ là rừng mà còn là kho kiến thức bản địa gần như vô tận của tất cả các loài cây cỏ, hoa lá. Nguồn kiến thức tự nhiên ấy được người anh em Mã Liềng khám phá biến thành kho thuốc khổng lồ từ xưa đến nay.
Người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa hiện có khoảng 500 nhân khẩu, nếu tính cả xã Thanh Hóa bên cạnh thì gần một ngàn người. Họ là tộc người em út trong mái nhà định danh gồm Mã Liềng, Mày, Sách, Rục, A Rem, Khùa thành dân tộc Chứt quần tụ dưới hệ núi Giăng Màn sừng sững. Chúng tôi qua ngã Trường Sơn phía Tây Quảng Bình để lên vùng bản địa của anh em Mã Liềng.
Tộc người này trước năm 1992 sống sâu trong núi rừng với những chiếc lán nhỏ bằng lá dưới tán cây cổ thụ. Cuộc sống bám chặt vào rừng, không cơ sở y tế, cũng như không có mối liên hệ nào với cuộc sống hiện đại. Nhưng những tháng năm cả nước mở đường xuyên Trường Sơn, người anh em Mã Liềng đã giúp đỡ dẫn cán bộ đi xoi tuyến và giúp thảo dược từ sự am hiểu của họ để cứu sống bộ đội và thanh niên xung phong bị sốt rét ác tính ở rừng sâu núi thẳm lúc thiếu thuốc kháng sinh.
Cao Ké, một già làng kiêm người chữa bệnh truyền thống theo cách của người Mã Liềng dẫn chúng tôi vào sâu trong một chóp rừng của khu vực Rêu Phủ với bạt ngàn cây xanh rồi giải thích: “Trí tuệ của người Mã Liềng không hiểu được hết cái văn minh dưới xuôi. Nhưng biết hết tác dụng từng loại cây trong khu rừng này”. Người chữa bệnh như già Cao Ké được dân bản đặt với cái tên đầy tôn kính “Cha rớp”. Họ kính trọng Cha rớp như cách mà người ta gọi thông dụng ở bệnh viện là bác sĩ. Cao Ké hiểu được hơn 2.000 loại cây và cách tác dụng của chúng khi dùng riêng biệt. Ông cũng hiểu được khi một số nhóm cây kết hợp chúng với nhau bằng lá, rễ, hay bằng vỏ sẽ trị được sốt, dứt được thương hàn, đau bụng…
Người Mã Liềng không có chữ viết để cất giữ kiến thức họ hiểu được về tự nhiên bằng sách mà họ chỉ có thể truyền đạt lại bằng thực hành và truyền ngôn cho con cháu về các hiểu biết truyền đời từ cây cỏ, hoa lá. Bởi thế mà hàng trăm năm tồn tại giữa rừng già nhiệt đới với vô số mầm bệnh, họ đã biết được các phương thuốc của riêng mình để cấp cứu cho nhau và chữa trị cho những tộc người anh em khi cần đến.
Các nhà khoa học phương Tây khi đến với người Mã Liềng đã rất chú ý đến nguồn tri thức bản địa mà đồng bào dựa vào cây rừng. Họ không biết ký tự la tinh, hay tên khoa học của những thực vật, nhưng tiếng bản địa Mã Liềng trong cộng đồng nhỏ bé ấy đã quy ước từ hàng ngàn năm nay giữa mái rừng nhiệt đới các công dụng và cách làm để chữa bệnh.
Chỉ dựa hẳn vào tự nhiên mà thế hệ sau ghi nhớ được cả rừng cây với đủ tên gọi từ đơn giản đến phức tạp đều bảo lưu một cách thông minh và đầy trách nhiệm cho thấy người Mã Liềng quan tâm thế giới tự nhiên như thế nào.
Những tháng năm mở đường qua Lào dưới thời thực dân Pháp khai thác thuộc địa, người Mã Liềng chứng kiến phu phen làm đường sắt và đường cáp xuyên rừng, nhiều người ngã bệnh, nhiều người chết trong đói rách.
Trong khu rừng Rêu Phủ, Cao Ké tiết lộ với chúng tôi rằng, lúc đó người Mã Liềng đi lại giữa rừng, phát hiện nhiều phu phen bỏ trốn công trường của người Pháp trong tình cảnh ốm đau, bệnh tật giày vò, không có thuốc trị liệu. Chỉ cây rừng mà ông nội rồi bố của Cao Ké cùng dân bản đã chữa được cho nhiều phu phen từ trong hang đá. Không ít người được cứu sống với những loại cây thuốc phải kỳ công đi lấy từ vách đá cheo leo ở núi Giăng Màn.
Giữa núi rừng sương giăng, Cao Ké còn kể, trong kháng chiến chống Mỹ, Đường 12 mở xuyên núi qua Lào, nhiều bộ đội hay thanh niên xung phong bị sốt rét, bệnh tật không cứu được ở đơn vị do thuốc men hạn chế thì những “thần y” của người Mã Liềng ứng cứu.
Bản Kè của người Mã Liềng ngày nay bao giữ xung quanh bởi vườn thuốc Nam do dân bản tự tay trồng với những thứ cây đơn giản như tía tô, cam thảo rừng, ngải cứu, sâm núi… để dùng trong bệnh tình đơn giản. Những cán bộ xã ở Lâm Hóa vẫn thường kể cho tôi nghe người Mã Liềng có nhiều phương thuốc chữa bệnh xương gãy bằng cây cối trong rừng hoang là một điều lạ lùng và già Cao Ké xác định có thật.
Không cần phẫu thuật, chỉ đắp lá cùng thảo dược kỳ công, một thời gian, xương sẽ tự lành và vận động bình thường. Công thức của nó không được tiết lộ cho người ngoài, bởi đó là lời thề với thần linh, người Mã Liềng phải giữ lấy.
Đi dưới bóng rừng nhiệt đới xanh thẩm, già Ké chỉ với tôi từng cách nhận biết cây thuốc và cây độc. Nhưng ông cũng nhiệt tình nói rằng, những loại cây có độc chỉ xấu khi kẻ xấu làm điều xấu, nó cũng có tác dụng tốt trong tay người tốt nếu biết kết hợp cho chữa bệnh cứu người, thương người.
Đi qua con dốc của Đá Nứt, Cao Ké vừa chỉ vừa giải thích: “Cây Xót Xàng Súng chữa sỏi thận cho đồng bào mình. Hôm bữa thằng Cao Lu bị sỏi thận, mình cho nó uống ba tháng là lành. Đi viện soi nói không cần mổ rồi”. Cao Ké chỉ vào loài cây mà người ta vẫn gọi Hoa Mua rồi nói đó là cây “tăng lực” cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Một loại cây khác, Xa Năng, nó như một huyền thoại cho người phụ nữ sau khi sinh.
Cao Ké nói: “Đàn bà mới sinh, nấu nước Xa Năng, uống xong ba ngày là dậy đi làm nương, làm rẫy bình thường, như chưa hề vượt cạn. Tiếp tục uống thì có sữa nhiều cho con cái”. Đi hết vùng Đá Nứt, Cao Ké chỉ vào một loài cây bụi, lá dài, thon, nhỏ và giải thích khi buộc nó vào hông, hoặc dán trước bụng rồi nhai một ít, nó đảm bảo không có thai theo ý muốn. Già Ké vừa nói vừa nheo mắt. Một người quen có gốc gác anh em Khùa đi với chúng tôi đồng tình và cái lá này người Mã Liềng bày cho người Sách, Khùa, Mày, Rục, Kinh dùng nhằm tránh thuốc Tây ảnh hưởng dạ dày vì tác dụng phụ.
Già Ké từng kể, Cao Thị Ban ở bản Kè bị bệnh gan nặng, bệnh viện trả về. Ông cùng dân bản kiếm các phương thuốc cổ nhất, bí truyền để chữa, nay Ban sống khỏe, hết bệnh. Cán bộ xã Lâm Hóa cũng xác nhận trong câu chuyện với chúng tôi, anh Phạm Văn Ba, một người Kinh dưới xuôi lên đi rừng bị rắn hổ chúa cắn, người Mã Liềng phát hiện, đưa về cho già Ké, ông dùng lá cây rịt vào để hút nọc độc và cứu sống anh Ba khỏi lưỡi hái tử thần.
Người Mã Liềng là một tộc người nhân nghĩa, kho tàng thuốc Nam họ tích lũy truyền đời không chỉ giúp cho dân bản của họ mà còn giúp cho anh em người Kinh, người Khùa, người Mày, người Rục, người Sách… hay bất cứ ai cần đến họ. Già Ké kể với tôi: “Không lấy tiền bạc, không lấy công, cũng không chờ được trả ơn. Nghĩa là nghĩa, cứu người là cứu người. Rứa mới là cái bụng của người Mã Liềng chớ”.
Kho thuốc của người Mã Liềng được tính bằng từng cánh rừng, từng khu rừng, từng vạt rừng chứ không phải chỉ là vườn thuốc nhỏ bé như lòng bàn tay sau hồi nhà. Họ sống khoáng đạt với tự nhiên nên tôn trọng rừng, tôn trọng cây cối, tôn trọng động vật, chim muông. Ấy nên, nơi người Mã Liềng định cư, rừng khô bị tàn phá, không bị xâm hại, không bị khai thác quá mức. Với họ, rừng là mẹ thiên nhiên không chỉ đảm bảo cho các thế hệ trước mà còn là đặc ân cho thế hệ con cháu của họ.
Vì thế, bài học làm người đầu tiên của anh em Mã Liềng dành cho con cháu họ là tôn trọng tự nhiên, núi rừng với cây cỏ hoa lá. Chính vì thế mà vào bản Kè, gần như nhà nào cũng trồng nhiều khóm hoa. Cao Ké nói việc trồng hoa là để thể hiện tinh thần người Mã Liềng với tự nhiên, nó cũng để con cháu sinh ra bên hoa thấy lá trong bản làng là thấy được tự nhiên. Chúng lớn lên thì dạy cách trồng, cách ngắt, cách tỉa để làm thuốc, để dựa vào tự nhiên nhằm sinh tồn bền dai.
Nhưng, cuộc sống hiện đại cuốn về phía trước, áp lực lên các cánh rừng nguyên sinh ở bất cứ đâu cũng nặng nề bởi nạn tàn phá của lâm tặc. Và các cánh rừng là kho thuốc tự nhiên rộng lớn của người Mã Liềng cũng dần thu hẹp. Nhiều loại quý hiếm phải đu bám trên những vách đá cheo leo mới có. Nhiều cánh rừng bị lâm tặc xâm lấn khiến anh em Mã Liềng đau lòng lo lắng rồi hậu thế của họ có còn biết những phương thuốc bí truyền nữa không. Cao Ké thường trăn trở như thế nhiều năm liền. Nhiều lần có cán bộ huyện lên công tác, ông luôn nhắn gửi tâm nguyện bảo tồn rừng để giữ lại kho thuốc cho anh em quanh vùng ở miền Tây hẻo lánh.
Và rồi cơ duyên đã đến, ở huyện Tuyên Hóa có Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) đã kề vai với đồng bào thiểu số Mã Liềng. Họ tham mưu để UBND tỉnh Quảng Bình đưa 700ha rừng từ Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa trao vào tay người Mã Liềng. Già Ké vỗ tay cười cười: “Không ngờ dân mình, bản mình được giao cho 700ha rừng, toàn rừng tốt, toàn thuốc Nam tốt, toàn cây cũ, quả…quý hiếm cả. Nấm quý, sâm bản địa, rồi các loài cây chữa bệnh gan, dạ dày…có cả, cả bản ăn mừng vì thần rừng phù hộ độ trì. Đây là kho thuốc lớn lắm rồi, kho thuốc cả đời mong muốn cán bộ à”.
Người Mã Liềng ngày nay ở bản Kè đi lại còn khó khăn khi phải vượt sông Chàng Nàng. Nhưng với họ, được bảo quản một rừng thuốc tự nhiên với 700ha rừng thì cái tâm của họ ưng bụng, cái bụng của họ an tâm. Bởi kho tàng tự nhiên của họ không bị mất, cách thức bảo vệ của họ được phát triển. Họ thường đi tuần rừng một cách tự nhiên lúc đi tìm thuốc để đẩy đuổi lâm tặc. Chính vì thế, người ta tin chắc, với sự giúp đỡ kế sinh nhai thì kho thuốc khổng lồ, xanh ngắt này sẽ vững tin cho cộng đồng người Mã Liềng bền dai định cư để làm lương y thuốc Nam cho chính họ và những bản làng anh em khác.