ThienNhien.Net – Nghiên cứu vừa công bố của Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) cho thấy mỗi năm có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác nhựa, đồng thời cảnh báo mối nguy hại từ các “đảo rác” hình thành ở các đại dương hay còn được biết đến như “Lục địa thứ bảy.”
Do bị các dòng hải lưu chi phối, rác nhựa với 80% tổng khối lượng là hợp chất khó phân hủy polyethylene, bị mắc kẹt trong các vòng xoáy đại dương mà không có cơ hội phân hủy dưới tác động của vi khuẩn và nấm từ đó hình thành các đảo rác lớn trên đại dương.
Và khi phân hủy, các phân tử rác nhựa nhỏ có thể chìm xuống tới độ sâu 1,5 km dưới mặt nước biển và trở thành thức ăn trong cho khoảng 30% các loại cá. Không chỉ các động vật dưới biển mà cả chim biển cũng thường nhầm rác nhựa là thức ăn.
Năm 2011, Tổ chức Bảo tồn cá voi và cá heo cảnh báo rằng rác nhựa là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với các động vật này.
Cho đến nay, Thái Bình Dương là nơi có đảo rác lớn nhất. “Đảo” này nằm giữa bờ biển California và đảo Hawai, với diện tích 3,5 triệu km2 (gấp 7 lần diện tích nước Pháp). Hàng năm diện tích đảo rác này tăng lên 80.000km2.
Hồi tháng Bảy vừa qua, một nhóm chuyên gia thuộc Đại học Cadiz (Tây Ban Nha) cũng công bố nghiên cứu cho thấy rác thải chất dẻo hiện tồn tại trên 88% bề mặt đại dương của thế giới, với số lượng tổng cộng vào khoảng 10.000-40.000 tấn.
Theo nhóm nghiên cứu này, các “hạt chất dẻo siêu nhỏ” có thể tồn tại hàng trăm năm, ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn của các sinh vật biển, là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển khi bị nuốt phải như rùa, cá heo và cá voi hoặc tác động tiêu cực tới môi trường sống như các rặng san hô.