ThienNhien.Net – Năm 2014, do một số chính sách thuế và phí tăng đã khiến các nhà máy thủy điện nhỏ (TĐN) dưới 30 MW gặp khó khăn. Tuy nhiên vấn đề này đã được giải quyết bằng những quy định mới trong Thông tư 32/2014/TT-BCT do Bộ Công Thương vừa ban hành.
Khắc phục những tồn tại
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, từ năm 2008, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 18/2008/QĐ-BCT quy định về biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mẫu cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Quyết định này đã giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu thời gian, chi phí đàm phán hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Do đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 32/2014/TT-BCT thay thế Quyết định 18 trước đây.
Mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2020, nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 4,5% và đạt 6% vào năm 2030. Với những chính sách kịp thời, hợp lý, sẽ huy động, khuyến khích nhiều DN khác tham gia đầu tư vào ngành điện, giảm sự lệ thuộc mua điện từ bên ngoài. |
Điểm mới của Thông tư 32 là biểu giá chi phí tránh được sẽ tách riêng phần thuế tài nguyên nước, tiền dịch vụ môi trường rừng và bên mua điện có trách nhiệm thanh toán cho các nhà máy TĐN. Thời gian mua điện cũng linh hoạt hơn theo các giờ cao điểm, thấp điểm, bình thường trong mùa khô và mùa mưa. Việc mua điện chỉ bị giới hạn ở một số khu vực như các vùng giáp ranh, đấu nối điện với Trung Quốc, ở một số vùng miền Trung và Tây Nguyên. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – bên mua sẽ chịu trách nhiệm mua hết sản lượng điện của các nhà máy thủy điện nhỏ với thời gian hợp đồng là 20 năm và gia hạn theo thỏa thuận.
Một điểm nổi bật nữa của thông tư là các nhà máy TĐN được quyền tham gia thị trường phát điện cạnh tranh nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, đo đếm, đấu nối…Quy định này tạo điều kiện cho nhà máy TĐN tự quyết định tham gia thị trường cung ứng điện theo cách phù hợp với năng lực của bản thân.
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương khẳng định, các quy định trong thông tư đã được nghiên cứu tính toán hợp lý dựa trên cân đối cung – cầu của hệ thống, vừa bảo đảm quyền lợi cho các nhà máy TĐN, cho cả người mua và lợi ích chung của quốc gia.
Nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp
Tính đến hết năm 2013, cả nước có 180 dự án TĐN đang vận hành, cung ứng khoảng 1.730 MW. Hiện các nhà máy đang tham gia thị trường bằng hai cách, chào giá phát điện cạnh tranh hoặc áp dụng biểu giá chi phí tránh được theo quy định.
Theo các chuyên gia, thông tư mới với những quy định và hướng dẫn chi tiết, rõ ràng đã tạo thuận lợi cho các nhà máy điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các TĐN. Cụ thể, biểu giá chi phí tránh được sẽ được tính trên cả hệ thống, khi giá điện không tăng, chi phí tránh được tăng thì chủ đầu tư vẫn được hưởng giá cao vì không phụ thuộc vào giá bán lẻ điện. Mặt khác, do sản lượng của các TĐN không cao, khoảng 4,5 tỷ kWh/năm, chỉ chiếm 2-3 % tổng sản lượng nên DN không phải lo lắng về thị trường đầu ra với thời gian ổn định 20 năm. EVN cũng cam kết sẽ mua tối đa sản lượng (trừ khi cung vượt cầu)) và sẽ không nợ một đồng nào.
Ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc công ty CP thủy điện Gia Lai – cho biết, thời gian trước đây TĐN gặp khó khăn vì lãi suất ngân hàng, rồi chính sách thuế, phí đều tăng, nay áp dụng biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mẫu sẽ giúp DN giảm áp lực tài chính, đồng thời tận dụng tối đa nguồn tài nguyên để phát điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.