Kinh nghiệm xanh hóa ngành công nghiệp nhựa ở Thái Lan

ThienNhien.Net – Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Do đó, xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có được coi là nhiệm vụ cần thiết và là chìa khóa giảm nhẹ biến đổi khí  hậu, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Là một quốc gia mới công nghiệp hóa ở khu vực Đông Nam Á, nhận thức được tầm quan trọng của xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có, Thái Lan đã thực hiện chương trình Xanh hóa công nghiệp nhựa từ năm 2003. Kinh nghiệm của chương trình này có thể sẽ là những bài học quý báu cho Việt Nam trong việc thực hiện xanh hóa công nghiệp.

Thái Lan là quốc gia hàng đầu xuất khẩu nhựa trong khu vực ASEAN, với hơn 4.000 công ty trong ngành và khách hàng trên toàn thế giới. Đây cũng là một quốc gia giàu nhiên liệu sinh khối. Đất nước này sở hữu đầy đủ các nguồn tài nguyên có thể cung cấp nhiên liệu sinh học, đặc biệt, đường và sắn được bán với giá cạnh tranh để hỗ trợ cho công nghiệp nhựa sinh học. Bằng cách khai thác tiềm năng, mạng lưới và nguồn lực của ngành công nghiệp nhựa thông thường, Thái Lan có cơ hội chuyển đổi sang công nghiệp nhựa sinh học.

Năm 2003, nhựa sinh học nổi lên như một ngành công nghiệp xanh tiềm năng cho Thái Lan. Nghiên cứu khả thi của Chính phủ Thái Lan cho thấy đất nước này sở hữu nhiều lợi thế về khả năng cung ứng cũng như cơ sở hạ tầng. Theo đó, Chính phủ đã cho xây dựng một lộ trình cụ thể để phát triển ngành này với các mục tiêu, chỉ số, kế hoạch hành động…

Năm 2006, Hiệp hội nhựa sinh học Thái Lan đã được thành lập nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh và các nguồn lực hỗ trợ cho lộ trình phát triển ngành công nghiệp nhựa sinh học quốc gia. Một năm sau đó, Hiệp hội nhựa sinh học Thái Lan đã thay thế bằng Hiệp hội công nghiệp nhựa Thái Lan. Sau năm năm hình thành Hiệp hội đã thu hút được 50 thành viên so với con số 5 thành viên ban đầu.

Năm 2008, một lộ trình định hướng hợp tác giữa các cơ quan chính phủ nhằm thúc đẩy toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp nhựa sinh học đã được hoạch định thông qua bốn chiến lược, bao gồm: thúc đẩy nguồn cung nguyên liệu sinh khối, đẩy nhanh việc phát triển công nghệ mới, xây dựng các ngành công nghiệp bổ trợ và phát triển các sáng kiến kinh doanh, thiết lập cơ sở hạ tầng hỗ trợ.

Tổng ngân sách cho các chiến lược của lộ trình tại thời điểm đó là 1,8 tỷ Bạt (57, 5 triệu USD), và đầu tư của chính phủ cho khu vực tư nhân dự kiến ​​sẽ khoảng 5,5 tỷ Bạt (175, 6 triệu USD ) trong giai đoạn 5 năm thực hiện. Bên cạnh đó, chính phủ tài trợ 1 tỷ Bạt cho nghiên cứu và phát triển công nghệ nhựa sinh học. Trong đó, mười phần trăm được sử dụng để đẩy nhanh tiến độ phát triển các công nghệ có khả năng triển khai ngay lập tức. Phần còn lại được phân bổ để phát triển các công nghệ mới tại chỗ.

Ảnh: www.tbia.or.th
Ảnh: www.tbia.or.th

Để khuyến khích đầu tư tư nhân, Ủy ban đầu tư Thái Lan đưa một số ưu đãi đầu tư. Các ưu đãi thuế gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm và giảm thêm 50% trong 5 năm; giảm chi phí lắp đặt và xây dựng cơ sở hạ tầng; giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc và nguyên liệu. Các ưu đãi phi thuế bao gồm quyền sở hữu đất cho nhà đầu tư nước ngoài; cho phép đưa các chuyên gia nước ngoài và kỹ thuật viên vào làm việc; tạo điều kiện cho giấy phép lao động và thủ tục visa.

Chính phủ cũng đồng thời đưa ra các sáng kiến và ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào cơ sở sản xuất. Trong năm 2008, tập đoàn Hà Lan, Purac đã mở một cơ sở sản xuất hợp chất hóa học có khả năng phân hủy sinh học tiên tiến ở Thái Lan. Trong năm 2010, Purac đầu tư thêm 2 tỷ Bạt cho một cơ sở sản xuất mới nằm trong cùng khu công nghiệp liên hợp. Năm 2011, Mitsubishi và PPT công bố một dự án 6 tỷ Bạt để xây dựng nhà máy đầu tiên sản xuất nhựa có khả năng phân hủy sinh học từ đường.

Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích các công ty hợp tác với các công ty nhựa sinh học quốc tế và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế. Hiệp hội công nghiệp nhựa sinh học Thái Lan đã cộng tác với các công ty hoạt động trong công nghiệp nhựa sinh học từ Liên minh châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan- Trung Quốc và Mỹ.

Ngoài ưu đãi đầu tư, chính phủ còn có các chính sách khác nhằm quảng bá cho việc sử dụng nhựa sinh học, cho sự phát triển các tiêu chuẩn công nghiệp Thái Lan đối với nhựa sinh học và ý thức người tiêu dùng. Các kế hoạch hành động của lộ trình và sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc phát triển ngành công nghiệp nhựa sinh học.

Việc lựa chọn ngành công nghiệp để xanh hóa phụ thuộc chặt chẽ với điều kiện của từng quốc gia cũng như các đặc điểm cụ thể của từng địa phương như nguồn lực hiện có, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn công nghệ hoặc hệ thống kinh doanh hiện có… Mặc dù những thành công trong xanh hóa công nghiệp nhựa có thể là duy nhất phù hợp cho Thái Lan, các ngành và lĩnh vực công nghiệp khác ở Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo mô hình này để vận dụng vào điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Hoàng Quỳnh – TT Nghiên cứu Đào tạo Việt Nam-Hàn Quốc, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH