ThienNhien.Net – Sau hơn 10 năm, 850 hộ dân xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) với gần 4.000 nhân khẩu nhượng đất cho dự án hồ Tả Trạch để đến vùng đất khác tái định cư (TĐC), cuộc sống của họ phải lay lắt từng ngày do tỉnh này nợ cả nghìn ha đất lâm nghiệp của dân.
Khổ nơi tái định cư
Từ năm 2003, khi lấy đất thực hiện dự án hồ Tả Trạch, 850 hộ dân xã Dương Hòa phải TĐC trên vùng đất mới.
Theo quy định giai đoạn đó, những hộ dân di dời đến nơi ở mới được tỉnh TT-Huế cấp tối thiểu 1 ha đất trồng hoa màu, riêng đất rừng thì thực hiện chủ trương “đất đổi đất”, người dân không được đền bù diện tích đất rừng. Thế nhưng, sau hơn 10 năm về TĐC, người dân dài cổ chờ đợi vẫn chưa được cấp đất theo chủ trương của tỉnh này.
Theo thống kê của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh TT-Huế, đến thời điểm hiện tại, tỉnh vẫn nợ hàng trăm người dân đã nhượng đất cho công trình hồ Tả Trạch tổng cộng 1.012ha đất sản xuất vì chủ trương “đất đổi đất” không được thực hiện.
Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án hồ Tả Trạch, được bố trí TĐC tới các vùng như Hòa Bình, Bình Dương và Hòa Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà); Bến Ván, Phúc Lộc (huyện Phú Lộc), Khe Sòng (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy). Ghi nhận ở những vùng TĐC này mới thấy hết những khó khăn của người dân.
Tại xã Bình Thành, có 220 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án hồ Tả Trạch được bố trí TĐC tại ba thôn Hòa Bình, Bình Dương và Hòa Thành, sau mười năm lên ở vùng đất mới, hàng trăm hộ dân này vẫn khổ cực với bài toán thiếu đất sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Bùi (60 tuổi, thôn Bình Dương), bức xúc: “Gia đình tui đã vì chủ trương chung mà di dời đến nơi ở mới. Đến đây cứ nghĩ là cuộc sống được ổn định chứ ai ngờ còn khổ hơn nơi cũ nhiều bởi thiếu đất sản xuất”.
Theo bà Bùi, khi di dời, gia đình bà đã bàn giao 3,6 ha đất lâm nghiệp cho dự án hồ Tả Trạch, đó là nguồn sinh kế chính của gia đình.
Ở vùng đất Dương Hòa cũ bà con chủ yếu sống dựa vào sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, đến nơi ở mới do không có đất nên nhiều gia đình con cái li tán, bà con lay lắt đi làm thuê, cuốc mướn nhiều nơi để kiếm sống.
Theo những hộ dân, khi chính quyền về vận động di dời, họ được nhà nước bồi thường tiền cây cối, nhà cửa, tài sản gắn với đất vườn. Còn đối với đất lâm nghiệp, tỉnh hứa sẽ thực hiện chủ trương “đất đổi đất” nên người dân đồng ý di dời vì nghĩ đến nơi ở mới sẽ có đất sản xuất. Sau một thời gian chờ đợi, không thấy chủ trương “đất đổi đất” thực hiện, người dân đã “đội đơn” đi nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả.
Cùng chung cảnh ngộ với những hộ gia đình ở khu TĐC của xã Bình Thành là hàng trăm hộ dân khác ở các khu TĐC ảnh hưởng bởi dự án hồ Tả Trạch như Bến Ván, Phúc Lộc (huyện Phú Lộc), Khe Sòng (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy). Bà Hồ Thị Lư (thôn Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc), cho biết: “Từ khi lên đây TĐC gia đình chúng tôi được cấp chỉ vỏn vẹn 4 sào đất. Ở vùng đất cũ, cả nhà có 5 ha rừng, cho thu nhập cả trăm triệu. Giờ ở đây thiếu đất, không biết làm gì có cái ăn”.
Nhượng đất để… làm thuê
Một nghịch lý dễ thấy là trong khi người dân thiếu đất sản xuất thì đa phần diện tích đất lâm nghiệp ở các địa phương lại giao cho các tổ chức sử dụng và quản lý.
Dự án hồ Tả Trạch được xây dựng trên sông Tả Trạch (một nhánh của sông Hương) với diện tích lưu vực 717 km2… Tổng kinh phí gần 4.000 tỷ đồng. Công trình này với các chức năng chính là chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ và cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp cho hệ thống sông Hương. |
Tại xã Bình Thành – địa phương có nhiều hộ TĐC từ dự án hồ Tả Trạch, theo thống kê của UBND xã này, Bình Thành có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 4.600 ha, trong khi đó diện tích cấp cho các hộ sử dụng chỉ có hơn 600 ha. Gần 4.000 ha đất còn lại chủ yếu được giao cho công ty, đơn vị như Cty Giống cây trồng vật nuôi TT-Huế, Ban quản lý rừng đầu nguồn sông Hương…
Ông Hồ Văn Sanh – Chủ tịch UBND xã Bình Thành, cho biết: “Vấn đề thiếu đất sản xuất đối với các hộ dân TĐC đã diễn ra trong nhiều năm qua. Nhiều lần, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh, địa phương đã kiến nghị lên cấp trên để xin soát xét, điều tiết quỹ đất cấp cho dân sản xuất nhưng vẫn chưa được đáp ứng”.
Việc hàng trăm hộ dân di dời TĐC ảnh hưởng từ lòng hồ Tả Trạch với chủ trương “đất đổi đất” không thực hiện đã biến nhiều hộ dân từ những người là chủ đất rừng, chủ cả cơ ngơi trang trại giờ trở thành những người làm thuê kiếm sống qua ngày. Nhiều hộ gia đình con cái li tán.
Theo thống kê, có gần 90% hộ TĐC ở đây phải đi làm thuê, sống nhờ vào khai thác lâm sản phụ vì thiếu đất trồng trọt. Anh Nguyễn Chiến (45 tuổi, thôn Hòa Bình), cho biết: “Từ khi lên TĐC đến nay, gia đình tui lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau, tui phải làm bóc tách vỏ cây tràm còn vợ thì đi sang các xã khác trồng rừng thuê”.
Trước đây, anh Chiến ở vùng đất cũ Dương Hòa có hơn 2 ha đất lâm nghiệp trồng keo lá tràm và một ít diện tích đất trồng hoa màu. Những diện tích đất đó là nguồn sinh kế chính cho cả gia đình. “Dù chừng đó đất, mỗi năm tui thu ít cũng được vài chục triệu, mình làm chủ, tự làm tự ăn cũng đủ song”, anh Chiến buồn bã kể.