ThienNhien.Net – Khoáng sản ở Yên Bái rất phong phú, đa dạng về chủng loại, tuy nhiên, nguồn thu cho địa phương từ hoạt động này thấp, môi trường bị tàn phá nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Bài 1: Lời nguyền khoáng sản
Các doanh nghiệp tiến hành khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Mông Sơn, huyện Yên Bình từ năm 1997, đến nay đã gần 20 năm. Từ đó đến nay, người dân nơi đây phải chịu khổ vì bụi bẩn, đá rơi vào nhà, bệnh tật phát sinh. Đặc biệt, do lượng lớn xe tải chở đá và quặng thường xuyên qua lại nên hệ thống đường giao thông bị tàn phá, xuống cấp nặng nề, đi lại rất khó khăn.
Sống chung với bụi
Từ trung tâm huyện Yên Bình (Yên Bái) vào xã Mông Sơn khoảng 24 km nhưng đi xe ô tô mất hơn một tiếng đồng hồ, đường đi lồi lõm, bụi mù. Anh Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện đi cùng ví von: “Đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ, còn bà con ở đây thì sống chung với bụi; có chiến tranh là có mất mát, có khu công nghiệp là có ô nhiễm, cái gì cũng có hai mặt của nó”. Anh Trung nói nghe như đùa mà là thật, đúng với thực trạng ở xã Mông Sơn. Lượng lớn xe tải chở quặng, đá… ra vào thường xuyên nên tuyến đường này bị tàn phá, xuống cấp trầm trọng, nắng bụi, mưa lầy, người dân đi lại rất khó khăn. Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết “đã nhiều lần sửa sang lại tuyến đường này nhưng sửa xong rồi lại hỏng, vì lượng vận tải quá lớn”.
Theo đề nghị của nhóm phóng viên, UBND huyện đã liên hệ trước vào xã Mông Sơn để triệu tập lãnh đạo xã, các đoàn thể, trưởng thôn và người dân gần điểm mỏ để tiếp xúc với báo chí. Năm giờ hơn, mọi người vẫn chờ để được phản ánh chuyện ô nhiễm môi trường, chuyện doanh nghiệp nổ mìn không có giờ giấc, bắn đá vào nhà dân, đá nổ đổ xuống ruộng… Ông Trần Văn Mão, 53 tuổi ở thôn Làng Mới gay gắt: “Công ty Cổ phần xi măng Yên Bình khai thác đá cách các hộ dân khoảng 250m theo đường chim bay, bốn năm rồi chúng tôi phải chịu khổ.
Công ty nghiền bột đá rất bụi, nhưng không có hệ thống tưới nước, làm nhiều lúc quá giờ quy định, gây tiếng ồn quá lớn. Đặc biệt, giờ nổ mìn ghi trên biển là 11 giờ 30 phút và 17 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút nhưng Công ty nổ mìn vô tội vạ, không đúng giờ quy định, khi nổ không có bất kỳ thông báo nào cho người dân biết. Tháng 7/2013, họ nổ mìn đá bắn rơi vào nhà anh Trần Văn Cường, làm vỡ hai tấm lợp pôroximăng, may không gây thương tích về người, còn nhà bên cạnh bị vỡ cửa kính. Người dân chúng tôi đã có đơn thư lên huyện, tỉnh nhưng vẫn vậy…”.
Bà Vũ Thị Trâm, trưởng thôn Tân Minh cho biết cạnh thôn có ba đơn vị khai thác đá làm ô nhiễm môi trường nặng, nước ăn uống và sinh hoạt bụi bẩn, nổ mìn đá bắn cả vào nhà dân. Bà Trâm thống kê, mỗi năm trong thôn lại có thêm ba đến bốn trường hợp bị ung thư phổi, gan, trước khi các đơn công ty này vào khai thác đá thì ở thông không xẩy ra tình trạng này.
Anh Nguyễn Văn Vinh ở thôn Làng Cạn, xã Mông Sơn bức xúc hơn, vì Công ty CP xi măng Ninh Bình nổ mìn bắn đá vào nhà, một ngày hai lần nổ mìn thì hai lân gia đình anh phải “lánh lạn”. Anh Vinh kể: “Công ty cho các hộ dân ở đây một tháng một triệu đồng để khi nào có còi báo hiệu nổ mìn thì phải chạy trốn. Tôi đã làm đơn lên huyện rồi nhưng không có kết quả gì, đành chịu nhận tiền và hàng ngày chạy trốn đá rơi”. Anh Vinh dùng xe máy tăng bo chở các phóng viên vào nhà để tận mắt chứng kiến nỗi khổ của gia đình mình. Nhà anh Vinh nằm cách mỏ đá hơn 300 m, nguồn nước ăn, uống và sinh hoạt bị nhiễm bụi đen ngàu. Trời tối mịt, chia tay chúng tôi, anh Vinh tha thiết “Các anh, chị giúp phản ánh để người dân chúng tôi đỡ khổ”.
Lợi bất cập hại
Xã Mông Sơn hiện có 6 đơn vị tham gia khai thác khoáng sản, trên tổng diện tích 86ha, tạo việc làm cho trên 50% lao động trên địa bàn, với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Chính quyền đều ghi nhận và đánh giá cao các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã tạo công ăn, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thạc sĩ Lại Văn Mạnh, cán bộ Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng: “Lao động địa phương bị thu hút vào hoạt động khai thác khoáng sản, nên lại gây ra hệ luỵ kìm hãm sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Số lao động này là lao động giản đơn không được đào tạo, vì vậy khi hoạt động khai thác mỏ chấm dứt thì số lượng lao động này sẽ như thế nào? Khai thác khoáng sản không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm thay đổi về cấu trúc xã hội, sức khoẻ con người và sự đa dạng về sinh học… ”. Đây thực sự là bài toán khó giải cho chính quyền địa phương. Chúng tôi hỏi người dân đang làm công nhân thì nhận được câu trả lời “chưa suy nghĩ”.
Quan trọng hơn, khi các hoạt động khai thác khoáng sản ở đây kết thúc thì công tác phục hồi môi trường nguyên trạng ở đây được các đơn vị thực hiện ra sao? Theo ông Đào Xuân Hồng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái: “Các đơn vị, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn khi chấm dứt hoạt động, đóng cửa mỏ, ít đơn vị nào thực hiện đúng quy định. Trong khi đó, phí bảo vệ môi trường mà các đơn vị đóng đã được sử dụng hàng năm, mức đóng này còn quá thấp thì lấy đâu ra kinh phí để phục hồi”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Quý, Hội tuyển khoáng Việt Nam cho biết: Tôi có thời gian dài tham gia trong lĩnh vực này, đi nhiều điểm mỏ, khảo sát đời sống của người dân xung quanh và rút ra vấn đề như “lời nguyền khoáng sản”. Hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra sôi nổi nhưng đời sống của nhân dân không thay đổi, nó kéo theo nhiều hệ luỵ về môi trường, đường giao thông, sức khoẻ con người… Tôi nghĩ, Chính phủ và chính quyền địa phương cần có chế tài để các doanh nghiệp khai thác khoáng sản sau khi chấm dứt hoạt động phải có trách nhiệm khôi phục cả về môi trường, và khôi phục cả sinh kế cho người dân.
Bài cuối: Bất cập thu, chi quỹ bảo vệ môi trường