ThienNhien.Net – Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, và ngày càng trở nên trầm trọng. Mặc dù Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã có những quy định về quản lý ô nhiễm không khí nhưng vẫn còn thiếu những quy định cụ thể và chế tài liên quan để quản lý vấn đề này.
Ô nhiễm trầm trọng
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường không khí hiện đang bị ô nhiễm từ các nguồn như hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng, dân sinh và ô nhiễm xuyên biên giới. Ngoài ra, các chất độc hại tại các đô thị lớn, khí thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và bụi từ các công trình xây dựng cũng là nguồn gây ô nhiễm lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Ở hầu hết các đô thị nước ta đều bị ô nhiễm bụi, nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng tới mức báo động. Các khu dân cư ở cạnh đường giao thông lớn và ở gần các nhà máy, xí nghiệp cũng bị ô nhiễm bụi rất lớn. Nồng độ bụi trong không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng trung bình lớn hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2 – 3 lần, đặc biệt ở các nút giao thông thuộc các đô thị này nồng độ bụi lớn hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2 – 5 lần; ở các khu đô thị mới đang diễn ra quá trình thi công xây dựng nhà cửa, đường sá và hạ tầng kỹ thuật thì nồng độ bụi thường vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 – 20 lần.
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và nông thôn cũng đang ở mức báo động. Kết quả quan trắc môi trường không khí năm 2010 thực hiện tại 46 làng nghề với đủ các ngành nghề cho thấy 45/46 làng nghề có thông số về chất lượng không khí vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,1 – 4,3 lần. Ô nhiễm không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí dộc, hơi kim loại, mùi, tiếng ồn… Còn môi trường không khí ở nhiều vùng nông thôn cũng đang có xu hướng gia tăng mức độ ô nhiễm.
Đáng lưu ý, là không khí các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang có xu hướng tăng đáng kể nồng độ khí ozone. Nồng độ ozone trong không khí tăng cao gây nguy hại cho sức khỏe con người. Lý do khiến nồng độ ozone trong không khí ở các đô thị Việt Nam tăng cao là do ảnh hưởng của giao thông và sản xuất công nghiệp, nhất là sự gia tăng phương tiện ô tô, xe máy ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng rất lo ngại khi những nghiên cứu gần đây cho thấy, nồng độ ozone lại tăng mạnh vào ban đêm (trái với quy luật thông thường ngày cao đêm thấp) nhưng chưa tìm được ra nguyên nhân.
Ô nhiễm không khí có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là về hô hấp. Các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc và một trong những nguyên nhân là do ô nhiễm không khí. Đặc biệt, đối với những người lao động trong môi trường công nghiệp như tại các mỏ, nhà máy xi măng… thì nguy cơ ô nhiễm ngày càng cao. Kết quả chụp X – quang tim phổi 372 người lao động tại mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh) cho thấy có 115 người bị nghi bụi phổi, 10 người có biểu hiện nhiều vết mờ giữa phổi, hai bên phổi, 23 người bị viêm phế quản. Đây là những lao động từ 20 – 30 tuổi và làm việc ở vị trí như lái xe, vận hành máy xúc, máy gạt và lao động sàng than.
Cần quy định cụ thể
Theo ông Nguyễn Văn Thùy, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xác định mức độ ô nhiễm, kiểm soát nguồn phát thải khí hoàn toàn khác biệt và phức tạo hơn so với kiểm soát ô nhiễm khác. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có các văn bản quy phạm pháp luật đặc thù, chuyên biệt cho vấn đề quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
“Hiện nay, các chính sách pháp luật về ô nhiễm không khí được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành khác nhau và không có hệ thống nên rất khó khăn trong việc thực thi áp dụng. Nước ta vẫn đang thiếu một văn bản mang tính chất tổng thể, dài hạn, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương”, ông Thùy cho biết.
Cùng với đó, nước ta cũng chưa có quy định về giám sát quá trình xử lý khí thải của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, chưa triển khai hệ thống giấy phép khí thải…, tất cả đều dựa vào các quy định trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và hậu ĐTM. Theo quy định thực hiện ĐTM, các cơ sở sản xuất phải thực hiện quan trắc môi trường định kỳ nhưng hầu hết đều chưa thực hiện giám sát khí thải tại ống khói…
Để hoạt động quản lý và kiểm soát chất lượng không khí đạt hiệu quả cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách và pháp luật, đặc biệt cần thiết xây dựng các văn bản quy định riêng đối với môi trường không khí. “Cần sớm xây dựng và ban hành pháp lệnh không khí sạch hoặc pháp lệnh kiểm soát ô nhiễm không khí và các văn bản hướng dẫn”, ông Thùy đề xuất.
Các chuyên gia môi trường đề xuất, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai, cần sớm xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí quốc gia, tạo cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại các địa phương.
Vấn đề bức thiết hiện nay là tăng cường số lượng cũng như chất lượng đội ngũ nhân lực, thiết bị máy móc cho hoạt động quan trắc và kiểm kê nguồn ô nhiễm không khí. “Ô nhiễm không khí là thách thức lớn, là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Vì vậy, vấn đề kiểm soát ô nhiễm cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng, xây dựng các cơ chế cụ thể để thu hút sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng trong quá trình xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường không khí”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.