ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định phê duyệt Đề án Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm lâm giai đoạn 2014 – 2020.
Tăng cường hoạt động tố tụng hình sự của lực lượng kiểm lâm
Theo Đề án, sẽ tăng cường sự thống nhất về tổ chức, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ và chính sách, chế độ đối với lực lượng kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương, có đủ quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được giao thông qua việc tăng cường quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và điều động lực lượng đối với các Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo hướng: Giữ ổn định tổ chức, hoạt động và cơ chế quản lý Hạt Kiểm lâm tại các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ hiện đang trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ không trực thuộc Chi cục Kiểm lâm thì giao Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh thống nhất quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và điều động lực lượng.
Đặc biệt, sẽ tăng cường hoạt động tố tụng hình sự của lực lượng kiểm lâm nhằm bảo đảm thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên cơ sở thành lập các đơn vị điều tra về lâm nghiệp trong lực lượng kiểm lâm theo lộ trình hợp lý.
Chức năng, cơ cấu tổ chức cơ quan kiểm lâm các cấp
Đề án nêu rõ, Cục Kiểm lâm cơ bản giữ ổn định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức như quy định tại Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006. Cục Kiểm lâm thống nhất quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và điều động lực lượng đối với Hạt Kiểm lâm các Vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.
Cục Kiểm lâm có khối cơ quan tham mưu, khối cơ quan thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp và các đơn vị sự nghiệp khác. Trong đó, khối cơ quan tham mưu gồm: Văn phòng cục; Phòng Quản lý bảo vệ rừng; Phòng Tổ chức và Xây dựng lực lượng; Phòng Pháp chế. Theo Đề án, thành lập Phòng điều tra, xử lý vi phạm về nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại Phòng Thanh tra, pháp chế và Đội đặc nhiệm nhằm tăng cường năng lực xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hình sự theo quy định của pháp luật.
Khối cơ quan thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp gồm: Đội Kiểm lâm đặc nhiệm; Chi cục Kiểm lâm ở 3 vùng: Chi cục Kiểm lâm vùng I (trụ sở tại Quảng Ninh); Chi cục Kiểm lâm vùng II (trụ sở tại Thanh Hóa), Chi cục Kiểm lâm vùng III (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, thành lập Chi cục Kiểm lâm vùng IV tại khu vực Tây Nguyên trên cơ sở Ban công tác Lâm nghiệp Tây Nguyên hiện nay có trụ sở tại tỉnh Đắk Lắk.
Ở địa phương, Chi cục Kiểm lâm là tổ chức trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng, phát triển rừng, giống cây lâm nghiệp, bảo đảm việc thực hiện pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Hạt Kiểm lâm cấp huyện là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo đảm việc thi hành pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản ở cấp huyện. Theo Đề án, sẽ ổn định tổ chức đối với Hạt Kiểm lâm huyện hoặc Hạt Kiểm lâm liên huyện; Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng; Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ đang trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.
Ở cấp xã, Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn xã có rừng nhằm tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển lâm nghiệp trên địa bàn xã.
Nâng cao năng lực cán bộ kiểm lâm
Cũng theo Đề án, đến hết năm 2020, phấn đấu đào tạo nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực hành cho 33.600 lượt cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng các cấp và lực lượng kiểm lâm, đặc biệt là Kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp xã, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Cụ thể: Tỷ lệ cán bộ công chức kiểm lâm có trình độ đại học trở lên chiếm trên 90% (hiện nay là gần 50%); quy hoạch và xây dựng kế hoạch đào tạo một số chuyên gia giỏi cho ngành (ít nhất cấp Trung ương có từ 10 – 15 người, cấp địa phương mỗi tỉnh có rừng có 1 – 2 người) để giúp xây dựng chiến lược bảo vệ và phát triển rừng.