ThienNhien.Net – Tỉnh Yên Bái bắt đầu thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn vào cuối năm 2008 theo Nghị định số 63 của Chính phủ. Tuy nhiên, mức thu chưa phù hợp, gây nhiều thất thoát ngân sách Nhà nước, đặc biệt là sử dụng sai mục đích.
Thất thoát
Đến quý III/2014 toàn tỉnh Yên Bái có 114 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được cơ quan thẩm quyền cấp 164 giấy phép khai thác khoáng sản, với 7 nhóm khoáng sản các loại, tổng diện tích đất cấp phép là 2.351 ha. Thời điểm hiện tại, tỉnh Yên Bái có 116 giấy phép đang còn thời hạn của 84 doanh nghiệp, trong đó có 63 doanh nghiệp đang khai thác và có phát sinh số nộp ngân sách về phí bảo vệ môi trường (BVMT). Số tiền phí BVMT đã nộp ngân sách tăng lên hàng năm, cụ thể năm 2013 thu gần 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Đào Xuân Hồng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái: “Hiện nay, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được tính theo sản lượng khoáng sản khai thác do đơn vị khai thác kê khai. Đây là kẽ hở lớn bởi trên thực tế các đơn vị khai thác khoáng sản thường kê khai mức sản lượng thấp hơn nhiều so với thực tế nhằm trốn một phần phí phải nộp cho ngân sách Nhà nước”. Theo cách tính của ông Hồng, ví dụ 100 khối đá hoa trắng lấy ra khỏi núi thì doanh nghiệp chỉ thu được 10 khối đá sản phẩm và phải nộp thuế, phí môi trường trên cơ sở sản phẩm đó, vậy 90 khối còn lại sẽ ra sao? Trong khi đó, mức thu phí môi trường của một số tài nguyên có giá trị kinh tế cao như: Đá hoa trắng, đá Block, khoáng sản kim loại còn quá thấp so với lợi nhuận thu được của các doanh nghiệp khai thác.
Ông Hồng cũng cho rằng, mức thu và số thu ngân sách từ phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản chưa tương ứng với mức độ ảnh hưởng về môi trường, và sự xuống cấp của hạ tầng giao thông do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra trên địa bàn.
Ông Lê Đình Đạo, Chủ tịch Hội Địa chất – Khoáng sản tỉnh Yên Bái chỉ ra mâu thuẫn việc thu phí môi trường giữa các loại khoáng sản chưa phù hợp. Theo ông Đạo, phải căn cứ vào mức độ ảnh hưởng đến môi trường của hoạt động khai thác loại khoáng sản đó. Thế nhưng Nghị định 74/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản lại căn cứ vào giá trị của khoáng sản. Vì vậy, Chính phủ cần có quy định rõ, yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp phí BVMT trên sản lượng đăng ký khai thác theo giấy phép khai thác hàng năm, tránh tạo khe hở để các doanh nghiệp thu lợi, gây thất thoát nguồn ngân sách của Nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Quý, Hội Tuyển khoáng Việt Nam cho biết: Tình trạng lãng phí trong hoạt động khai thác khoáng sản còn khá phổ biến. Các doanh nghiệp chưa sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên. Việc quy định thuế tài nguyên khoáng sản được tính trên sản lượng khoáng sản thương phẩm thực tế khai thác được, đã dẫn đến tình trạng các đơn vị khai thác không tận dụng triệt để tài nguyên, chỉ chọn loại tốt, dễ làm, còn khó thì bỏ. Mặt khác, vấn đề sở hữu tài nguyên khoáng sản “toàn dân” và cơ chế “xin – cho” trong cấp phép khai thác khoáng sản đã làm hạn chế tính chủ động và trách nhiệm của các doanh nghiệp được cấp phép trong việc tận dụng, tiết kiệm tài nguyên.
Sử dụng phí BVMT sao cho hợp lý
Ông Lê Đình Đạo, Chủ tịch Hội Địa chất – Khoáng sản tỉnh Yên Bái cho biết: Ở tỉnh Yên Bái còn thiếu cơ chế quản lý, giám sát sử dụng phí BVMT nên thực tế còn nhiều bất cập, tình trạng sử dụng phí này sai mục đích khá phổ biến.
Ở Yên Bái, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản là một khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước, số phí thu được nộp 100% và được phân chia cho từng cấp ngân sách theo quy định tại Nghị quyết số 27/2012 của HĐND tỉnh Yên Bái. Theo quy định thì cấp tỉnh được hưởng 20% để bổ sung Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh, cấp huyện hưởng 50%, cấp xã hưởng 30% nhưng mức trích tối đa không quá 1 tỷ đồng/xã/năm, số còn lại sẽ được điều tiết về ngân sách huyện.
Theo ông Đào Xuân Hồng, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng nguồn thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái như hiện nay đã bảo đảm hợp lý và khá phù hợp với địa phương. Tuy nhiên, ông Đinh Hồng Mỹ, Chủ tịch UBND xã Mông Sơn cho rằng thực hiện như vậy không phù hợp. Ông Mỹ giải thích: Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Mông Sơn khá nhiều, khối lượng rất lớn, đã gây ra tác hại về môi trường, đời sống người dân gặp không ít khó khăn, đường giao thông bị tàn phá, chịu tác hại về môi trường. Vậy, kinh phí 1 tỷ đồng chỉ như muối bỏ bể cho bảo vệ môi trường ở xã. Năm 2013, theo như phân bổ phí BVMT 30% cấp xã thì xã Mông Sơn được hưởng hơn 1,3 tỷ đồng, nhưng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh thì xã chỉ được cấp là 1 tỷ đồng.
Xã Mông Sơn sử dụng nguồn thu này để tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường như: Trồng cây xanh, đầu tư xây dựng khu thu gom rác thải tập trung, mở rộng nghĩa trang… Việc sử dụng phí BVMT ở Yên Bái cũng là vấn đề cần quan tâm, khi Phó Chủ tịch huyện Yên Bình Nguyễn Đức Điển cho rằng các thông tư của Chính phủ vẫn chưa quy định rõ các danh mục chi cụ thể của phí BVMT, nên mới có chuyện sử dụng nguồn phí BVMT không hợp lý.