ThienNhien.Net – Trong khi dự án xây dựng hồ chứa nước thủy lợi Đồng Xô (xã Vân Hòa, Ba Vì) còn đang thi công thì sườn núi Ba Vì phía trên đập đã xuất hiện một vết nứt bất thường. Đáng lưu ý, vết nứt có thể sạt xuống với khối lượng đất đá lên tới 200.000m3 nếu gặp mưa lớn kéo dài.
Quản lý không biết núi bị nứt
Tại phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì (thuộc tiểu khu 6, xã Vân Hòa), sườn núi xuất hiện vết nứt đứt đoạn dài hơn 300m ở độ cao cốt 100m đến cốt 200m, đe dọa đổ ụp xuống lấp toàn bộ đập tràn công trình thủy lợi hồ Đồng Xô và cửa suối Cùm Cắm (xóm Xoan, xã Vân Hòa). Vết nứt này nằm trên diện tích nhận khoán, bảo vệ và chăm sóc rừng của hộ ông Phùng Đức Việt và ông Nguyễn Văn Dinh thuộc khoảnh 7, lô 4a-4b-5 và khoảnh 4, lô 1a, 1b. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, điểm nứt theo hình vòng cung, rộng từ 20-60cm, sâu từ 60-80cm; xung quanh một số vết nứt lớn còn xuất hiện nhiều vết nứt nhỏ đi kèm kiểu hình bậc thang. Vết nứt đang ngày một mở rộng và đã quật đổ không ít cây to mọc xung quanh. Toàn bộ phần núi phía hồ Đồng Xô đã bị tụt hẳn xuống chừng 40-80cm.
Ông Phùng Đức Việt cho hay, vết nứt xuất hiện hơn 1 năm nay, ban đầu nhỏ và ngắn, nhưng sau mỗi trận mưa to kéo dài, vết nứt ngày càng rộng hơn. Khi công trình thủy lợi hồ Đồng Xô do Công ty CP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh khởi công xây dựng được một thời gian thì thấy xuất hiện vết nứt. “Nếu có mưa kéo dài vài ngày thì hàng trăm nghìn m3 đất đá sẽ trôi trượt, lấp toàn bộ cửa đập tràn công trình thủy lợi hồ Đồng Xô và cửa suối Cùm Cắm”, ông Việt lo lắng.
Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Hùng, Phó Giám đốc VQG Ba Vì nói, không biết việc xuất hiện vết nứt bất thường và nghiêm trọng trên khu vực núi Ba Vì. Còn ông Phùng Văn Nhớn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Vì cho biết, lực lượng Kiểm lâm cũng chưa lên đó kiểm tra bao giờ nên chưa nắm được tình hình: “Chúng tôi nhìn từ dưới lên cũng thấy có hiện tượng sạt lở, nhưng vì chưa kiểm tra nên không rõ tình hình cụ thể ra sao”. Ông Bùi Hữu Thế, Phó Giám đốc VQG Ba Vì nhìn nhận: “Về nguyên tắc, chúng tôi phải quản lý mọi diễn biến thuộc VQG Ba Vì, nhưng thực tế, anh em lâu nay cũng không có thời gian quan tâm đến việc sạt lở, nứt núi”. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được phản ánh từ phóng viên, ông Hùng và ông Nhớn khẳng định, sẽ chỉ đạo kiểm tra và báo cáo UBND huyện Ba Vì cũng như Bộ NN&PTNT để nghiên cứu cụ thể mức độ nghiêm trọng và đề xuất biện pháp xử lý.
Có thể lở đất nếu gặp mưa lớn
Đánh giá về vết nứt nghiêm trọng trên núi Ba Vì thuộc địa bàn xã Vân Hòa, một số chuyên gia địa chất cho rằng, khả năng lở núi rất cao vì vết nứt rộng, kéo dài hình vòng cung. Hơn nữa, núi Ba Vì có lớp đất mỏng, nhiều lá cây tạo mùn, rất dễ ngậm nước. “Nhìn những vết nứt này có thể xem là nghiêm trọng. Với lượng mưa từ 150-200mm, kéo dài vài ngày thì việc xảy ra sạt trượt toàn bộ mảng núi này là hoàn toàn có thể, kéo theo khoảng 200.000m3 đất đá xuống phía dưới, vùi lấp toàn bộ hồ Đồng Xô cũng như diện tích đồng ruộng xung quanh. Thậm chí có thể gây vỡ đập”, một chuyên gia nhận định.
Theo phân tích, có 3 nguyên nhân có thể dẫn tới vết nứt này. Một là, khi xây dựng đập Đồng Xô đã tạo độ dốc quá lớn. Thứ hai do chân núi mất đối trọng, mất phản áp. Thứ ba có thể do độ chắc của nền đất không còn vì đã ngậm nước. Ông Bùi Hữu Thế nhận định, khả năng xuất hiện vết nứt là do việc tích nước ở hồ Đồng Xô khiến nước ngấm vào gây yếu chân.
Liên quan đến việc xây dựng hồ Đồng Xô, năm 2007, UBNB tỉnh Hà Tây (cũ) đã phê duyệt dự án để phục vụ thủy lợi. Với kinh phí hơn 19 tỷ đồng và thi công trong 2 năm 2007-2008 nhưng đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành.
Đáng nói, trước khi xây dựng hồ Đồng Xô, chủ đầu tư là UBND huyện Ba Vì đã xin mượn tạm 9,5ha rừng của VQG Ba Vì từ cốt 100m đến cốt 175m để lấy đất đắp vào thân đập, vì độ dốc taluy quá lớn, dễ gây xói lở. Tuy nhiên, ông Phùng Văn Nhớn cho biết, đơn vị thi công đến nay chỉ sử dụng khoảng 2.700m2 trong tổng số 9,5ha đất cho mượn tạm. Đề cập đến thời hạn trả lại 9,5ha đất rừng, lãnh đạo VQG cũng như Hạt Kiểm lâm Ba Vì đều cho biết, khi nào công trình hồ Đồng Xô xong, đơn vị thi công trồng lại rừng sẽ bàn giao lại cho Vườn song không đề cập thời hạn cụ thể.