ThienNhien.Net – Mặc dù, diện tích trồng sắn của tỉnh Đắk Lắk đã lên tới 28.000 – 32.000 ha/năm, với 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn nhưng mới đây, UBND tỉnh này vẫn đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép xây dựng thêm 4 nhà máy nữa.
Theo thống kê của Sở NN- PTNT tỉnh Đắk Lắk nếu, năm 2009, toàn tỉnh Đắk Lắk có 24.000 ha, năm 2011 tăng lên trên 31.000 ha (sản lượng 610.000 tấn), năm 2012 có gần 26.000 ha (sản lượng 470.000 tấn), năm 2013 trên 29.000 ha (sản lượng trên 570.000 tấn), thì đến năm 2014 khoảng 32.000 ha, với sản lượng ước khoảng 1 triệu tấn củ tươi/năm.
Hệ lụy hiển hiện
Theo ông Trịnh Tiến Bộ – Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, việc ồ ạt trồng sắn như hiện nay, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Thứ nhất: việc phá rừng trồng sắn đã làm gia tăng tình trạng hạn hán, các mạch nước ngầm giảm sút, mỗi khi mưa lũ, mức độ thiệt hại sẽ khôn lường. Thứ hai, tình trạng nông dân ồ ạt trồng sắn, sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu của các nhà máy mía đường. Có diện tích mía trồng 2-3 vụ sắn liên tiếp, trong khi đó kinh phí đầu tư để phục hồi đất chưa tương xứng, dẫn đến năng suất thấp vì đất bạc màu. Cuối cùng là, việc người dân tự phát mở rộng diện tích trồng sắn đã phá vỡ hệ sinh thái môi trường, đồng cỏ bị thu hẹp, đàn bò cũng ít dần vì không có thức ăn.
Theo đại diện Cty CP Lương thực vật tư nông nghiệp Đắk Lắk, đơn vị có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất khoảng 60.000 tấn/năm, mỗi năm Cty cần 200- 240 ngàn tấn sắn nguyên liệu,hoạt động trong điều kiện đặc thù của Đắk Lắk thu hoạch sắn kéo dài khoảng 10 tháng trong đó cao điểm nhất là tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Do thu hoạch không tập trung nên các vùng nguyên liệu trong tỉnh không đáp ứng đủ cho các nhà máy cùng thời điểm, vì vậy Cty phải thu mua thêm sắn tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Nông, Lâm Đồng. Như vậy, với việc UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý quy hoạch xây dựng mới 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn thì mỗi năm nhu cầu sắn nguyên liệu tăng thêm cả trăm ngàn tấn và với năng suất hiện tại thì cần tiếp khoảng hơn 5.000 ha sắn mới đủ nguyên liệu.
Thay đổi tư duy quy hoạch
Muốn khống chế được diện tích sắn trong quy hoạch cho phép thì phải kiểm soát số lượng và công suất các nhà máy chế biến sắn. |
Theo TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện chiến lược chính sách NN – PTNT, đứng về phía người trồng sắn, bình quân mỗi ha sắn nông dân đầu tư từ 10-15 triệu đồng sẽ thu được 25-30 tấn. Với giá bán cao, trung bình người trồng sắn sẽ thu lãi 30-35 triệu đồng/ha. Với cái lợi từ giá trị kinh tế cây sắn như vậy người dân đổ xô đi trồng loại cây này là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, lựa chọn cây trồng để làm giàu là quyền của mỗi người nông dân.Đứng ở góc độ DN, có cung ắt sẽ có cầu và cái lý mà DN đưa ra rằng, xây dựng thêm nhà máy chế biến sắn là với mục địch đáp ứng nhu cầu trồng sắn ngày càng nhiều của người trồng và để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cũng là rất hợp lý. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là cách chúng ta quản lý và quy hoạch quản lý như thế nào chứ không đơn giản chỉ là quyết định có cho xây dựng nhà máy hay không. Nghĩa là phải quản lý được vùng nguyên liệu. Mà muốn khống chế được diện tích sắn trong quy hoạch cho phép thì phải kiểm soát số lượng và công suất các nhà máy chế biến sắn – ông Sơn chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hiệp hội Sắn VN cũng cho rằng, sắn đã được quy hoạch là loại cây trồng công nghiệp và nhà máy chế biến là đầu mối thu mua chính. Trong khi đó, công suất hoạt động của các nhà máy tại tỉnh này vẫn chưa phát huy tối đa, thậm chí nhiều nhà máy xây dựng xong “đắp chiếu”. Vì vậy, thay vì việc tiếp tục phê duyệt cho xây dựng thêm 4 nhà máy chế biến thì UBND tỉnh Đắk Lắk cần phải có sự rà soát cụ thể năng lực của từng nhà máy. Nghĩa là, cần tính ra được sản lượng nguyên liệu và quyết định số lượng, quy mô các nhà máy chế biến sắn trên địa bàn tỉnh. Nếu nhà máy nào không đảm bảo đủ yêu cầu đặt ra về mặt kỹ thuật cũng như về mặt thị trường thì cần phải có sự đầu tư cả về dây chuyền sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đây mới chính là con đường phát triển lâu dài và bền vững – ông Lạng chia sẻ.